Sức hút của điểm đến Việt Nam

P.D.NGUYỄN| 18/01/2012 04:57

Bước sang năm mới 2012, điểm đến “Việt Nam - Vẻ đẹp bất tận” nhận được những dấu hiệu chỉ báo sẽ có một năm phát triển khả quan, thu hút được rất nhiều khách quốc tế. Du khách, nhà đầu tư và thương nhân ngoại quốc sẽ tìm đến Việt Nam nhiều hơn vì có thêm nhiều hãng hàng không mở đường bay đến Hà Nội, TP.HCM.

Sức hút của điểm đến Việt Nam

Bước sang năm mới 2012, điểm đến “Việt Nam - Vẻ đẹp bất tận” nhận được những dấu hiệu chỉ báo sẽ có một năm phát triển khả quan, thu hút được rất nhiều khách quốc tế. Du khách, nhà đầu tư và thương nhân ngoại quốc sẽ tìm đến Việt Nam nhiều hơn vì có thêm nhiều hãng hàng không mở đường bay đến Hà Nội, TP.HCM.

Phát tỏa lực hấp dẫn

Nữ du khách Nhật làm thủ tục bay đến Việt Nam - Ảnh: Ng.Dũng

Tây Ban Nha và Mỹ là hai điểm du lịch hải ngoại được người Anh quan tâm nhiều nhất trong năm 2012, nhưng Việt Nam cũng là điểm đến mới được du khách xứ sở sương mù quan tâm.

Đây là những gì đọc được trong bản báo cáo Travel Trends 2012 (Xu thế lữ hành năm 2012) của Skyscanner, một website Anh chuyên về so sánh các chuyến bay du lịch toàn cầu.

Trong danh sách 20 điểm du lịch ở khắp thế giới ghi nhận sự tăng trưởng tích cực về mức độ quan tâm của du khách Anh nhằm lập kế hoạch lữ hành trong năm 2012, Việt Nam xếp hạng 13 với 29,1%, hơn Thái Lan một bậc (hạng 14 với 28,9%).

Du khách Anh có ước vọng đi du lịch Việt Nam sẽ được toại nguyện vì Vietnam Airlines nay đã có mỗi tuần 4 chuyến bay thẳng nối liền London với Hà Nội và TP.HCM. Nhờ hai đường bay non-stop này, họ không còn phải ghé qua nhiều sân bay quốc tế như lâu nay, nên tiết kiệm trung bình 7 tiếng đồng hồ khi bay đến Việt Nam.

Từ Úc bay đến Việt Nam bây giờ không còn các chuyến bay của Royal Brunei Airlines, nhưng bù lại có rất nhiều chuyến bay hằng ngày của Vietnam Airlines (bay Sydney và Melbourne), Jetstar International (dừng chân tại Darwin), Malaysia Airlines, Singapore Airlines, Thai Airways...

Và có khả năng trong năm 2012, hãng vé rẻ Air Australia cũng sẽ mở đường bay Melbourne - TP.HCM. Nên thông tin lan truyền trong giới du lịch, lữ hành ở đất nước rộng lớn ở tận cùng phía dưới Địa cầu là: “Năm 2012 này, Việt Nam hiện rõ nét hơn trên bản đồ du lịch thế giới. Nhưng ngoài Hà Nội và TP.HCM ra, đất nước này còn có vịnh Hạ Long, Huế, Hội An, Mỹ Sơn... và nhiều địa chỉ du lịch sông nước rất hấp dẫn ở các tỉnh miền Nam”.

Và Việt Nam cũng đã được báo The Australian đưa vào danh sách các điểm đến hải ngoại sẽ thu hút nhiều du khách Úc trong năm 2012 (Escape Travel Trends 2012) với nhận định: “Việt Nam đã hiện lên màn hình radar du lịch thế giới từ một thập niên qua, nhưng bây giờ đất nước châu Á này mới thực sự tỏ lộ rõ hơn”.

Năm 2011 đã có hơn 200.000 du khách Úc đến thăm Việt Nam, năm 2012 con số này sẽ tăng cao hơn. Phú Quốc chính là chọn lựa số 1 của họ vì theo những khách Úc đã đến trải nghiệm, Phú Quốc hôm nay còn hoang sơ như Phuket cách nay 30 năm.

Tuy bay thẳng từ Mỹ đến Việt Nam là điều chưa thể thực hiện được trong lúc này, nhưng nhiều du khách Mỹ cũng dự tính sẽ đến đây du lịch.

Kết quả cuộc thăm dò thường niên Travel Trends Survey tiến hành từ 21/11 - 16/12/2011 bởi Travel Leaders cho thấy, Croatia, Panama và Việt Nam là ba điểm đến “đang thu hút sự quan tâm của nhiều người Mỹ có ý định đi du lịch xa trong năm 2012”.

Riêng Việt Nam xếp hạng nhất trong danh sách các nước thuộc châu Á thu hút được nhiều sự chú ý nhất của du khách Mỹ. Đây là một “tin vui lớn” vì Travel Leaders là một tổ chức ngành nghề rất có uy tín, với 640 thành viên là những chủ nhân, nhà quản trị và chuyên gia lữ hành toàn cầu có cơ sở hoạt động tiếp nhận đăng ký và khách lữ hành trên khắp nước Mỹ.

Thậm chí, du khách ở một đất nước rộng lớn ở Bắc bán cầu nhưng chưa hề có đường vận chuyển hàng không đến Việt Nam nay cũng quan tâm đi du lịch Việt Nam trong năm 2012, đó là người Canada.

Họ xếp du lịch sông nước Việt Nam và tham quan đền đài cổ ở Campuchia ở hạng 10 trong danh sách những điểm đến nên khám phá trong năm mới.

Đất lành "chim sắt" đậu

Aerosvit đã khánh thành đường bay Kiev - TP.HCM hồi tháng 12/2011 - Ảnh: Hải Triều

Công bằng mà nói, trong thực tế, việc các hãng hàng không mở đường bay đến Việt Nam đã góp phần đưa lượng khách nước ngoài đến Việt Nam mỗi năm mỗi tăng cao hơn.

Trong thời gian từ đầu tháng 11/2010 đến cuối năm 2011, Việt Nam đã trở thành điểm đến mới của các hãng: Qatar Airways (ở hai đường bay Doha - Hà Nội và Doha - TP.HCM nay đã là 14 chuyến/tuần); LOT Polish Airlines (3 chuyến/tuần nối Warsaw với Hà Nội); Turkish Airlines (7 chuyến/tuần, nối Istanbul với TP.HCM); TransAsia Airways (mỗi tuần hai chuyến bằng A320, nối Cao Hùng với Hà Nội).

Top 10 hãng hàng không ngoài châu Á với cung tải (số ghế/tuần) đến Việt Nam

1. Qatar Airways (9.380 ghế/tuần)
2. Turkish Airlines
3. Aeroflot
4. Air France
5. Lufthansa
6. United
7. Transaero
8. LOT Polish Airlines
9. Vladivostok Airlines
10. Aerosvit

Top 3 hãng hàng không quốc tế với cung tải lớn nhất đến Việt Nam (tháng 1/2012)

1. Thai Airways International (hơn 17.000 ghế/tuần với 28 tuần Bangkok - Hà Nội và Bangkok - TP.HCM)
2. Asiana Airlines
3. Singapore Airlines

Và mới gần cuối năm 2011 là Jetstar Asia mở đường bay Singapore - Hà Nội; AirAsia thêm đường bay Kuala Lumpur - Đà Nẵng và Aerosvit thì khánh thành đường bay mới từ Kiev, Ukraina đến TP.HCM, khai thác bằng máy bay B767.

Rồi đây, du khách, nhà đầu tư và thương nhân ngoại quốc sẽ còn tìm đến Việt Nam nhiều hơn nữa, vượt xa con số 6 triệu khách đã ghi nhận được năm 2011 và có khả năng cao hơn mục tiêu thu hút 6,5 triệu khách nước ngoài mà ngành du lịch Việt đã đề ra cho năm 2012 vì đã có thêm nhiều hãng hàng không rất muốn sớm mở đường bay đến Hà Nội hoặc TP.HCM.

Chẳng hạn, Jet Airways dự định sẽ bay đến từ Ấn Độ; Air Astana, một hãng bay của Kazakhstan, lập kế hoạch khai thác đường bay Almaty - TP.HCM kể từ tháng 12/2012.

Đã được thông báo rõ ràng là sự kiện ngày 4/6/2012 sẽ đánh dấu sự trở lại thị trường Việt Nam của Emirates, một gã khổng lồ đến từ Dubai (nhưng lần này với đường bay thẳng, không còn là đường bay trực tiếp có dừng chân ở Kuala Lumpur như hồi giữa thập niên 90).

Hãng này cho biết, TP.HCM sẽ là điểm bay đến thứ 124 trong mạng lưới đường bay của hãng, khai thác mỗi ngày một chuyến bằng máy bay A330-200 (278 ghế ở hai hạng) và đến ngày 28/10/2012 sẽ đổi sang loại máy bay lớn với tầm hoạt động xa hơn B777-300ER (427 ghế).

Điều cần chú ý là Emirates đã không khai thác thương quyền năm theo như thỏa thuận hàng không song phương ký kết giữa Việt Nam và Các Tiểu vương quốc Ả Rập hồi tháng 4/2011, tức không rước và thả khách ở chặng Bangkok -TP.HCM.

Chọn bay thẳng Dubai - TP.HCM là cách Emirates đẩy cuộc cạnh tranh lên mức cao hơn vì hiện nay Qatar Airways (hiện là hãng hàng không không thuộc châu Á có cung tải lớn nhất đến Việt Nam do bay cả hai đầu Hà Nội và TP.HCM), Turkish Airlines, Lufthansa (lâu nay vẫn 3 chuyến/tuần) đều có chặng dừng nhận/trả khách tại Bangkok.

Bay không dừng từ TP.HCM đến Dubai với tần suất mỗi ngày một chuyến, Emirates cung ứng cho hành khách chọn lựa bay nhanh và nối chuyến tốt đến châu Âu và rất nhiều điểm đến khác trên thế giới. Emirates là một “đối thủ” rất đáng gờm, được ví như là một “hãng bay 5 sao với giá vé 3 sao”.

Từ Philippines, hãng vé rẻ Cebu Pacific đã khá quen với nhiều hành khách Việt, được tăng cung tải đến thị trường Việt Nam (Hà Nội và TP.HCM), trong khi hai hãng vé rẻ khác là Airphil Express và Zest Air được giới chức năng ở Manila cấp phép mở đường bay từ Manila và Cebu đến Hà Nội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Sức hút của điểm đến Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO