Văn hóa sông Hồng giữa Washington DC

TRUNG TRUNG ĐỈNH (Trích bút ký "Tôi qua Mỹ")| 02/02/2014 07:26

Vườn rau nhà bà giống như một bảo tàng sống của văn hóa sông Hồng giữa Washington DC

Văn hóa sông Hồng giữa Washington DC

Tôi đến Mỹ lần này là chuyện tình cờ, do anh bạn tôi, nhà văn Thái Chí Thanh và vợ là họa sĩ Nguyễn Thị Hòa mời. Hai vợ chồng anh Thanh đang công tác bên Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ. Vừa đặt chân đến Washington DC, tôi đang loay hoay “lên chương trình” thì gặp một anh bạn mới thất nghiệp do kinh tế suy thoái. Thật là rủi với anh và may quá với tôi.

Đọc E-paper

Vì nói thật, sang Mỹ mà gặp bạn vừa thất nghiệp đưa đi chơi thì sướng vô cùng. Bởi anh ta đang chán vì mất việc, có thời gian đưa mình đi rông, tiền có eo hẹp nhưng thời gian là triệu phú. Tôi đùa với bạn: “Tôi sang đây để “mở cửa” cho Chính phủ Mỹ hoạt động lại. Ông thất nghiệp để đưa tôi đi chơi là hên, sau chuyến đi này, thế nào Chính phủ Mỹ cũng sẽ lo công ăn việc làm cho ông”.

Chúng tôi đến Arizona, tức là bay từ Washington DC sang bờ Tây, vùng San Francisco. Đi Arizona phải băng qua vùng sa mạc Las Vegas và nhiều miền sa mạc khổng lồ khác. Xe băng trên đường cao tốc cả ngày với tốc độ 120 cây số/giờ để đến đươc Grand Canyon. Grand Canyon được biết đến như là một công viên địa chất lớn nhất nhì thế giới nhờ người Mỹ biết quy hoạch và biết tổ chức làm du lịch. Khách du lịch đến Mỹ mà chưa đến xem cái vực thẳm khủng khiếp ấy thì là một thiệt thòi lớn.

Ngày xưa, đi trên sa mạc là đi trên vùng đất chết. Bây giờ đến đâu cũng cây trái sum xuê. Nho ở đây ngọt hơn vùng khác. Cam ở đây thì tuyệt vời, thơm và ngon. Người da đỏ sống ở khu riêng. Họ cũng có nhiều người đi làm công chức, viên chức, làm các công việc như các dân tộc khác, nhưng họ vẫn được sống như cha ông họ từng sống.

Các sinh hoạt văn hóa nghệ thuật mang bản sắc riêng, rất riêng, và luôn là “đặc sản”, là niềm tự hào của cả nước Mỹ. Tôi được đến đây “thăm chơi” và họ cũng đãi tôi như loại khách “thăm chơi”, nghĩa là cả làng đón tiếp, vui chơi theo một chương trình từ ngoài cánh đồng cỏ về, các “cao bồi” mang súng, biểu diễn màn săn bắt, biểu diễn màn bắn kẻ xâm lăng, và biểu diễn các trò chơi dân gian. Khách du lịch được tắm mình trong lối sống xưa cũ, vô cùng huyền bí của họ. Rồi lại ngay lập tức, trả quý vị về chỗ của quý vị, “chúng em” sống theo kiểu của “chúng em”.

Tôi chạnh nhớ tới những tour du lịch của Gia Lai quê mình mà... ao ước làm được một phần nhỏ của các bạn nơi đây. Thực ra, tôi thấy họ dựng lại cảnh cũ, người xưa không có nhiều tốn kém. Nhưng khách du lịch lại được hưởng những “bữa tiệc” văn hóa đặc sắc đầy quyến rũ... Người Mỹ không chỉ biết tận dụng hết cái quý của thiên nhiên ban tặng, mà còn có tài biến cái tưởng như không thể tồn tại được thành ra sự sống, thành ra miền đất hứa như Arizona.

Đến Arizona, bạn sẽ quên mất mình đang đến vùng cát, gió và hoang mạc. Xưa nơi đây chỉ có loài xương rồng và lạc đà, rùa sa mạc là sống thoi thóp được. Bây giờ, những cây xương rồng khổng lồ ấy, loài rùa, loài lạc đà sa mạc ấy vẫn còn “hoành tráng” khiến du khách thích thú và cảm nhận được miền Tây ngày xưa thế nào...

Giữa Washington DC, tôi rất bất ngờ khi được họa sĩ Nguyễn Thị Hòa dẫn đến thăm một người đàn bà đặc biệt.  Một người đàn bà đặc nông dân, mà là nông dân Bắc bộ. Chúng tôi đến gặp bà cũng như muôn ngàn khách hàng của bà bao nhiêu năm nay. Bà không có gì khác với bà Mòi, bà Côi, bà Lãng quê mùa của đồng đất trồng rau màu quê tôi.

Khu vườn rau của bà, một khu vườn rau thuần Việt dường như nó không có liên can gì với cấu trúc hiện đại, tới sự to lớn hay tráng lệ, sự mới mẻ sang trọng hay diễm lệ của một thủ đô văn minh bậc nhất thế giới.

Nó bình thản lọt thỏm giữa phố phường của Mỹ. Cũng rau mùi, rau xà lách, cũng ớt đỏ,ớt xanh, cũng rau muống, rau dền, cũng rau cần ta, cần tây, cũng rau húng dũi, húng Láng, cũng cà chua, cà pháo, cũng riềng, gừng, vừng, tỏi. Rồi kinh giới, tía tô, húng tép, dấp cá...

Vườn rau cánh đồng làng tôi có gì, bảo đảm khu vườn áng chừng ba bốn ha của bà có nấy. Bà thì cũ kỹ, cũ kỹ y hệt mấy bà nông dân Bắc bộ thời trước bốn nhăm. Bà sống với ông chồng to lớn, người Mỹ gốc Đức. Bà nói hồi xưa bà từng làm nhân viên trực điện thoại cho một khách sạn ba bốn sao gì đó của Mỹ ở “Sài Goòng”. Họ mướn bà vì bà xinh đẹp, nói giỏi tiếng Pháp, tiếng Anh và cả tiếng Đức.

Hỏi sao bà giỏi thế? Bà trả lời giọng rặt Bắc cổ: Giỏi con mẹ đĩ gì, mồm không có ăn thì đầu gối phải bò thôi cậu ạ. Bà có mấy con? Hai đứa. Chúng nó đi làm ăn trên phố, có mấy khi gặp đâu, cậu. Dạ, cháu thấy ông bà làm ăn ở đây hay hay là... Hay ho gì, mình làm gì tùy mình, cứ theo ông pháp luật mà sống chứ ai tử tế gì với mình đâu. Bà nói thế nghĩa là sao? Là tôi ở đây nửa đời rồi, cứ rau cỏ thế này, chả ảnh hưởng đến ai, chả ai làm gì tôi...

Bà vẫn đội cái nón mê (đúng nghĩa là nón mê, tức là nón rách). Lưng bà hơi còng, nhưng cách bà đi lại bên những luống rau còn khá hoạt bát, nhanh nhẹn. Bà chỉ đạo mấy anh người làm da đen, có vẻ mấy anh này rất hiền và lặng lẽ, răm rắp làm theo sự chỉ dẫn của bà. Ông chồng bà cũng lặng lẽ đứng bán rau, cân rau cho khách.

Ông có một cái cân đĩa cũ kỹ và một cái cân dây cũng cũ kỹ, cổ lỗ sĩ hơn cả cái dáng quê mùa cổ hủ của ông bà. Bà thu tiền cho vào cái ruột tượng, mà thú thật, tôi nhìn thấy cái ruột tượng đựng linh tinh kiểu này của bà từ hồi tôi còn bé tí teo ở cái làng Sưa bé nhỏ bên sông Hóa của tôi.

Bây giờ, nhìn cách bà thoăn thoắt mở nút ra, cho tiền vào, mở nút ra, lấy tiền ra, tôi lại nhớ tới ngôi làng lam lũ của tôi bốn năm chục năm trước. Vườn rau nhà bà giống như một bảo tàng sống của văn hóa bên sông Hồng giữa Washington DC. Từ nơi bà, từ cái cách đi đứng, cách nói chuyện, cách làm lụng của bà, nó tỏa ra một sự sống bình thản, nhẹ nhàng, nhưng rất đặc biệt mà tôi e rằng, bây giờ, ở làng tôi, ở quê tôi cũng không còn!

Bà ngồi nói chuyện với tôi, tay cầm bát nước, thỉnh thoảng dùng nón quạt quạt, thỉnh thoảng te tái đi lại chỗ mấy anh da đen đang thực hiện một công trình gì đó, nói một tràng tiếng Anh, thỉnh thoảng nói gì đó rất nhẹ nhàng với ông, hình như bằng tiếng Đức. Thỉnh thoảng bà nhấc cái tích nước sứt vòi để trong cái ấm dành cũ kỹ chè xanh nóng hổi ra mời khách.

Khách là cái thằng tôi, cũng cũ mèm và rất hợp với bối cảnh tự nhiên này. Tôi uống chè xanh giữa WashingtonDC đây! Sướng không thể tả! Bà mời tôi chén mấy củ khoai lang, khoai sọ bà luộc sẵn, và còn đặc biệt hơn, bà cho tôi mấy củ lạc rang. Hình như ông cũng thích cái món này, vì tôi thấy ông bốc cho vào cái túi tạp dề của ông cả nắm.

Tôi hỏi, rau của bà chắc toàn người Việt đến mua? Bà bảo, Tây nó thích rau của tôi lắm. Nhưng tất nhiên người Việt mình thì đa số ai cũng thích rồi. Cả cánh tầu ta tầu Tưởng, cả cánh Hàn Quốc, Triều Tiên cũng đến mua. Thế hồi bà đi di cư là theo thầy mẹ? Úi giời, dài lắm cậu ơi. Tôi đi theo ông cậu tôi, đúng ra cậu tôi tiện việc gì đó tha tôi theo, lúc ấy tôi có biết gì đâu, mới sáu bảy tuổi đầu. Loạn lạc lắm cậu ạ.

Thế bà đã về quê lần nào chưa? Chưa. Có biết ai đâu mà về. Mà chắc gì còn ai mà về. Sống tha hương quen rồi. Bới lại chuyện cũ tôi sợ lắm. Vâng. Thế nhà bà ở tỉnh nào? Ninh Giang tỉnh, cậu có biết không?... Nói chuyện đến đây thì có một tốp khách khá đông đến mua rau. Bà bảo bà bận. Tôi nghĩ có khi toán khách này đến giải tỏa cho bà sắp cùng tôi bước vào cõi vô minh của ký ức loạn ly với những mẩu “hồi ký” loạn ly buồn thảm của đất nước mình, của người mình, của mình nữa. Nhưng có vẻ như bà cũng chả mấy xúc động.

Tôi nghĩ, có lẽ như thế lại hay. Năm nay bà đã trên bảy chục tuổi, còn có khoảnh vườn nho nhỏ này, còn có ông chồng hiền từ và mấy người làm lành lặn này. Bà có vẻ cũng yên thân với những thứ mình đã và đang có. Thôi, tốt nhất là vừa lòng thì còn thấy vui, chứ bươi đống quá khứ ngổn ngang kia ra, có khi lại khổ. Mà cái chính cũng chả giải quyết được gì. Bà sống ở đây bằng sức sống hồn nhiên của thứ văn hóa thuần nông, thuần Việt, không ai nói gì bà, thậm chí người ta kính trọng bà, tôn trọng bà.

Thế là ổn. Chứ gì nữa? Cái thằng tôi đây, thì tôi vô cùng ngưỡng một bà. Bà là biểu tượng của một nền văn hóa, sức sống của bà là sức sống kỳ diệu của văn hóa, không hề có dấu vết gì của sự cạnh tranh, bươn chải, như ta thường nói là cơm áo gạo tiền. Nó trên tất cả cái thứ đó. Chúng tôi ra về trong trạng thái hơi hẫng hụt. Mãi đến bây giờ, tôi vẫn cho rằng, như thế có khi lại hay hơn...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Văn hóa sông Hồng giữa Washington DC
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO