Người Dao tắm lửa

Bài và ảnh: TRÁNG XUÂN CƯỜNG| 16/02/2012 05:58

Lễ hội nhảy và tắm lửa kỳ lạ của dân tộc Dao đỏ ở xã Nậm Đét, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai hứa hẹn trở thành tour du lịch độc đáo ở cao nguyên trắng Bắc Hà.

Người Dao tắm lửa

Lễ hội nhảy và tắm lửa kỳ lạ của dân tộc Dao đỏ ở xã Nậm Đét, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai hứa hẹn trở thành tour du lịch độc đáo ở cao nguyên trắng Bắc Hà.

Ngay từ sáng sớm, các trò đã đốt lửa để chuẩn bị cho nghi lễ

Thông thường, Lễ hội nhảy và tắm lửa được tổ chức từ ngày mùng 1 - 15 tháng Chạp Âm lịch hay đến hết tháng Giêng Âm lịch tùy theo tuổi người nhảy, dòng họ và tổ chức theo quy mô hộ gia đình khi trong gia đình có con, cháu vừa làm xong lễ cấp sắc.

Đây là lễ hội truyền thống lớn, quan trọng hàng đầu trong năm của người Dao đỏ, với nhiều nét văn hóa truyền thống độc đáo, kỳ lạ nên xã Nậm Đét đã phục hồi tổ chức quy mô cấp xã, phục vụ bà con nhân dân, tạo sân chơi lành mạnh, ý nghĩa trong ngày tết, bảo tồn giá trị văn hóa dân tộc.

Mới 6 giờ sáng, khi sương mù vẫn còn bao phủ núi rừng, trên khắp các ngả đường quanh co, uốn lượn chênh vênh trên sườn đồi, sườn núi đã sáng bừng lên ánh đèn xe máy, người Dao đỏ ở khắp các bản làng vùng cao Lào Cai đổ về trung tâm xã Nậm Đét dự hội “tắm lửa” độc đáo.

Tám giờ sáng, sương mù dần tan, tại sân trung tâm xã Nậm Đét diễn ra các hoạt động thể dục - thể thao dân tộc: cầu lông, kéo co, bắn nỏ...

Không khí ngày hội tưng bừng, sôi nổi trong tiếng hò reo, cổ vũ náo nhiệt của đông đảo bà con dân tộc Dao, các chàng trai bản, những cô thôn nữ Dao thi đấu hết mình, quyết đem vinh quang về cho thôn, bản mình.

Năm giờ chiều, lễ tắm và nhảy lửa được mong đợi nhất diễn ra. Sau nhiều Tết không được tổ chức, nay lễ hội này được xã Nậm Đét phục hồi lại với mong muốn khôi phục lại nét văn hóa truyền thống, vừa muốn tạo nét mới trong phát triển du lịch.

Làm lễ cúng thần lửa

Đúng giờ tốt, phần chính lễ được bắt đầu, đồ lễ đặc trưng của dân tộc, theo tập quán của người Dao đỏ được bày ra trên một chiếc bàn dài, đặt ở cái sân rộng. Ngay giữa sân là một đống củi to, được xếp gọn gàng.

Ông chủ lễ, gọi là thầy chính Triệu Kim Tiến, ngồi xuống ghế, niên phụ lễ và bài cúng thần lửa được cất lên bằng những câu cầu có một năm mới may mắn, một cuộc sống bình yên, hạnh phúc; cầu mong “mưa thuận gió hòa”, muôn nhà khỏe mạnh; cầu mong thần lửa về sưởi ấm dân làng, vui cùng lễ hội.

Một gióng vầu tre được chẻ đôi thành hai thanh tre, trong lúc chủ lễ cầu khấn, người phụ lễ chụm hai thanh tre vào nhau rồi gieo xuống bàn hay xuống đất. Nếu hai thanh tre cùng ngửa hay cùng sấp thì có nghĩa là thần lửa đã đồng ý về vui cùng dân bản, còn một sấp, một ngửa thì phải xin lại, đến lúc nào được mới thôi.

Hơn 6 giờ tối, đống củi đã trở thành một đống than hồng, 10 chàng thanh niên được chọn tham gia tắm và nhảy lửa đã ngồi “hầu lễ” từ đầu buổi lễ.

Màn nhảy lửa độc đáo

Theo phong tục của người Dao đỏ, 10 chàng trai này sau khi được cấp sắc xong phải tham gia nhảy và tắm lửa, “gọi hồn”, tìm sư phụ phù hộ, học phép trước khi nhảy và tắm lửa, phải kiêng bế con, đặc biệt là cấm kỵ quan hệ tình dục, ăn thịt chó trong một tháng.

Lễ nhảy và tắm lửa gồm hai bước: Đầu tiên, thầy chính mời gọi các thầy tiền bối đến giúp đỡ 10 người trò nhảy và tắm lửa. Thầy tiền bối nhập vào người trò khiến họ đang ngồi cạnh đống lửa bỗng dưng tay chân run lẩy bẩy, một lúc sau thì đứng bật dậy nhảy xung quanh đống lửa. Từng người hoặc từng đôi một đi chân trần, nhảy, lăn vòng trên than hồng khi lửa còn lem lém bốc cháy theo từng bước chân họ.

Khi những đôi bắt đầu được thần lửa đồng ý cho nhảy lửa thì cũng là lúc người khác hay các đôi khác tiếp tục vào “hầu lễ” để được là người nhảy lửa tiếp theo. Người nọ, đôi nọ nối tiếp người kia, đôi kia cho đến khi đống than hồng tắt lịm dưới những đôi chân trần đen nhẻm do bám bụi than.

Điều kỳ lạ là chẳng có ai bị bỏng chân tay, cháy quần áo, và mắt ai cũng như say lờ đờ, ánh lửa mùa Xuân như đang rừng rực cháy trong lòng họ. Hàng trăm cô gái người Dao ngồi xung quanh đống lửa, dõi mắt nhìn theo những chàng trai chưa có vợ đang nhảy lửa, để rồi xong hội Xuân, họ tìm đến nhau và nếu hợp duyên, bén số sẽ nên vợ nên chồng.

Thầy và 10 trò nhảy đủ 36 kiểu, động tác được truyền từ đời trước sang đời sau. Sau khi nhảy xong, 10 người trò được công nhận đã học được phép, đủ đức, đủ tài để giúp đỡ mọi người, chữa bệnh, cưu mang dân nghèo, làm phúc cho thiên hạ.

Tiếp theo là đến phần trả lễ: thầy chính Triệu Kim Tiến cầm con gà trống đẹp mã với chân và lông vàng, mào đỏ cùng với rượu, giấy bạc đứng trước bàn thờ cầu khấn tổ tiên, sư phụ trên trời, dưới đất phù hộ cho 10 người trò được khỏe mạnh, thông minh, học được nhiều phép, cúng giỏi; phù hộ cho gia đình, dòng họ đồng bào dân tộc Dao đỏ làm ăn phát đạt, phát tài, phát lộc, giàu sang, phú quý.

Thầy chính cũng tạ ơn các thầy tiền bối bằng hương, giấy bạc, rượu, rồi hóa vàng để đưa các thầy về thiên đường, kết thúc lễ hội nhảy và tắm lửa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Người Dao tắm lửa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO