Thưởng trà trên non cao Mae Salong

NGUYỄN ĐÌNH| 06/02/2016 01:46

Mae Salong từng một thời khét tiếng là hiểm địa trong vùng Tam Giác Vàng, với những cánh đồng thuốc phiện bạt ngàn của trùm ma túy Khun Sa...

Thưởng trà trên non cao Mae Salong

Mae Salong từng một thời khét tiếng là hiểm địa trong vùng Tam Giác Vàng, với những cánh đồng thuốc phiện bạt ngàn của trùm ma túy Khun Sa. Nay nơi này lại trở thành một trong mười địa danh du lịch bụi hấp dẫn nhất đất Thái, hiển nhiên không phải để thưởng thức mùi thuốc phiện, mà là trà.

Đọc E-paper

Mae Salong được mệnh danh là "vương quốc" ngành trà Thái, với rất nhiều giống trà đặc sản, đặc biệt là San Tuyết cổ thụ. Trong bản đồ ngành trà thế giới, dải trà cổ thụ mọc nối từ vùng Vân Nam qua Myanmar, Lào, Thái Lan, và Việt Nam.

Những quốc gia còn sở hữu nhiều cây trà cổ thụ có Việt Nam, Trung Quốc, Lào, Thái Lan... Và Mae Salong chính là miền đất được thiên nhiên ưu đãi khi đồng sở hữu những "báu vật đánh rơi của đất trời" - một cách nói khác khi miêu tả giống trà cổ thụ quý hiếm. Và để thưởng thức được báu vật trời ban ấy, một hành trình lên Mae Salong dịp đầu Xuân sẽ là chuyến đi kỳ thú và hấp dẫn.

Thụy Sĩ thu nhỏ

Giáp biên giới với Lào và Myanmar, Mae Salong vẫn còn ít nhiều xa lạ với giới lữ hành phổ thông. Sự xa lạ của Mae Salong cũng dễ hiểu bởi cung đường lên miền núi heo hút này là một thử thách không nhỏ. Nếu đi từ Chiang Mai theo vòng cung Mae Hong Son, sẽ phải qua 1.864 khúc cua hiểm trở - một cung đường đèo ngoạn mục nhất Đông Nam Á với hơn 700km nối từ Chiang Mai, Pai, Mae Hong Son, Mae Sariang và Chiang Rai để đến được Mae Salong.

Vườn trà Santhikiri Village ở Doi Mae Salong

Cung đường đi dọc theo vòng cung phía Bắc giáp với Myanmar để đến Mae Salong rất vắng vẻ, tạo cảm giác độc hành đầy kỳ thú khi đi len trong thảm xanh của thiên nhiên núi rừng, cho đến khi nhìn thấy bức tường sừng sững là dãy núi Daen Lao trước mặt, chính là điểm mốc chuẩn bị bước vào ranh giới Mae Salong thuộc huyện Mae Fa Luang, tỉnh Chiang Rai.

Mae Salong được dân du lịch khám phá mệnh danh là "Thụy Sĩ thu nhỏ” bởi ở cao độ 1.800m so với mực nước biển, vùng núi trùng điệp này tạo nên cảnh quan thiên nhiên ngoạn mục, nơi khí hậu và thời tiết quanh năm trong lành. Đồng thời, Mae Salong cũng được gọi theo một tên khác là Santikhiri - núi Hòa Bình.

Đứng trên sườn núi nhìn quanh Mae Salong, đâu cũng một màu xanh trải dài tít tắp. Màu xanh yêu thương ấy đến từ rừng và từ những đồi trà bạt ngàn đã thay thế cây thuốc phiện để làm một cuộc hồi sinh ngoạn mục cho Mae Salong.

Nếu như cảnh quan thiên nhiên là điểm nhấn hấp dẫn ngay từ hành trình rẽ vào Mae Salong, càng vào sâu trong thung lũng trùng điệp, thì lữ khách sẽ khám phá thêm những khác biệt với khí trời đậm kiểu châu Âu nhưng đời sống bản địa, từ lối quy hoạch nhà cửa, nếp sinh hoạt, phong tục thờ cúng, lại mang nét Á Đông thuần khiết. Nguyên do có sự pha trộn thú vị ấy chính từ góc độ lịch sử: Mae Salong xưa kia từng là căn cứ địa của Quốc Dân Đảng, vị lãnh đạo Tưởng Giới Thạch đã có đến 12.000 quân cư trú tại vùng núi này ở thập niên 50. Khi quân đội rời đi, những người cao tuổi, thân nhân binh sĩ ở lại định cư, tạo nên một ngôi làng nhỏ trên Mae Salong mang đậm lối sống xưa của người Hoa. Và với lợi thế về cao độ, khí hậu thuận lợi, lại có vùng trà cổ thụ, những di dân người Hoa đã góp công đẩy vị trí của cây trà lên một tầm cao mới, thay thế cây thuốc phiện.

Giang sơn trà Doi Mae Salong

Nhớ buổi trà trưa

Người Á Đông có câu nói quen thuộc "tửu sớm - trà trưa", người Anh cũng nổi tiếng với thú thưởng trà trưa ăn kèm bánh mứt các loại. Riêng khi đến Mae Salong, được tận hưởng phong vị trà trưa trên miền sơn cước này mới thấm thía hơn cái được gọi là "phong vị đất trời" mà người ta dành tặng cho những giọt trà đượm hương. Bởi trà trưa ở Mae Salong, ngồi bên hiên trà thất ngày trời quang mây, vọng ra tứ phía, đâu cũng là trùng điệp đồi trà, mảng xanh, từng ngụm trà như xua tan đi bao phiền muộn, nâng dậy khoan khoái.

Khi chính phủ cả ba nước trong vùng Tam Giác Vàng quyết tâm triệt hạ cây thuốc phiện, trà ở Mae Salong thành vị thế độc tôn. Nhờ mối gắn kết lịch sử để lại giữa căn cứ địa của Quốc Dân Đảng xưa kia ở Mae Salong và Đài Loan hôm nay, những người làm trà từ Đài Loan đã hỗ trợ, góp sức củng cố thêm vị trí thượng phong của Mae Salong trong ngành trà Thái.

Ngoài trà cổ thụ San Tuyết, những giống mới từ Đài Loan được đưa về gieo trồng, và thích nghi rất nhanh với khí hậu bản địa. Những Ôlong, Thiết Quan Âm, Bao Chủng, Đại Hồng Bào, Phổ Nhĩ, mạt trà (giống trà mới được chế biến theo công nghệ làm mạt trà Nhật Bản), Bỉ Lộ Xuân... đang làm nên một thương hiệu mới cho ngành nông nghiệp chuyên canh trà trên Mae Salong.

Du khách vui thích khám phá vườn trà

Một trong những trà thất nổi tiếng ở Mae Salong là Mae Salong Villa, chủ nhân là người gốc vùng Vân Nam, nên trong nhà hàng có món chân giò heo hầm rất nổi tiếng mà du khách khi đến Mae Salong rất thích thưởng thức. Khi thực khách đã no nê với phong vị ẩm thực đặc trưng riêng của Mae Salong, cũng là lúc thích hợp để thưởng trà.

Loại trà đầu tiên chính là Phổ Nhĩ, là loại trà được đóng thành bánh, để lên men tự nhiên lâu năm, khi uống thoảng chút vị mốc, nhưng đó là giống trà hoàn hảo để tẩy vị, giúp hệ tiêu hóa vận động tốt, giúp loại đi lượng mỡ vừa nạp ở món giò heo hầm. Từng chén trà chuyền tay, tuy mùi không gì đặc biệt, nhưng khi nhấp từng ngụm, vị trà dần lan tỏa nơi vòm họng, nuốt trôi đến đâu, những béo ngậy của thịt mỡ tan đi đến đó, dư vị của trà nấn ná nơi cuống họng, khiến gia chủ cứ tiếp hết chén này đến chén khác mà uống chưa thấy đã.

Những giống trà đặc hữu của Mae Salong lần lượt được giới thiệu, thực khách Việt vốn đã quen uống trà, nhưng không ít người ngạc nhiên khi được chiêu đãi món trà gạo, cũng là giống trà xanh nhưng qua quá trình sao sấy, nghệ nhân trà đã làm bật được mùi hương trà, thoảng như mùi gạo nếp, đây cũng là một sản vật được người Thái ưa chuộng.

Bên cạnh trà gạo, giống trà Ôlong cũng là một điểm mạnh, màu nước pha ngả hồng như hổ phách, độ thơm đượm, hậu ngọt, dư vị đọng lại lâu không kém những giống Ôlong cao sản từ các vùng trà nổi tiếng của Đài Loan mà thế giới ưa chuộng. Hành trình lên non cao Mae Salong, ngoài chiêm ngắm danh thắng thiên nhiên, được ngồi nơi "Thụy Sĩ thu nhỏ” để tận hưởng phong vị trà trong khung trời mùa Xuân luôn là một chuyến đi khó quên. 

Xem công nhân chọn hái lá trà
(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thưởng trà trên non cao Mae Salong
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO