Thiếu Lâm du hí

KIM SƠN| 23/06/2011 00:04

Trong hành trang đến với ngôi chùa Thiếu Lâm, tôi mang theo những tưởng tượng bước ra từ những bộ trường thiên tiểu thuyết kiếm hiệp đầy mê hoặc của nhà văn Kim Dung. Và Thiếu Lâm Tự hiện ra, xưa và nay, thanh và tục, bi và hài, thâm sâu và thực dụng...

Thiếu Lâm du hí

Trong hành trang đến với ngôi chùa Thiếu Lâm, tôi mang theo những tưởng tượng bước ra từ những bộ trường thiên tiểu thuyết kiếm hiệp đầy mê hoặc của nhà văn Kim Dung. Và Thiếu Lâm hiện ra, xưa và nay, thanh và tục, bi và hài, thâm sâu và thực dụng...

Từ năm 1949, những đợt biến động chính trị về cải cách tư tưởng, nhất là cơn lốc kinh hoàng Cách mạng văn hóa từ 1966-1976, đã cuốn phăng mọi dấu tích của các tông phái võ thuật có từ ngàn xưa của Trung Hoa. Thiếu Lâm Tự dù nổi danh nhất cũng không thể tránh được kiếp nạn, tưởng chừng chẳng còn cơ hội phục hồi như xưa.

Mộ Lâm là nơi chôn cất nhiều đời đại sứ trong suốt lịch sử ngàn năm của chùa Thiếu Lâm

Nhưng cũng thật may, để bù đắp cho những thiệt hại to lớn của Thiếu Lâm Tự trong lục địa, nhà văn Kim Dung ở hải ngoại, với vốn kiến thức phong phú có được từ những năm làm thủ thư, cùng với trí tưởng tượng phi thường, đã sáng tác 14 bộ trường thiên tiểu thuyết kiếm hiệp mà trong số đó nổi danh nhất là: Xạ điêu anh hùng truyện, Thiên Long Bát Bộ, Tiếu ngạo giang hồ, Ỷ Thiên Đồ Long ký.

Các bộ tiểu thuyết kiếm hiệp này lại rất giống nhau ở điểm: đều ca tụng võ thuật thần thông của võ lâm Trung Hoa, nhất là Thiếu Lâm phái. Võ công của Thiếu Lâm càng trở nên siêu phàm, kỳ bí với các chiêu thức Cửu Dương Chân Kinh, Kim Cang Chỉ...

Sau đó, các tác phẩm điện ảnh võ thuật sống động của Hồng Kông ra đời khiến cho hình ảnh Thiếu Lâm Tự, võ lâm chí tôn càng sâu đậm hơn đối với tất cả những ai yêu võ thuật trên thế giới.

Đến năm 1976, cuộc Cách mạng văn hóa trái lòng người cũng phải sụp đổ, giúp cho người dân Trung Hoa lại được sống trong những giá trị văn hóa tưởng chừng như đã vĩnh viễn bị triệt tiêu.

Bắt đầu từ giai đoạn đổi đời này, Thiếu Lâm Tự mạnh mẽ sống dậy. Nhiều nguồn tài chính đã không ngớt đổ về ngôi chùa nổi tiếng và biến vùng núi Tung Sơn trở thành điểm du lịch vang danh thiên hạ.

Tôi đến Trung Quốc với giấc mộng khám phá những điều mới lạ. Trong hành trang của tôi dĩ nhiên không thể thiếu những cảm xúc lãng mạn được truyền từ những bộ truyện chưởng của Kim Dung với ngôi chùa Thiếu Lâm kỳ vĩ. Trong một lần lãng du đến vùng Hà Nam, tôi đã dừng bước tại dãy Tung Sơn, căn cứ địa một thời của Thiếu Lâm Tự.

Nhưng khi gần đến chùa thì tôi đã cảm thấy đôi chút thất vọng, vì hai bên đường dẫn vào chùa không hề thấy hình bóng cây cối và đồi núi trập trùng chìm đắm trong tiếng chuông chùa như miêu tả của Kim Dung. Thay vào đó là những tòa nhà to lớn, hiện đại và bóng bẩy nhưng thô kệch, đua nhau trưng bảng hiệu phô trương “chính tông võ đường Thiếu Lâm”.

Các võ sinh tập luyện với hy vọng đổi đời. Có cả những võ sinh đến từ các nước phương Tây.

Bao quanh ngôi chùa khá cổ kính lại là những dãy nhà cao tầng với lối kiến trúc khá thô thiển mang đậm nét lối nhà chung cư của một thời cái đẹp được coi là điều xa xỉ. Trong sân chùa, hàng trăm võ sinh tuổi niên thiếu đang lóng ngóng múa quyền, trên gương mặt các em và cả các sư phụ vẫn còn hằn nguyên nét chân quê, chắc họ đến từ các vùng thôn quê nghèo khó.

Khi nghe tôi hỏi lý do học võ của các đệ tử trong chùa Thiếu Lâm, người võ sư có gương mặt khắc khổ nhưng đầy vẻ cương nghị của nhiều năm tu tập cho biết, phần lớn các em đến từ các vùng xa xôi nghèo khó như Giang Tây, Tứ Xuyên, Cam Túc... và dĩ nhiên không thể thiếu võ sinh quê nhà Hà Nam, một trong vài tỉnh nghèo nhất Trung Quốc.

Mục đích của họ cũng khá đơn giản là cố kiếm cho được một mảnh bằng của Thiếu Lâm Tự để tìm một chân bảo vệ tại các công ty đang mọc lên như nấm tại các thành phố lớn. Đây có lẽ là cách dễ nhất giúp họ đổi đời.

Số phận còn đưa đẩy tôi đến với ngôi chùa trong truyền thuyết này thêm vài lần nữa, nhưng lần cuối cùng là lần để lại trong tôi nhiều “ấn tượng” nhất.

Lần đó, với mục đích tìm hiểu sâu hơn thực trạng của Thiếu Lâm Tự ngày nay nên đi theo tôi còn có một phóng viên. Anh chàng khá cẩn thận mang theo cả một tập tư liệu dày cộm về bảy mươi hai tuyệt kỹ của Thiếu Lâm.

Vẫn là một buổi sáng mùa Đông, vẫn là tuyết phủ trắng cả núi đồi Tung Sơn, trên chiếc xe đến Đăng Phong, địa bàn của Thiếu Lâm, khi nghe tôi thổ lộ muốn đến Thiếu Lâm để tầm sư học đạo, người đàn ông ngồi kề bên liền nói: “Để tôi giúp cho, tôi sẽ giới thiệu ông gặp trực tiếp Tổng giáo đầu cai quản phần võ thuật của chùa”.

Khi xe vừa đến bến, một chiếc xe bốn chỗ đích thị “made in China” đã đợi sẵn chờ chúng tôi. Sau khi chào hỏi vài câu cho đủ bộ, chúng tôi lên xe chạy một mạch đến tổng hành dinh của Thiếu Lâm.

Khi xe chạy qua con đường dẫn vào chùa, tôi thấy quang cảnh hai bên đường lại đổi khác, nhiều võ đường mới và to hơn xưa vừa được xây thêm và chính chúng đã thực sự biến vùng Tung Sơn này thành một thị trường võ thuật độc nhất vô nhị trên thế giới.

Xe vừa dừng, tôi đã nhận ra ngay vị Tổng giáo đầu với vóc dáng to như một hộ pháp cùng với cơ bắp cuồn cuộn, lẫn giữa những vị sư đang đứng trong sân chùa. Nhưng phải thú thực là dù đã rất cố gắng, tôi cũng không thể liên tưởng hình ảnh của ông ta với bất cứ nhân vật hòa thượng Thiếu Lâm nào trong cả 14 bộ tiểu thuyết kiếm hiệp của Kim Dung.

Tôi tự giới thiệu là người đại diện cho nhiều người Việt Nam ái mộ võ thuật Thiếu Lâm, đến đây để hỏi về mọi chi phí cũng như điều kiện ăn ở trong chùa võ. Tuy chưa rõ công phu võ thuật của vị đại tăng này như thế nào, nhưng thú thực là tôi thấy công phu diễn
thuyết của ông ấy quả là cao thâm. Ông thao thao bất tuyệt về triển vọng của những võ sinh sau khi tốt nghiệp từ lò võ Thiếu Lâm.

Vừa lúc vị Tổng giáo đầu ngừng lại để nhấp miếng nước trà thấm giọng, tôi liền hỏi một câu khá vô duyên: “Sáng nay khi xem biểu diễn võ thuật trong chùa, tôi thấy một tiết mục rất kỳ lạ là một võ sư dùng một mũi kim khâu phóng xuyên qua một tấm kính dày tám ly để đâm bể trái bong bóng. Theo ông thì chuyện ấy có thật hay không?”.

Nhìn ánh mắt đầy vẻ hoài nghi của tôi, vị Tổng giáo đầu có phần lúng túng mất vài giây rồi khoát tay: “Nhảm!”. Tôi giật mình vì không biết “nhảm” đó là dành cho tôi hay tiết mục võ thuật không tưởng đó. Vị Tổng giáo đầu liền nói tiếp: “Cứ yên tâm mang người đến đây, không cần phải vào chùa đâu, tôi sẽ trực tiếp dạy võ, bảo đảm sau vài năm sẽ thành tài, về Việt Nam tha hồ mở võ đường, thừa sức kiếm sống”.

Một góc phía sau của chùa Thiếu Lâm.

Tai nghe vị Tổng giáo đầu nói, nhưng mắt tôi chẳng hiểu sao lại cứ nhìn ra sân nơi các đệ tử chân truyền của ông đang luyện tập, rồi thở dài. Đêm ấy, trong căn phòng sang trọng của khách sạn Thiếu Lâm, tôi chẳng thể ngủ được vì trong đầu cứ mãi ẩn hiện những hình ảnh xưa và nay, thanh và tục, bi và hài, thâm sâu và thực dụng của ngôi chùa Thiếu Lâm.

Tôi có dịp trao đổi vấn đề võ thuật Trung Hoa với Lương Chấn, một người Trung Hoa trí thức đồng thời cũng là một chức sắc nhỏ ở Nam Ninh. Khi nghe tôi kể chuyện đã thấy rất nhiều sinh viên trong các trường đại học say mê luyện tập các môn võ ngoại lai như: quyền anh, kick boxing, karate..., chứ không mấy người khổ luyện Thiếu Lâm công phu, Lương Chấn nói:

“Chuyện đó không có gì lạ, thanh niên Trung Hoa ngày nay ngày càng hung hăng, thích khẳng định cái tôi, là thứ mà chỉ vài thập niên trước, người Trung Hoa chẳng dám mơ tưởng đến. Hơn nữa, đời sống công nghiệp cũng lấy đi của họ hầu hết thời gian rảnh rỗi, nên khi muốn học võ, đa số sẽ chọn các môn võ vừa thực dụng trong chiến đấu, lại tốn ít thời gian theo đuổi.

Xã hội Trung Hoa và Việt Nam đang thay đổi đến chóng mặt, con người ngày càng thực dụng, nên ai cũng sẵn sàng chấp nhận thay đổi, dù là thay đổi cả một nền văn hóa, huống chi là võ thuật. Tôi e chẳng bao lâu nữa, ngay tại quê hương mình, môn phái Thiếu Lâm sẽ phải nhường ngôi chí tôn cho một võ phái nào đó đến từ phương xa”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thiếu Lâm du hí
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO