DN Việt cần đưa "hội nhập" vào chiến lược kinh doanh

LÊ LOAN| 22/09/2015 02:51

Với việc AEC sẽ thành lập vào cuối năm nay và hàng loạt FTA mà Việt Nam đã hoặc sắp ký kết, đòi hỏi DN Việt phải nắm rõ các "luật chơi"của nền kinh tế toàn cầu, cũng như hiểu sâu hơn về đối tác, thị trường các nước.

DN Việt cần đưa

Với việc Cộng đồng Kinh tế ASEAN sẽ thành lập vào cuối năm nay và hàng loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã hoặc sắp ký kết, đòi hỏi doanh nghiệp (DN) Việt Nam phải nắm rõ các "luật chơi"của nền kinh tế toàn cầu, cũng như hiểu sâu hơn về đối tác, thị trường các nước.

Đọc E-paper

Đây là những vấn đề được đề cập, phân tích tại hội thảo "Bí kíp làm giàu" với chủ đề "Nâng cao năng lực cạnh tranh của DN và những hiệp định thương mại tự do thế hệ mới".

Chương trình do Công ty CP Tri thức Doanh nghiệp Quốc tế (IBK Corp), Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM và Cổng Thông tin điện tử Chính phủ phối hợp tổ chức ngày 18/9 tại TP.HCM.

Đi sâu vào các chủ đề: Vị thế của nền kinh tế Việt Nam và các DN trong bối cảnh hội nhập hiện nay; giải pháp nào để DN tồn tại và phát triển bền vững trong thời kỳ hội nhập; những điểm mấu chốt mà DN cần biết khi Việt Nam tham gia Cộng đồng Kinh tế ASEAN, cùng hàng loạt các FTA, các chuyên gia kinh tế, giáo sư và các nhà điều hành DN đã cùng phân tích và đưa ra nhiều giải pháp hướng đến việc hỗ trợ DN thời kỳ hội nhập.

Theo ông Võ Trí Thành - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương, hiện nay gần như tất cả các DN nhỏ và vừa của Việt Nam không thể lồng ghép yếu tố hội nhập vào chiến lược kinh doanh.

"Qua nghiên cứu, cho thấy các DN Việt Nam rất ít sử dụng lợi nhuận kinh doanh để tái đầu tư. Trừ một số ít DN thì đại đa số DN Việt Nam đều ủng hộ và rất thích thị trường tự do. Song, phần lớn lại rất ngại cạnh tranh", ông Thành nói.

"Nói đến hội nhập, cả Chính phủ và DN cần nhìn nhận, ngành nghề nào Việt Nam có lợi thế cạnh tranh thì phát triển mạnh, như nông sản, thủy sản, dệt may, da giày, còn những ngành nghề Việt Nam không có lợi thế cạnh tranh như thép, ô tô sẽ bị thu hẹp.

Song, nếu DN muốn cạnh tranh, hãy xem xét bản thân có làm nổi không", ông Thành nói.

Viện dẫn thêm, ông Thành cho hay, Nga mở cửa nhập khẩu hàng hóa Việt Nam, nhưng tình hình kinh tế, tỷ giá, thị trường Nga đang gặp khó khăn, trước mắt, các DN Việt Nam sẽ rất khó để phát triển tại đây, nên phải tìm kiếm những thị trường lớn hơn.

Tại hội thảo, các chuyên gia kinh tế đều nhìn nhận, thực thi các FTA luôn có rủi ro và cơ hội. Gạt bỏ rủi ro còn tùy vào khả năng của các DN.

Hiện nay, bất cứ chính sách kinh tế nào được ban hành đều phải có những cam kết tuân thủ theo một số tiêu chí của thế giới như tiêu chuẩn lao động, môi trường...

Theo ông Bùi Văn - Phó hiệu trưởng Trường Đào tạo Doanh nhân (PACE), DN Việt Nam vẫn chưa được chuẩn bị đầy đủ để hội nhập, dù đã có thời gian tiếp cận khá lâu. DN Việt Nam cần những thông tin cụ thể, sát với thực tế về các FTA và phải được định hướng rõ đối với từng ngành.

Chẳng hạn, đối với ngành thủy sản, DN và nông dân cần biết yếu tố nào khiến sản phẩm du nhập vào thị trường các nước mà không gặp rào cản từ thuế quan và rào cản kỹ thuật.

"Khả năng và vai trò này thuộc về các hiệp hội. Hiệp hội sẽ thay mặt DN nghiên cứu thị trường, cập nhật những thông tin để hỗ trợ cho DN. Tuy nhiên, nếu hiệp hội làm không tốt thì DN sẽ bỏ hội hay dịch chuyển từ hiệp hội này sang hiệp hội khác. Các hiệp hội lớn ở nước ngoài đã có sự chuẩn bị và làm rất tốt việc này", ông Bùi Văn nói.

Mặc dù vậy, ông Văn cũng khuyến cáo DN phải chủ động để việc hội nhập được tốt hơn.

Theo báo cáo của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) về năng lực cạnh tranh toàn cầu năm 2014 - 2015, Việt Nam dù đã tiến hai bậc nhưng vẫn xếp thứ 68/148 nền kinh tế.

Báo cáo Môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới (WB) xếp hạng Việt Nam ở vị trí 78/189 quốc gia, cho thấy DN Việt Nam cần phải tăng tốc để bắt kịp quá trình hội nhập với nền kinh tế thế giới.

Theo TS. Trần Thanh Toàn, Trưởng Khoa Quản trị kinh doanh Trường Đại học Lao động - Xã hội, Việt Nam tự hào là nước xuất khẩu gạo đứng thứ hai trên thế giới, nhưng đến nay vẫn chưa có một thương hiệu gạo chính danh nào.

Trong khi đó, Campuchia đã có 8 thương hiệu gạo, xuất khẩu sang 54 quốc gia và vùng lãnh thổ. Thái Lan có đến 10 thương hiệu gạo tại thị trường xuất khẩu. Vì sao lại như vậy?

Theo TS. Toàn, phần lớn DN Việt Nam không xây dựng mạng lưới phân phối trực tiếp ở nước ngoài. Nhiều DN chưa nhận thức được tầm quan trọng của các kênh phân phối cũng như hệ thống dịch vụ.

Để cải thiện vấn đề, TS. Toàn cho rằng, các DN Việt Nam nên nghĩ đến việc liên doanh, liên kết với các DN lớn hoặc cùng ngành.

>Chiến lược kinh doanh của "Vua ngọc trai"

>Chiến lược con người phải phù hợp với chiến lược kinh doanh

>Chiến lược kinh doanh của người Thái

>Cội nguồn chiến lược kinh doanh của người Nhật

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
DN Việt cần đưa "hội nhập" vào chiến lược kinh doanh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO