Trải nghiệm bay từ trong buồng lái Airbus A350 XWB

P. NGUYỄN DŨNG| 07/11/2015 03:30

Với ba dàn bánh lướt êm cùng lực đẩy cực mạnh của hai động cơ Rolls-Royce Trent XWB, chiếc máy bay nhẹ nhàng cất mình lên cao, hòa vào bầu trời xanh lác đác vài áng mây trắng...

Trải nghiệm bay từ trong buồng lái Airbus A350 XWB

10h30 sáng ngày 27/10, một chiếc máy bay thân rộng Airbus A350 XWB lao nhanh trên đường băng dài 3.420m của Sân bay Quốc tế Macao. Ba dàn bánh lướt êm, với lực đẩy cực mạnh của hai động cơ Rolls-Royce Trent XWB, chiếc máy bay nhẹ nhàng cất mình lên cao, hòa vào bầu trời xanh lác đác vài áng mây trắng...

Đọc E-paper

Thiết bị mô phỏng buồng lái A350 XWB

Sau khi bay một vòng phía trên bầu trời Đông Bắc Á, chiếc A350 còn mới toanh hạ dần độ cao, chuẩn bị tiếp cận Sân bay Quốc tế Hong Kong (HKIA).

Bất thình lình, mây mù từ đâu ào ào kéo đến, trời tối xầm lại, những làn gió mạnh cứ tới tấp ập vào máy bay khiến chúng tôi tưởng như mình đang du hành trên biển trong cơn bão lớn. Tầm nhìn từ buồng lái hoàn toàn bị che kín, chỉ có 6 màn hình tinh thể lỏng xếp hàng ngang phía trước mặt hai viên phi công là vẫn sáng.

Chúng tôi mở căng mắt quan sát cũng không thể thấy bóng dáng của hai đường băng dài 3.800m và toàn bộ cảng hàng không dài, to được thiết kế theo hình chữ Y.   

"Không sao đâu, mắt thường không thấy nhưng máy bay vẫn bay tốt, an toàn vì đã có mắt thần chỉ lối đưa đường. Hãy nhìn vào đây, bạn có thấy tia dài màu xanh lá cây không, đường băng ở chỗ đó”, cơ trưởng Yann Lardet nói.

Tay viên phi công người Pháp này chỉ vào một mảnh kính rời, kích cỡ khoảng nửa trang giấy khổ A4, được gắn phía trên tấm kính lớn phía trước chiếc ghế bên trái, luôn là ghế dành cho cơ trưởng.

Máy bay vẫn bị dằn sốc mạnh nhưng vẫn lao về phía trước, chọc thủng từng lớp mây xám đen, càng hạ cánh, các cánh tà lần lượt mở ra và rồi đầu đường băng hiện ra. Chúng tôi chuẩn bị cảm nhận lúc càng hạ cánh tiếp cận mặt đường băng nhưng chẳng có gì xảy ra.

"Chúng ta thử bay kiểu "touch and go" nhé”, cơ trưởng Lardet nói, bàn tay phải đẩy mạnh cần động cơ về phía trước, máy bay tái tăng tốc và lại vụt lên cao, đánh một vòng sang bên phải.

Ghế bên phải dành cho cơ trưởng

"Sau đây, chúng ta sẽ hạ cánh thật êm nhẹ”, cơ trưởng nói, những ngón tay chạy vội trên bàn phím máy tính.

Thật lạ vì diễn ra trong chớp mắt, ở lần thứ hai tiếp cận đường băng sân bay Hong Kong, mây đen đã kéo nhau đi hết, để lại bầu trời trong xanh, chúng tôi dễ dàng nhận thấy ở phía bên trái là cây cầu treo dài Thanh Mã nối đảo nhân tạo Chek Lap Kop với đảo Lantau.

Nhìn thẳng phía trước thì thấy rõ đường băng cứ xích gần lại phía mình. Và chỉ vài giây sau đó, chúng tôi đã cảm nhận cú sốc nhẹ khi hai càng hạ cánh phía dưới cánh chạm mặt đường băng trải nhựa. Máy bay đáp thật êm, lăn về gần cuối đường băng, giảm vận tốc, quẹo sang phải và tiến đến nơi đậu.

"Kính thưa quý khách, chúng ta đã đến Sân bay Quốc tế Hong Kong. Chúng tôi cám ơn quý khách đã chọn bay với chúng tôi trong chuyến bay... ngắn ngủi chỉ kéo dài khoảng hơn 20 phút từ Macao đến Hồng Kông", cơ trưởng Lardet nói.

Ông khẳng định rằng đại diện Việt Nam cùng bảy đồng nghiệp ở Đài Loan, Hong Kong, Thái Lan và Singapore là 8 người châu Á đầu tiên không phải là phi công mà được trải nghiệm bay thử trong một thiết bị mô phỏng buồng lái A350 XWB, loại máy bay tân kỳ nhất hiện nay với hơn 53% làm bằng vật liệu nhựa composite rất nhẹ mà cho đến hiện nay mới chỉ được nhà sản xuất Airbus giao cho ba hãng khách hàng, gồm Qatar Airways (4 chiếc), Vietnam Airlines (2 chiếc) và Finnair (1 chiếc).

"Qua chuyến bay thử ngắn ngủi ấy, các bạn đã có thể nhận biết được máy bay Airbus bay tốt, an toàn thế nào và việc huấn luyện phi công quen cầm lái từng loại máy bay được tiến hành rất bài bản, kỹ lưỡng. Với mô phỏng buồng lái, các học viên có thể làm quen với đủ tình huống bay, kể cả khi phải điều khiển máy bay hạ cánh khẩn cấp xuống mặt biển!".

Trong mô phỏng buồng lái A350 XWB

Theo kế hoạch, đến cuối năm 2015, Vietnam Airlines có 4 chiếc A350-900. Tháng 12/2015, đến lượt TAM của Brazil nhận A350. Những hãng bay sẽ nhận A350 về khai thác trong năm 2016 gồm có Singapore Airlines (dự kiến tháng 1, bay Amsterdam vào tháng 5), Cathay Pacific (tháng 2).

Do đã có rất nhiều hãng hàng không thuộc châu Á đặt mua rất nhiều máy bay Airbus, từ loại khổng lồ hai tầng A380 qua loại mới nhất A350 XWB đến các loại A330 và A320, nên Airbus và Singapore Airlines đã lập liên doanh trị giá 100 triệu đô la với cơ sở huấn luyện phi công lái các loại máy bay này.

Trung tâm huấn luyện Airbus châu Á (Airbus Asia Training Centre - AACT) đang ở giai đoạn xây dựng trong Công viên Hàng không, không gian Seletar ở Singapore và khi chính thức đi vào hoạt động dự kiến kể từ tháng 4/2016 thì có khả năng cung ứng các khóa học điều khiển các loại máy bay Airbus cho 10.000 học viên mỗi năm.

"Ngay từ tháng 4/2015, chúng tôi đã có lớp huấn luyện cho các phi công của Singapore Airlines chuẩn bị điều khiển các chiếc A350 hãng này đã đặt mua", cơ trưởng Yan Lardet kiêm Giám đốc AACT cho biết. Ngoài ra còn là phi công của các hãng Qantas và Virgin Australia (Úc), Bangkok Airways (Thái Lan), Cebu Pacific và Philippines Airlines (Philippines), Fiji Airways, Kuwait Airways và Lion Air (Indonesia). "Hiện nay, để huấn luyện phi công của các hãng này, chúng tôi tạm thuê không gian huấn luyện phi công có sẵn của Singapore Airlines Training Centre, gần Sân bay Quốc tế Changi. Chúng tôi sẽ chuyển về AACT khi AACT xây xong". Chính trong không gian huấn luyện phi công của Singapore Airlines mà các nhà báo châu Á đầu tiên đã có dịp trải nghiệm điều khiển máy bay A350 XWB trong thiết bị mô phỏng động toàn diện buồng lái (Full motion flight simulator - FFS).

Giá niêm yết một FFS A350 XWB của nhà sản xuất CAE (của Canada) là 18 triệu USD và trong sơ đồ xây dựng AACT sẽ có 10 ụ dành cho 10 FFS, gồm: 3 A350 XWB, 1 A380, 2 A330 và 2 A320. "Hai ụ còn lại là để dành cho tương lai, cần thêm loại buồng lái giả định nào thì mua về lắp vào. Ngoài ra cũng có thể dùng hai ụ ấy cho mô phỏng buồng lái trực thăng hoặc máy bay cánh quạt ATR", cơ trưởng Lardet giải thích.

Chiếc A350-900 thứ nhất mà Singapore Airlines sẽ nhận vào tháng 1/2016

Theo Airbus, tính đến tháng 9/2015, đã có 41 khách hàng đặt mua chính thức 783 chiếc A350 các kiểu, và Singapore Airlines là một khách hàng lớn với đơn hàng 67 chiếc (gồm 7 chiếc phiên bản tầm bay cực xa A350-900 Ultra Long Range sẽ đưa Singapore Airlines trở lại ngôi vị là nhà khai thác đường bay non-stop dài nhất thế giới, từ Singapore đến New York kéo dài 19 tiếng).

Trong thời gian từ 3 đến 4 tháng tới, sẽ có khoảng 100 phi công của Singapore Airlines được huấn luyện thuần thục điều khiển A350 XWB.

Nhờ buồng lái của các dòng máy bay Airbus đều thiết kế  khá giống nhau nên một phi công quen điều khiển máy bay A380 hoặc A330 chỉ cần từ 5 đến 10 ngày học với các FFS trong AACT là có thể cầm lái A350.

Còn phi công quen điều khiển máy bay Boeing thì sẽ trải qua khoảng 25 ngày học là có thể lái được A350.         

Kết thúc chương trình bay thử nghiệm trong mô phỏng buồng lái A350 XWB của Airbus Asia Training Centre, mỗi nhà báo được cơ trưởng Yann Lardet ký giấy chứng nhận "Phóng viên đã điều khiển A350 XWB hạ cánh thành công an toàn xuống Sân bay Quốc tế Hong Kong vào ngày 27/10/2015". Được biết, AACT là cơ sở thứ hai trên thế giới có gắn FFS A350 XWB, cơ sở thứ nhất là phức hợp nhà máy Airbus tại Toulouse (Pháp). 

>Khám phá nội thất đặc biệt bên trong Airbus A350-900

>Khám phá "siêu máy bay" Airbus A350-900 sắp về Việt Nam

>Vietjet tiếp tục nhận máy bay theo hợp đồng với Airbus

>Airbus chậm hơn Boeing

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Trải nghiệm bay từ trong buồng lái Airbus A350 XWB
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO