Doanh nghiệp chia sẻ “bí kíp” vượt khó

HỒNG NGA| 17/03/2011 01:18

Lạm phát và tỷ giá tăng khiến doanh nghiệp Việt Nam gặp không ít khó khăn. Và trên thực tế cũng đã có không ít DN phải điều chỉnh chỉ tiêu lợi nhuận xuống thấp, thậm chí là không có lãi nhằm giữ vững thị trường. Trong môi trường kinh doanh đầy áp lực đó, nhiều DN sẵn sàng “hiến kế” giúp nhau vượt khó.

Doanh nghiệp chia sẻ “bí kíp” vượt khó

Lạm phát và tỷ giá tăng khiến doanh nghiệp (DN) Việt Nam gặp không ít khó khăn. Và trên thực tế cũng đã có không ít DN phải điều chỉnh chỉ tiêu lợi nhuận xuống thấp, thậm chí là không có lãi nhằm giữ vững thị trường. Trong môi trường kinh doanh đầy áp lực đó, nhiều DN sẵn sàng “hiến kế” giúp nhau vượt khó.

Khó chồng khó

Tại buổi hội thảo “Những chính sách kinh tế vĩ mô 2011 và giải pháp của DN” diễn ra tại TP.HCM vào cuối tuần qua, các DN cho biết đang hết sức khó khăn do tỷ giá biến động, giá nguyên liệu tăng cao, xăng dầu, điện đều được điều chỉnh giá. Ngoài bị ảnh hưởng từ tỷ giá, giá nguyên vật liệu, xăng dầu, điện..., các DN dệt may còn chịu áp lực từ sự cạnh tranh khốc liệt của hàng Trung Quốc.

Các DN tiết giảm chi phí sản xuất để vượt khó

Ông Trần Lâm, Giám đốc Công ty Lâm Hoài Sơn chuyên sản xuất và cung ứng hàng cho các siêu thị, cho biết, ngành may mặc phụ thuộc rất nhiều vào giá nguyên liệu thế giới và tỷ giá. Hiện nay, mặc dù giá nguyên liệu tăng cao nhưng DN vẫn phải mua để sản xuất. Thế nhưng, hàng làm ra không cạnh tranh nổi với hàng may mặc Trung Quốc nhập lậu đang tràn ngập thị trường.

Ông Lâm cho rằng, với cơ chế cạnh tranh không cân bằng về thuế như hiện nay giữa hàng Việt Nam và hàng Trung Quốc, hàng loạt DN trong nước sẽ phải thu hẹp quy mô trong thời gian không xa. Cũng gặp khó do nguyên liệu đầu vào tăng giá, bà Phạm Thị Việt Nga, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Dược Hậu Giang, cho biết, 90% nguyên liệu ngành dược phải nhập khẩu, nhưng DN dược lại rất khó tăng giá sản phẩm.

Ngoài những khó khăn trên, một số DN còn bức xúc vì những bất cập của nguồn nguyên liệu trong nước. Theo Giám đốc Công ty CP Giấy Mai Lan, ngành công nghiệp cung ứng nguyên liệu và công nghiệp phụ trợ của Việt Nam hiện quá yếu, nên DN trong nước phụ thuộc quá nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu.

Bà Bùi Thúy Loan, Phó giám đốc Kinh doanh Công ty Tài Ký, bày tỏ nỗi niềm: “Việt Nam là một trong những vựa lúa lớn nhất nhì thế giới nhưng không có nhà máy sản xuất bột gạo đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, vì thế, để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, Công ty phải nhập nguyên liệu từ Thái Lan. Mà một khi đã nhập nguyên liệu sản xuất thì chắc chắn giá thành sản phẩm sẽ bị đội lên rất nhiều. Và như vậy, việc kinh doanh của chúng tôi cũng bị ảnh hưởng không ít”.

Cẩm nang gỡ khó

Dù khó khăn chồng chất nhưng theo nhận định của ông Lê Văn Trí, Phó tổng giám đốc Công ty Công nghiệp Cao su Miền Nam (Casumina), những diễn biến thị trường hiện nay về cơ bản không khác so với năm 2008.

Ngoài những khó khăn chung, hàng may mặc trong nước còn gặp khó bởi hàng Trung Quốc

Tuy nhiên, mức độ khó khăn hiện nay không bằng năm 2008, nên nếu biết cách, DN sẽ vượt qua được. Cùng nhận định này, ông Bùi Đình Thắng, Phó tổng giám đốc Công ty Cân Nhơn Hòa, chia sẻ: “Nếu nói về khó khăn thì năm 2008 mới là năm thực sự khó. DN đã vượt qua “bão lớn” 2008 thành công, thì tôi tin chắc chúng ta sẽ vượt qua được khó khăn này”.

Theo ông Thắng, để kiềm chế tăng giá hàng hóa, tự thân mỗi DN cần có ý thức trong việc tiết giảm chi phí không quá cần thiết để bù vào phần tăng giá. Việc tiết giảm đó phải được thực hiện nhất quán từ nhà cung ứng vật liệu đến DN sản xuất, nhà phân phối và cả người tiêu dùng.

Theo kinh nghiệm của ông Thắng, kinh tế càng khó khăn thì DN càng cần phải tìm ra giải pháp để “bám” thị trường nội địa tốt hơn. “Các DN dệt may cần có chiến lược và chiến thuật để cạnh tranh trực diện với hàng Trung Quốc, chứ không thể cứ mãi thụ động như từ trước đến giờ. Nếu chúng ta cứ ngồi chờ cơ chế thì sẽ mất hết cơ hội để phát triển và mở rộng thị trường nội địa”, ông Thắng trình bày ý kiến.

Ông cũng chân tình chia sẻ bài học kinh nghiệm từ Nhơn Hòa: cách đây vài năm, cân Nhơn Hòa cũng bị sản phẩm cùng loại của Trung Quốc cạnh tranh dữ dội, nhưng nhờ uy tín từ logo Hàng Việt Nam chất lượng cao nên người tiêu dùng đã thấy được sự khác biệt về chất lượng, và chỉ trong một thời gian ngắn, hàng Trung Quốc bị đẩy lùi.

Ngay sau đó, Ban giám đốc Công ty quyết định thành lập nhà máy sản xuất ngay tại Trung Quốc để cạnh tranh với hàng của nước này. Hiện tại, cân Nhơn Hòa được sản xuất tại nhà máy ở Trung Quốc đã bắt đầu thâm nhập thị trường nước này. “Nếu có thể, các DN nên làm theo cách của chúng tôi”, ông Thắng nói.

Nếu không thể cạnh tranh trực diện với các đối thủ nước ngoài, thì DN nên chọn cách tiết giảm chi phí, tung ra thị trường nhiều sản phẩm mới. Đó là cách Dược Hậu Giang đang áp dụng. Bà Nga cho rằng, vì không thể tăng giá bán sản phẩm nên ngoài triển khai các biện pháp tiết kiệm chi phí, Công ty đã rà soát lại cơ cấu mặt hàng và tích cực đưa ra thị trường nhiều sản phẩm mới.

Cũng như Dược Hậu Giang, Casumina nghiên cứu sản xuất những sản phẩm có chất lượng cao hơn nhưng chi phí thấp hơn. Ngoài ra, Casumina chỉ đạo nhân viên áp dụng lại bài học đối phó với khủng hoảng năm 2008. “Tỷ giá tăng thì cân đối xuất - nhập; giá cả tăng thì thay đổi cách bán hàng (chỉ nhận thực hiện những hợp đồng thanh toán nhanh).

Ngoài ra, DN nên chủ động giảm lượng hàng và vật tư tồn kho. Chỉ nên trữ vật tư vừa đủ dùng và ký những đơn hàng ngắn hạn, cắt giảm chi phí không cần thiết, điều tiết cơ cấu sản phẩm và phát triển các sản phẩm mang đến nhiều giá trị gia tăng cho khách hàng...”, ông Trí tư vấn cách khắc phục khó khăn. Đây cũng chính là giải pháp mà Casumina đã áp dụng thành công trong năm 2008 và hiện tại đang được triển khai tại Công ty.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Doanh nghiệp chia sẻ “bí kíp” vượt khó
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO