Công nghiệp chế biến ca cao: Lời giải 100 ngàn héc-ta

PHAN LÊ| 18/03/2011 04:57

Chẳng ai có thể phủ nhận tiềm năng của Việt Nam trong việc phát triển vùng nguyên liệu ca cao nhưng thực tế, ngành công nghiệp chế biến ca cao vẫn chưa thể tạo được tính cạnh tranh so với Indonesia hay Malaysia.

Công nghiệp chế biến ca cao: Lời giải 100 ngàn héc-ta

Dù đã có mặt tại Việt Nam từ năm 1858 và được “tái giới thiệu” năm 1980, nhưng “số phận” cây ca cao vẫn bấp bênh, bởi không tìm được đầu ra. Từ năm 2004, Việt Nam hướng đến mục tiêu trồng 100.000ha cây ca cao vào năm 2020.

Chẳng ai có thể phủ nhận tiềm năng của Việt Nam trong việc phát triển vùng nguyên liệu ca cao nhưng thực tế, ngành công nghiệp chế biến ca cao vẫn chưa thể tạo được tính cạnh tranh so với Indonesia hay Malaysia.

“Thượng nguồn”: vẫn còn bỏ ngỏ

Tính khép kín của một ngành công nghiệp giống như một dòng sông: thượng nguồn - trung nguồn và hạ nguồn. Đối với ngành công nghiệp sản xuất và chế biến ca cao cũng vậy, khâu "thượng nguồn" được sánh với việc trồng trọt; "trung nguồn" chính là công đoạn tạo ra nguyên liệu thô (tạo bột ca cao, bơ...) và "hạ nguồn" sẽ cho ra sản phẩm cuối cùng (chẳng hạn như sô-cô-la). Nếu nhìn một cách toàn diện, Việt Nam có nhiều lợi thế để phát triển mảng “thượng nguồn”, tức tạo vùng chuyên canh cây ca cao.

Cụ thể, khi Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ có chính sách khuyến khích và hỗ trợ Việt Nam trồng ca cao (năm 2003), giá ca cao đã tăng từ 1.500 - 3.000 USD/tấn (giá trị của ca cao có thể gấp 3 lần cà phê, đạt mức 70.000 đồng/kg).

Giá tăng mạnh, đầu ra ổn định chính là động lực thúc đẩy nông dân trồng cây ca cao (thu hút khoảng 30.000 nông dân tham gia trồng cây này). Chính vì thế, diện tích gieo trồng ở khu vực phía Nam đã tăng từ 1.218ha (năm 2004) lên 16.725ha (năm 2010).

Đứng ở góc độ doanh nghiệp, ông Trần Văn Liêng, Tổng giám đốc Công ty CP Ca cao Việt Nam (VinaCacao), cho biết, nhu cầu về các sản phẩm từ ca cao luôn có, nếu không nói mỗi năm đều tăng.

Chỉ tính riêng châu Âu và Bắc Mỹ đã chiếm trên 50% sản lượng tiêu thụ ca cao của thế giới. Đây sẽ là thời cơ cho Việt Nam khi hội tụ đủ những yếu tố về thổ nhưỡng, khí hậu, nhân công để phát triển cây ca cao...

Khi đề cập đến cây ca cao Việt Nam, ông Bill Guyton, Chủ tịch Hiệp hội Ca cao Thế giới, đưa ra nhận định, Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội để phát triển cây ca cao đại trà, thậm chí, có thể xem đây như loại cây công nghiệp chủ lực. Dù không phải lo về thị trường tiêu thụ bởi nhu cầu của thế giới rất cao, nhưng Việt Nam đang bỏ phí tiềm năng này.

Thật vậy, liên quan đến vấn đề trên, ông Đỗ Hà Nam, Phó chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (Vicofa), cũng cho rằng, hiện Vicofa chủ yếu tập trung phát triển cây cà phê, trong khi cây ca cao chỉ mới được quan tâm. Do đó, Vicofa không cập nhật nhiều về thị trường cũng như sự tăng trưởng của loại cây công nghiệp này.

“Trung nguồn”: chi phối bởi lợi nhuận

Khâu “thượng nguồn” chưa được quan tâm đúng mức, trong khi công đoạn “trung nguồn” cũng không mấy khả quan. Cũng như nhiều mặt hàng xuất khẩu khác của Việt Nam, giá trị gia tăng của cây ca cao không nhiều.

Bởi vì, theo kết quả thống kê từ Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, 92% sản lượng ca cao Việt Nam xuất khẩu dạng hạt khô lên men, còn lại tiêu thụ trong nước ở dạng sản xuất thực phẩm và trái tươi.

Ông Trần Văn Liêng cho biết, doanh nghiệp hiện đã đầu tư thiết bị và nhà máy để tạo ra sản phẩm cuối cùng cho cây ca cao (sô-cô-la thỏi, bột nguyên chất và dạng nước). Tuy vậy, khâu “trung nguồn” lại thực hiện tại Malaysia vì họ có nhiều nhà máy tốt và chi phí vận chuyển chỉ tốn vài trăm USD.

Theo ông Liêng, ngành ca cao khác với cà phê vì cần máy móc tinh vi hơn, bởi phải nghiền rất mịn để tạo ra dạng bột, cần trích bơ để giảm năng lượng. Do đó, kinh phí đầu tư cho nhà máy khá cao và chắc chắn sẽ chi phối lợi nhuận.

Thêm vào đó, nếu xây dựng nhà máy thì cần lượng ca cao hạt khoảng 25.000 tấn/năm, trong khi ở Việt Nam tìm mỏi mắt cũng chỉ được 1.000 - 1.500 tấn/năm. Thực tế mà đại diện Công ty Cacao Việt Nam chia sẻ cũng là điều mà khu vực đầu tư nước ngoài phản ánh.

Ông Hubert Cooreman, Đại sứ Bỉ tại Việt Nam cho biết, Công ty Chocolate Grand-Palace (doanh nghiệp Bỉ, đi tiên phong trong việc sản xuất sô-cô-la tại Việt Nam) dù sản xuất 100% sô-cô-la “made in Vietnam” nhưng sản lượng ca cao cung ứng của Việt Nam còn giới hạn nên phải nhập thêm nguyên liệu từ Bỉ.

Một lý do không kém phần quan trọng tác động đến quyết định đầu tư khâu “trung nguồn” của ngành công nghiệp chế biến ca cao tại Việt Nam, theo ông Trần Văn Liêng là do hằng năm, nhiều “đại gia” trong ngành thực phẩm nhập khẩu bột ca cao khoảng 180 triệu USD, do đó, doanh nghiệp chỉ đầu tư khi Chính phủ hạn chế được điều này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Công nghiệp chế biến ca cao: Lời giải 100 ngàn héc-ta
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO