Cần “làm mới” Hiệp hội

ĐỖ LONG - (Tổng giám đốc Công ty Bita’s)| 27/05/2009 00:04

Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (Hiệp hội) đang chuẩn bị để tiến hành đại hội lần thứ V vào đầu tháng 6/2009 cho nhiệm kỳ 5 năm 2009-2014.

Cần “làm mới” Hiệp hội

Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (Hiệp hội) đang chuẩn bị để tiến hành đại hội lần thứ V vào đầu tháng 6/2009 cho nhiệm kỳ 5 năm 2009-2014.

Ảnh: Quý Hòa


Trải qua các nhiệm kỳ và nhiều lần thay đổi tên gọi theo từng giai đoạn phát triển của đất nước, có thể nói Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM là tên gọi đầy đủ nhất, có ý nghĩa về mặt chính trị, kinh tế và tính bao quát nhất trong các cách gọi trước đây, như Hội Công kỹ nghệ gia, Hiệp hội Công Thương...

Nhìn về giai đoạn phát triển thì rõ ràng Hiệp hội vẫn được xem là một tổ chức non trẻ so với các hiệp hội ở các nước trong khu vực, như Hiệp hội Doanh nghiệp Hồng Kông có tuổi đời hơn 80 năm, Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản hơn 100 năm.

Vai trò Hiệp hội đã được thể hiện đầy đủ trong Điều lệ Hiệp hội mà mỗi kỳ đại hội đều có sửa chữa, bổ sung và ngày càng thể hiện tính chuyên nghiệp, đại chúng hơn, nhất là trong nhiệm kỳ tới, bỏ Ban Thường vụ (Điều 15) thay vào đó là Ban Thường trực với chức trách rõ nét hơn, tinh gọn về mặt nhân lực với một ê-kip chịu dấn thân, chịu bỏ công sức, trí tuệ lẫn vật chất ban đầu giúp củng cố bộ máy BCH Hiệp hội.

Trong các kỳ đại hội cũng như sinh hoạt Hiệp hội, nhiều Hội ngành nghề, Hội Doanh nghiệp quận - huyện và cá nhân nhiều doanh nhân đã có những ý kiến đóng góp cho Hiệp hội phát triển, thẳng thắn chỉ ra những điểm yếu cũng như sự thiếu liên kết giữa các Hội trong Hiệp hội.

Tuy nhiên cũng có nhiều ý kiến còn mang quan điểm “Hiệp hội như bà đỡ”, phải lo cho mọi hội viên từ lúc lọt lòng cho đến trưởng thành. Chính quan điểm này đã có lúc được xem là ý kiến phản biện, nhưng cũng có lúc lại được xem như là trở lực cho Hiệp hội.

Như vậy, để Hiệp hội thực sự là một tổ chức xã hội nghề nghiệp tự nguyện của các nhà doanh nghiệp như Điều 2 (Điều lệ Hiệp hội) xác định, cần phải thay đổi, bổ sung các vấn đề sau:

- Phải tập hợp cho được những doanh nhân tâm huyết, xem Hiệp hội là ngôi nhà chung, không phải là nơi ban phát nguồn lợi mà là nơi gởi gắm tâm tình, cùng bình đẳng trao đổi, hợp tác, thúc đẩy các mối quan hệ theo ngành nghề trên tinh thần thẳng thắn vì mục tiêu chung là Hiệp hội và doanh nghiệp cùng phát triển.

- Vai trò của người lãnh đạo cao nhất Hiệp hội là rất quan trọng, vì vậy, để thực hiện nhiệm vụ đạt yêu cầu, Chủ tịch Hiệp hội phải là người có toàn quyền xây dựng ê-kip làm việc theo các định chế, và phải sáng tạo.

- BCH tinh gọn là một cải cách đúng, nhưng cần lưu ý, phải làm sao từng vị ủy viên BCH phải nhận được đầy đủ thông tin cho từng kỳ họp của Ban Thường trực chứ không chờ đến kỳ họp chung. Có như vậy mới tổng hợp được thêm ý kiến từng thành viên BCH.

- Cần hình thành các ban chuyên trách trong bộ máy Ban Thường trực, như các hiệp hội khác trên thế giới. Chính các ban này chứ không phải Ban Thường trực làm cho Hiệp hội rõ hơn vai trò và hiểu hơn việc phải làm, nhất là vai trò gắn kết của Hiệp hội với các Hội ngành nghề, Hội Doanh nghiệp quận - huyện, CLB doanh nghiệp.

- Những nhiệm kỳ trước, sự kết dính và quan tâm trực tiếp đối với Hội ngành nghề, Hội doanh nghiệp quận - huyện, CLB không được đầy đủ và nhất là cơ chế còn nặng cấp trên - cấp dưới. Phải cần mở ra cách nhìn mới trong nhiệm kỳ V này. Cụ thể: Hiệp hội là tập hợp các tổ chức xã hội - nghề nghiệp của các Hội ngành nghề, Hội Doanh nghiệp quận - huyện, CLB Doanh nghiệp, đại diện và bảo vệ quyền lợi của hội viên, làm cầu nối với các cơ quan Đảng, chính quyền, cơ quan hữu quan, và nhất là làm cầu nối giữa các hội viên... Như vậy, vai trò tập hợp và làm cầu nối phải được phát huy đầy đủ hơn bằng các định chế dưới đi lên - trên đi xuống để nắm bắt nguyện vọng của hội viên theo một chu trình được vạch sẵn, thường xuyên, ổn định.

Hội viên cần đóng góp cho Hiệp hội lớn mạnh bằng những ý kiến, kể cả ý kiến phản biện, và nhất là những người tham gia BCH phải là những người nói được, làm được. Đặc biệt phải lưu ý, Hiệp hội không phải là bầu sữa mẹ cho nên đòi hỏi có sự hỗ tương, không phải mọi việc cứ chờ xem Hiệp hội làm gì cho các hội viên.

Nhìn rộng ra thế giới, khu vực, rất nhiều hiệp hội đại diện cho các tầng lớp doanh nghiệp có nhiều loại hình hoạt động vô cùng phong phú. Họ cũng tự nguyện là chính, và đặc biệt không có người ra khỏi hội mà chỉ có “thêm”. Những vị tham gia Hội lâu năm thì trở thành cố vấn danh dự, kể cả chủ tịch danh dự, có nhiều Hội ở Hồng Kông có đến gần 10 vị chủ tịch danh dự và hàng trăm cố vấn. Đây là nguồn tài nguyên dồi dào cho các tổ chức Hiệp hội tự nguyện mà Hiệp hội DN TP.HCM cần quan tâm xây dựng trong nhiệm kỳ này.

Xây dựng nguồn tài chính cho Hiệp hội phải có sự đột phá trong nhiệm kỳ V, mà khởi đầu là xây dựng định chế cho sự đóng góp của các doanh nghiệp có tiềm năng trong tổng số hơn 200 ngàn doanh nghiệp. Ngoài việc khai thác trụ sở văn phòng, cần xác lập các hoạt động có thu khác và ở từng hoạt động phải có người có tiềm lực, uy tín, kể cả không ngần ngại đóng góp vật chất bước đầu cho đà tự chủ tài chính lâu dài.

Hiệp hội có một thuận lợi lớn, đó là sự quan tâm đầy đủ của Đảng bộ TP.HCM, của các ban Đảng, chính quyền. Tuy nhiên, việc cần làm ở đây là BCH, Chủ tịch, Ban Thường trực Hiệp hội phải đổi mới cách quảng bá hình ảnh Hiệp hội. PR cho Hiệp hội phải đến từng doanh nhân; phải khai thác và tận dụng nhiều hơn nữa các trang báo Doanh Nhân Sài Gòn cho việc quảng bá hình ảnh Hiệp hội và các Hội, CLB.

Đồng thời tiếng nói Hiệp hội phải đến nhanh hơn với các cấp và sự giải quyết của các cấp phải thiết thực và đầy đủ. Cho dù còn nhiều thách thức, khó khăn đối với Hiệp hội, nhưng tôi tin rằng, ý chí “làm mới Hiệp hội” đã có ở nhiều vị trong Ban Thường trực.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cần “làm mới” Hiệp hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO