Hành trình sáng tạo của Sài Gòn Food

HỒNG NGA| 04/01/2017 00:18

Trong lĩnh vực chế biến thực phẩm ăn liền, nói đến đổi mới, sáng tạo gần như các doanh nhân đều nhắc đến Sài Gòn Food và người đại diện là bà Lê Thị Thanh Lâm.

Hành trình sáng tạo của Sài Gòn Food

Doanh nghiệp muốn phát triển phải luôn trong tâm thế đổi mới và sáng tạo từ những việc nhỏ nhất. Đó là cách bà Lê Thị Thanh Lâm - Phó tổng giám đốc Công ty CP Sài Gòn Food cùng cộng sự gầy dựng nên thương hiệu Sài Gòn Food vững vàng mười mấy năm qua.  

Đọc E-paper

Trong lĩnh vực chế biến thực phẩm ăn liền, nói đến đổi mới, sáng tạo gần như các doanh nhân đều nhắc đến Sài Gòn Food và người đại diện là bà Lê Thị Thanh Lâm.

Bà Lâm là hình mẫu phụ nữ đúng chất Nam bộ chịu thương, chịu khó. Dù bận rộn với việc Công ty đến mức nào bà cũng không quên làm bữa ăn sáng cho cả nhà. Chính những lúc làm nội trợ đã cho bà ý tưởng để làm nên các món ăn tiện lợi, bổ dưỡng, an toàn mà Sài Gòn Food đưa ra thị trường nhiều năm nay.

Trong hành trình đi tìm cái mới của Sài Gòn Food thấy rõ sự kiên trì, sự quyết tâm của những người thực hiện. Có đến vài chục sản phẩm của Sài Gòn Food trên thị trường và mỗi sản phẩm là một quá trình sáng tạo, trong đó gian nan nhất phải kể đến dòng sản phẩm cháo tươi. Bà Lâm kể, năm 2007, khi thấy một số người dân vùng ven đặt những thùng cháo bán trước nhà, tìm hiểu biết nhu cầu thì thấy rất lớn mà mặt hàng này không khó làm nên tôi đã nghĩ đến việc sản xuất cháo.

Thế nhưng sản phẩm này lại không thuộc ngành hàng Công ty đang sản xuất (Sài Gòn Food lúc đó chỉ có hàng đông lạnh chế biến), lại không phù hợp trong tuyến phân phối, nên đành gác lại ý định này.

Đến năm 2009, thị trường cháo dinh dưỡng bùng nổ và nhiều thương hiệu cháo ra đời, nhưng cũng trong thời gian đó, báo chí liên tục thông tin về việc các nhà kinh doanh cháo dinh dưỡng sử dụng chất bảo quản gây nguy hại đối với trẻ em nếu sử dụng lâu dài. Thời điểm đó, các doanh nghiệp sản xuất mì ăn liền cũng khai phá thị trường cháo khô (gạo sấy).

Vậy là một lần nữa bà Lâm cùng ê kíp R&D nghiên cứu sản xuất cháo. Điều quan trọng là làm sao không dùng chất bảo quản nhưng cháo vẫn tươi ngon trong thời gian dài là bài toán đặt ra mà bà và cộng sự phải tìm lời giải. Náo nức muốn làm vì thị trường đang cần nhưng không có công nghệ nên lại đành gác một lần nữa.

May mắn là năm 2010, khi một đối tác Nhật Bản đặt hàng sản xuất thịt cá hồi tươi xuất khẩu. Từ quy trình này, bà và ê kíp biết công nghệ có thể giúp cháo tươi lâu. Biết công nghệ nhưng vận dụng công nghệ đó vào sản xuất để cho ra sản phẩm như mong muốn là cả một chặng đường dài, phải mất 2 năm sau đó (2012), Công ty mới đưa ra thị trường cháo tươi mang thương hiệu SG Food.

Trong hai năm ấy là quá trình "ăn ngủ cùng cháo" khi không biết bao ngày bà và nhân viên bộ phận R&D phải ăn cháo trừ cơm để thử sản phẩm. "Nấu thử rồi ăn, rồi lại nấu thử... mới ra loại cháo có thể bán", bà Thanh Lâm nói.

Nhưng đó chưa kỳ công bằng việc làm thế nào để người tiêu dùng chấp nhận sản phẩm. "Mất hai năm cho việc nghiên cứu, sản xuất, thiết kế bao bì cũng có thể chấp nhận, nhưng để thuyết phục được khách hàng dùng sản phẩm cháo không sử dụng chất bảo quản, có hạn sử dụng trên 6 tháng là rất khó” - bà Lâm tâm sự.

Đó là chưa kể sự chênh lệch về giá. Trong khi một bịch cháo khô chỉ có giá 3.000 đồng, cháo SG Food lên đến 18.000, 19.000, 25.000 đồng.

>>Kinh doanh thực phẩm với phụ nữ là lợi thế

Để thuyết phục khách hàng, phải thuyết phục được các trung tâm dinh dưỡng, bệnh viện nhi và siêu thị - những đối tác có thể tạo uy tín cho thương hiệu. Để trung tâm dinh dưỡng chấp nhận cháo tươi, bà Lâm phải tham gia thuyết trình tại các buổi hội thảo của Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM và phải tổ chức các chuyến tham quan quy trình sản xuất cho đối tác.

Sau khi thuyết phục được những đơn vị có uy tín, Công ty lại tiếp tục thuyết phục người tiêu dùng. Với những khách hàng chưa bao giờ dùng cháo tươi đóng bịch có hạn sử dụng đến 6 tháng thì chỉ có cách cho họ dùng thử.

Có hàng trăm ngàn bịch cháo được gửi đến khách hàng tại các nhà trẻ, trường học, siêu thị... trong suốt năm 2012. Việc này ngốn không ít kinh phí của Công ty và "năm đầu tiên sản xuất sản phẩm này, doanh số thu về không đủ chi phí bỏ ra để tiếp cận thị trường".

Nhờ sự bền bỉ mà cháo tươi SG Food đã thành công. Năm 2014, khi hệ thống siêu thị Aeon và Lotte nhập mặt hàng này từ nước ngoài về bán thì cháo SG Food cũng phát triển mạnh. Đến năm thứ hai, doanh số SG Food đã tăng gấp 4 lần năm đầu tiên, và hiện nay nó không còn là một dòng sản phẩm mà đã lên ba dòng với 15 hương vị

Sài Gòn Food là doanh nghiệp tiên phong khi đưa ra thị trường lẩu đông lạnh có gói nước dùng, như lẩu Thái, lẩu hải sản, lẩu riêu cua, lẩu Tết. Nhiều năm nay, Sài Gòn Food là doanh nghiệp duy nhất trong lĩnh vực chế biến thủy hải sản đông lạnh làm hàng Tết và lẩu Tết là sản phẩm được nhiều người tiêu dùng biết đến.

Chia sẻ về dòng sản phẩm được tiêu thụ mạnh thời gian gần đây, bà Lâm cho biết: "Khi thị trường lẩu đông lạnh những năm gần đây cạnh tranh gay gắt, chúng tôi nghiên cứu để sản xuất gói nước dùng trong gói lẩu đông lạnh "thoát ra" khỏi tủ đông của siêu thị để đến với người tiêu dùng ở nhiều kênh bán hàng khác".

Khi được hỏi về bí quyết thành công trong sáng tạo sản phẩm mới, bà Lâm rất thật lòng: "Tôi thường chia sẻ với cộng sự là nếu xem phòng R&D là bà mẹ và sản phẩm là những đứa con thì đó là một quá trình thai nghén - mang nặng - đẻ đau và nuôi dưỡng".

Để khuyến khích việc đổi mới sáng tạo, bà đưa ra quyết định: Tất cả các sáng kiến của nhân viên, dù nhỏ nhưng nếu có ích đều được tưởng thưởng xứng đáng. Chẳng hạn như mới đây, khi biết một nhân viên sale đã thuyết phục được siêu thị đưa nước dùng cô đặc Sài Gòn Food đặt cạnh kệ rau, bà đã đề nghị thưởng ngay cho nhân viên này. Chưa biết hiệu quả bán hàng tới đâu nhưng với sáng kiến ấy, bà Lâm tin các bà nội trợ khi mua rau tại siêu thị sẽ chú ý đến sản phẩm và như vậy là đã thành công trong việc tiếp cận khách hàng.

Ở Sài Gòn Food, việc đổi mới sáng tạo không chỉ gói gọn trong việc nghiên cứu sản phẩm mới mà được áp dụng trong tất cả các hoạt động, từ quản trị nhân sự, quản trị sự thay đổi, chiến lược kinh doanh cho đến những việc nhỏ nhất trong Công ty.

Bà Thanh Lâm cho biết: "Thành lập năm 2003 với 200 công nhân, đến nay, Sài Gòn Food đã phát triển lên 2.000 công nhân và luôn duy trì tốc độ tăng trưởng 20%/năm. Sài Gòn Food đã phủ sản phẩm đến hầu hết các tỉnh - thành, kể cả vùng sâu, vùng xa. Đặc biệt, ở kênh bán hàng hiện đại, ngoài hệ thống siêu thị, sản phẩm mang thương hiệu SG Food đang được tiêu thụ mạnh tại các cửa hàng tiện lợi. Đã có những hợp đồng lớn từ các đối tác nước ngoài mà nếu không đầu tư cho nghiên cứu phát triển, chưa chắc chúng tôi có được".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Hành trình sáng tạo của Sài Gòn Food
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO