Sức ép khôi phục sản xuất, kinh doanh

Anh Vĩnh| 25/09/2021 05:23

Theo báo cáo cập nhật kinh tế vĩ mô tháng 9/2021 của Ngân hàng Thế giới (WB), thâm hụt thương mại của Việt Nam gia tăng trong tháng 8/2021. So với cùng kỳ năm trước, xuất khẩu hàng hóa giảm 5,7%, trong khi nhập khẩu tăng 21,1%. Hệ quả là nhập siêu tăng đến 3,5 tỷ USD trong 8 tháng qua. Trong số các mặt hàng xuất khẩu chính, đồ gỗ và giày dép bị ảnh hưởng nặng nề nhất (giảm lần lượt 38% và 26% so với cùng kỳ năm trước), tiếp theo là máy tính và sản phẩm điện tử (giảm 11,9% so với cùng kỳ năm trước), dệt may (giảm 9% so với cùng kỳ năm trước).

Sức ép khôi phục sản xuất, kinh doanh

Cũng theo báo cáo WB, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ ở Việt Nam tiếp tục diễn biến xấu trong tháng 8/2021, giảm 10,5% so với tháng trước và 33,7% so với cùng kỳ năm trước. Mức giảm này sâu hơn mức giảm trong hai tuần cách ly toàn quốc vào tháng 4/2020. Trong sự suy giảm này, bán lẻ hàng hóa chiếm tỷ trọng lớn nhất (59,6%), tiếp theo là các dịch vụ lưu trú và ăn uống (19,2%).

Tại hội nghị trực tuyến "Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp (DN) sản xuất tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và cụm công nghiệp" ngày 20/9/2021, do Phó thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết đã tiến hành điều tra, khảo sát 500 tập đoàn, DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam để làm rõ khó khăn, vướng mắc. Kết quả khảo sát cho thấy, gần 50% DN bị tác động nghiêm trọng bởi dịch Covid-19, số còn lại bị ảnh hưởng lớn.

Cũng theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, qua phản ánh của các địa phương, DN, có 7 nhóm vấn đề khó khăn, thách thức mà các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và cụm công nghiệp phải đối mặt, như chi phí đầu vào, chi phí vận chuyển ngày một tăng cao dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguyên liệu đầu vào, đội giá thành sản xuất. DN còn phải chịu nhiều chi phí liên quan đến phòng, chống dịch, như chi phí xét nghiệm, chi phí đầu tư để đáp ứng các điều kiện về kiểm soát an toàn dịch bệnh, chi phí duy trì sản xuất tại chỗ.

Khảo sát của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) cho biết, trong 21.000 DN, 70% đã đóng cửa, hàng chục nghìn lao động mất việc, thu nhập giảm sút, đặc biệt là nhóm nhập cư và thu nhập thấp.

Có thể thấy, đợt bùng phát dịch lần thứ tư do biến chủng Delta khiến việc giãn cách xã hội tại TP.HCM và nhiều tỉnh, thành phía Nam kéo dài khiến DN gặp rất nhiều khó khăn.

So với cùng kỳ năm trước, chỉ số sản xuất công nghiệp của TP.HCM tháng 8/2021 giảm 49,2%, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giảm 59,4%. Nhiều DN đứng trước nguy cơ phá sản, chuỗi cung ứng trong nước và quốc tế bị đứt gãy, người lao động mất việc làm, ngành nông - ngư nghiệp rất khó tiêu thụ sản phẩm.

Đứng trước tình trạng khó khăn của DN, trong một thời gian ngắn, nhiều hiệp hội, hội DN đã có thư kiến nghị gửi đến Thủ tướng Phạm Minh Chính. Theo đó, ngày 16/9/2021, 14 hiệp hội DN, như Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, Hiệp hội Rượu Bia - Nước giải khát, Hội Lương thực - Thực phẩm TP.HCM, Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, Hiệp hội Da Giày, Hiệp hội Giấy, Hiệp hội Nhựa Việt Nam... đại diện cho nhiều ngành hàng chủ lực của Việt Nam đã đề xuất chiến lược phòng, chống dịch theo điểm để phục hồi sản xuất, kinh doanh trong trạng thái bình thường mới, để từng bước phục hồi kinh tế.

Chiến lược phòng, chống dịch theo điểm có nhiều nội dung liên quan đến thống nhất quản lý toàn quốc, quản lý dịch bệnh theo điểm, phòng, chống dịch tại điểm sản xuất, phòng, chống dịch đối với giao thông vận tải, vấn đề cách ly, xét nghiệm, chi trả xét nghiệm và điều trị; hỗ trợ phục hồi kinh tế...

Sau đó một ngày (ngày 17/9/2021) các hiệp hội DN nước ngoài tại Việt Nam như Amcham, EuroCham, KoCham, USABC (Hội đồng Kinh doanh ASEAN - Hoa Kỳ) cũng đã gửi thư cho Thủ tướng Chính phủ đề xuất chiến lược phòng ngừa và kiểm soát đại dịch ở từng khu vực nhằm khôi phục sản xuất, kinh doanh an toàn.

Trong thư, các hiệp hội DN nước ngoài cho rằng, điều quan trọng là Việt Nam phải hành động ngay bây giờ để duy trì khả năng cạnh tranh trong khu vực và toàn cầu, đồng thời không bị tụt hậu trong quá trình phục hồi kinh tế. Các hiệp hội DN cam kết hỗ trợ "mục tiêu kép" vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới. Đồng thời, ủng hộ chính sách chiến lược của Chính phủ là thích ứng để "sống chung với virus một cách an toàn".

Đại diện các DN nước ngoài mong muốn chung tay cùng với Chính phủ Việt Nam và chính quyền các tỉnh, thành, đặc biệt là TP.HCM, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và Đà Nẵng tái mở cửa nền kinh tế một cách an toàn, sớm thiết lập trạng thái "bình thường mới".

Tại hội nghị lắng nghe ý kiến các chuyên gia về chiến lược phòng, chống dịch và phục hồi kinh tế Thành phố sáng ngày 17/9/2021, do Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên và Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi chủ trì, các chuyên gia đều thống nhất nhận định, sức chịu đựng của xã hội đã đến giới hạn, nền kinh tế bị tổn thương rất lớn, cần phải phục hồi sớm. Theo đó, về mặt kinh tế không thể không mở cửa, nhưng mở thì phải có đủ các điều kiện sẵn sàng đảm bảo an toàn. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Sức ép khôi phục sản xuất, kinh doanh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO