Tết sớm ở bản Mông

BÙI VIỆT PHƯƠNG| 31/01/2014 00:23

Với người miền xuôi, Tết đã nhạt, cuộc sống như chiếc xe máy đang đi trên đường cao tốc bỗng phanh lại bởi một vật cản.

Tết sớm ở bản Mông

Với người miền xuôi, Tết đã nhạt, cuộc sống như chiếc xe máy đang lướt trên đường cao tốc bỗng phanh khựng lại bởi một vật cản. Thế là lại phải dọn dẹp, sắm sửa, quà cáp, thăm hỏi... Nhưng xuân này, tôi đã được đến với nơi Tết còn đậm đà, lòng người còn hồ hởi với Xuân.

Đọc E-paper

Độc đáo lễ hội đón Xuân trên bản của người H'Mông

Chẳng biết đoàn chúng tôi có giống người leo núi tìm thảo dược hay giống vị tù trưởng nào hăm hở đi tìm thần Mặt trời không, nhưng leo dốc mấy cây số làm tất cả cảm thấy sắp đứt hơi thật. Sương núi mát lạnh bắt đầu mơn man lên da thịt, dấp dính trên tóc. Sương ở đây cũng thanh mát, không ẩn trong mình khói bụi phố phương, hệt như sương tỏa ra từ một động núi khổng lồ giữa một cõi Đào hoa Nguyên ký.

Những chiếc điện thoại đắt tiền đành bất lực thu về hình ảnh mờ nhạt của những cành đào, cành mận trong sương. Những dáng thị thành tạo thế bên cây cối của những bạn trẻ như đang tìm đến những giá trị đích thực của cuộc sống. Một cái Tết không tô vẽ bằng những lời rao giảng giữ gìn bản sắc quen thuộc, không tô vẽ, cắt cúp bằng các thước phim văn hóa.

Thế mới là Xuân đây! Ai đó thốt lên. Không khói xăng, không khen khét mùi đốt vàng mã, tất cả đều đơn sơ đến ngỡ ngàng và mỹ lệ.

Qua nhiều con dốc là những mái nhà thấp của đồng bào H’Mông như trong các phóng sự truyền hình. Chỉ có điều, thay vì những nhà gác gỗ hai tầng mà nhất thiết phải là nhà này, phủ nọ hay nhà trình tường cổ xưa thì ở đây là những căn nhà bình dị, chất phác của một nông thôn miền núi trong thời hiện tại.

Có điều gì đó rưng rưng cảm động gợi lên từ những mối tình nổi tiếng trong văn chương, truyện đường rừng hay ký sự miền núi, lại có chút gì phập phồng hơi thở của nhịp sống hiện đại. Bởi nơi đây là những tường ván gỗ, mái lợp tôn xi măng, nhà nào cũng ấm nồng khói bếp.

Những chú chó vàng béo nục, lông dày đang ngủ bên bậu cửa như sực nhớ ra việc canh gác, vội cất lên tiếng sủa khi thấy bóng khách lạ.

Cũng giống như miền xuôi, con đường vào bản chính là nơi nhiều trẻ em chơi đùa nhất. Trẻ em ở đây không táo tợn, ồn ào như nhiều vùng làng lên phố, không ranh mãnh trong các “chiêu” bán hàng lưu niệm như các khu du lịch văn hóa, mà vẫn còn bận bịu với những trò chơi dân gian cổ truyền.

Thấy khách từ xa đến, các em bé đưa về nhà gia chủ, khách đi các em còn chào với theo bằng những câu tiếng H’Mông. Hồn nhiên như thế đó! Cuối cùng thì cũng đến. Căn nhà của anh bạn tôi nằm nép bên sườn đồi, nhà nhỏ, sân nhỏ nhưng thế thôi cũng đủ.

Nhà một anh giáo miền núi thế là tươm tất rồi. Suốt cả năm người ta đi tra hạt, tỉa bắp thì anh soạn bài, lên lớp, tập huấn, dự giờ... Vẫn may, bã xã làm nương nên con cái được hưởng hương vị Tết từ hoa trái vườn nhà. Trong màn mưa bụi xen lẫn với sương núi, gạo nếp
được đồ kỹ rồi đổ ra chiếc cối dài như con thuyền độc mộc. Nhưng chiếc chày gỗ được mấy anh con trai thành phố vung lên nhát cao, nhát thấp.

Khói cơm nếp nóng hổi quyện vào sương núi lạnh mát hình như đã tạo ra một hương vị thật đặc biệt cho chiếc bánh dày. Anh bạn
tôi bảo, đây là mẻ thứ hai rồi, trong bếp còn một mẻ bánh đang chờ chảo mỡ sôi. Lời nói chẳng khác nào sự gợi ý về một không gian thật thú vị trong đời sống sinh hoạt và lao động của người dân miền núi.

Bếp là nơi ấm cúng nhất với cả hai nghĩa. Đó là nơi quanh năm đỏ lửa để nấu cơm, nướng thịt, đồ rau. Thậm chí ở những nơi giữa trưa đứng ngọ, mây mù vẫn ngang tầm mặt, người ta còn nấu nước lá thơm để tắm. Bởi thế, bếp là nơi cả gia đình chủ nhà quần tụ, là nơi
khách xa ra mắt, hơ tay cho tan bớt cái lạnh đường xa, để được chia cái hạnh phúc ấm áp với gia đình thân chủ, để ngọn lửa tỏ tường chân tướng người khách đó thế nào.

Căn bếp của đồng bào H’Mông thật rộng và thật ấm. Củi cháy đượm dưới đáy nồi, bộ lòng lợn, miếng gan, miếng thịt ùng ục sôi cùng sóng nước tỏa khói thơm phức. Đã lâu rồi những điều hòa, áo da, sàn gỗ, nệm ấm, chăn êm... vẫn không xua được cái lạnh ngấm
vào da thịt.

Vậy mà khi vừa chạm hơi nóng của lửa ta đã thấy ấm áp lạ thường. Dĩ nhiên, trong giờ phút đặc biệt đó, khói bếp buộc những tháng ngày lạnh giá kia phải rơi nước mắt. Mắt cay xè, nước mắt chảy như một lời thú nhận: Ta đã gặp được mùa Xuân.

Trong căn nhà gỗ nhỏ, bốn bên gió lùa, chén rượu ngô được gia chủ nâng lên với tất cả lòng hiếu khách. Ngô ở đây không mọc xanh miên man như ở các bãi phù xa, bãi giữa nơi sông, suối. Cây ngô trong giá rét của những Thung Khe, Thung Quan, Dốc Trắng... mọc không cao, lá không rộng nhưng vững vàng, khỏe khoắn để làm yên lòng người gieo hạt về một vụ mùa no đủ.

Bắp ngô căng mẩy tích tụ màu mỡ từ thứ đất núi đen như than nếp, từ những hạt mưa nguồn trong vắt, gió núi mát rượi để gửi hồn vào chén rượu nay. Men của lá rừng giao hòa với bột ngô, quyện trong cái khét của củi giẻ, men của đất, của trời hòa lẫn vào mồ hôi, nước mắt suốt mười hai tuần trăng của lòng người đã tạo nên một hương vị như thế.

Vị men nồng từ khói bếp làm người khách đường xuôi cứ lãng đãng, ngất ngây. Ngoài sân, mấy cô bé thị thành đã mượn được chiếc váy xanh diêm dúa của các cô gái H’Mông, đang tạo dáng bên cành đào chụp ảnh bằng điện thoại. Hình như trong sự lạ lẫm, tinh nghịch đó còn là một tình yêu với những gì bản nguyên và trong sáng nhất. Nơi mà tất cả những bon chen của thị trường, so bì hơn kém của mưu sinh, quan lộ đều phải nhường chỗ cho sự thành thật, hồn nhiên, trong sáng.

Trong không khí đầm ấm của sớm Xuân, chợt như hiểu được lòng khách lạ, chủ nhà cất lời thưa nhỏ nhẹ, nửa như giới thiệu, nửa như hoài vọng tổ tiên:

- Tết ở đâu cũng thiêng liêng bởi có những phong tục hướng tới những điều may mắn cho gia đình, làng bản mà ngày thường chúng ta không có.

Trong bữa cơm đầm ấm giữa ấm áp của từng thớ gỗ, nồng nàn rượu ngô, bữa cơm đậm đà từng miếng thịt gà, thịt lợn nuôi trong nhà nhưng chợt thấy thiêu thiếu một cái gì đó vẫn quen thuộc trong bữa cơm hằng ngày.

Bất giác, một người bạn cùng đi với chúng tôi cất tiếng hỏi:
- Tết mình không nấu canh hả anh?

Thế là câu chuyện về Tết sớm lại có thêm một tình tiết thú vị khác. Chủ nhà khẽ cười và nói với khách quý rằng điều bạn vừa thắc mắc cũng là câu hỏi gợi mở đầy thú vị về một tục kiêng rất độc đáo của dân tộc mình. Trong những bữa cơm của những ngày đầu Xuân này,
sẽ chẳng ai chan canh, bởi việc kiêng nước như là sự e sợ với hành thủy là ước nguyện của người dân ngàn đời canh tác trên các sườn núi, sườn đồi mong tránh những trận lũ quét, sạt lở lấy mất đi nhà cửa, nương vườn.

Tết của bản H’Mông đến sớm hơn cái Tết dưới đồng bằng. Điều đó mang đến một cảm giác ngỡ ngàng, tinh khôi và mới mẻ. Để có được những hương vị đó, ai đã từng lên đây đều không thể quên hình ảnh những người phụ nữ H’Mông âm thầm, cần mẫn đã chuẩn bị những bữa cơm sáng ấm nóng từ khi trời còn tối, lửa vẫn đương hồng.

Những bàn tay giữ lửa cho các gia đình ở đây cũng phải biết làm sao khi thêm nước cho nồi, khi luộc con gà, miếng thịt, không được để nước tràn ra bếp than như một điều kiêng kỵ từ trước đến nay của dân tộc mình.

Thêm nữa, trong mỗi lần thức dậy như thế, dẫu bên ngoài trời có mưa lạnh, gió rét, viên than giữ nơi góc bếp có ham ngủ Đông, chưa chịu hồng lên thì những người phụ nữ ấy cũng không được quạt, được thổi mà chỉ được xếp mồi củi là những vỏ cây khô, những mảnh
nứa khô nỏ cho đến khi bén lửa.

Cái Tết kiêng mưa lũ, bão gió bắt đầu một năm mới mong mưa thuận gió hòa như thế đó. Tết đẹp như lời anh chủ nhà vừa thốt lên: “Tết của mình cũng là Tết của bạn, mùa Xuân sẽ gõ cửa từng nhà”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tết sớm ở bản Mông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO