Chờ đợi những dấu hiệu tích cực thành hiện thực

PHẠM ĐỨC BÌNH (Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty CP Thanh Bình)| 03/09/2010 09:20

Những năm gần đây, cộng đồng xã hội đã công nhận vai trò của doanh nhân - những người thuộc thành phần kinh tế tư nhân - trong việc góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế đất nước.

Chờ đợi những dấu hiệu tích cực thành hiện thực

Những năm gần đây, cộng đồng xã hội đã công nhận vai trò của doanh nhân - những người thuộc thành phần kinh tế tư nhân - trong việc góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế đất nước.

Thực tế đã cho thấy, doanh nhân là lực lượng chủ yếu tạo lập mô hình doanh nghiệp hiện đại, đại biểu cho lực lượng sản xuất mới trong nền kinh tế thị trường. Tuy nhiên, so với khu vực, với thế giới, cũng như so với khu vực kinh tế nhà nước và đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, thì đáng tiếc, các doanh nghiệp tư nhân còn khá yếu.

Các doanh nghiệp tư nhân phải bươn chải hằng ngày, đối mặt với vô vàn khó khăn về vốn, đất đai, công nghệ, nhân lực, các thủ tục hành chính rườm rà... Những trở ngại này khiến cho chi phí của doanh nghiệp tư nhân gia tăng, nên năng lực cạnh tranh bị hạn chế.

Trong khi đó, dù làm ăn không hiệu quả, gây thất thoát lớn, nhưng nhiều doanh nghiệp nhà nước vẫn được “bao cấp”. Đã hoạt động theo Luật Doanh nghiệp thì phải bình đẳng như nhau.

Vì vậy, từ “chủ đạo” để chỉ doanh nghiệp nhà nước sẽ không còn phù hợp, chỉ còn khái niệm “nền kinh tế cạnh tranh”, ở đó các thành phần kinh tế đều cạnh tranh bình đẳng, đem lại những gì tốt nhất cho kinh tế đất nước, sản xuất ra những sản phẩm, dịch vụ tốt nhất cho người dân...

Trong kinh doanh, hầu như các doanh nghiệp tư nhân không được trao những dự án lớn, những cơ hội kinh doanh tốt đều không được tham gia đấu thầu. Chẳng hạn, các dự án lớn ở Đồng Nai hiện nay đều nằm trong tay các doanh nghiệp nhà nước. Mảnh đất màu mỡ này không có cạnh tranh tất sẽ sinh ra tiêu cực, không tham nhũng thì công trình cũng kém chất lượng...

Bên cạnh đó, chính sách cổ phần hóa hiện nay, theo tôi, vẫn không thật hiệu quả. Với những doanh nghiệp nhà nước nắm giữ trên 50% vốn sau khi cổ phần, thì theo Luật Doanh nghiệp nó vẫn là doanh nghiệp nhà nước. Chính phủ đã quyết định chỉ có 28 tập đoàn và tổng công ty là Nhà nước giữ lại 100% vốn ở công ty mẹ, còn lại gần 80 tập đoàn và tổng công ty khác sẽ cho tiến hành cổ phần hóa, trong đó có Tổng công ty Dệt may, Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy...

Có thể coi bước đột phá của cổ phần hóa trong giai đoạn 2006-2010 là cổ phần hóa các tập đoàn và tổng công ty. Theo tôi, nếu tư nhân hóa sẽ giúp cổ phần hóa doanh nghiệp nhanh hơn và tốt hơn. Cổ phần hóa là để thay thế cơ cấu quản lý, quản trị tốt hơn, sẽ tạo ra doanh thu, công ăn việc làm cho xã hội, Nhà nước thu được thuế chứ không phải bán cổ phần chỉ thu tiền một lần.

Việt Nam mở cửa đã gần 22 năm mà các thành phần kinh tế tư nhân vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng. Do đó, nếu Nhà nước không sớm thay đổi cách làm, vẫn tiếp tục có những hạn chế không đáng có đối với doanh nghiệp tư nhân thì vô hình trung tạo cho doanh nghiệp nước ngoài cơ hội nắm hết thị trường Việt Nam.

Vừa qua, Thủ tướng đã yêu cầu xử lý kiên quyết các doanh nghiệp nhà nước thua lỗ, đẩy nhanh việc cải tổ khu vực doanh nghiệp nhà nước. Các chủ trương cải tổ doanh nghiệp nhà nước và phát triển kinh tế tư nhân đã có từ lâu, song hai sự kiện trên xảy ra gần như cùng lúc, dường như báo hiệu một dấu hiệu mới, tích cực hơn. Hy vọng chủ trương ấy tạo sức bật mạnh mẽ cho nền kinh tế Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chờ đợi những dấu hiệu tích cực thành hiện thực
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO