Mandalay - tìm về miền cổ tích

PHAN NGỌC HẠNH| 12/07/2014 07:03

Mandalay là thành phố lớn thứ hai tại Myanmar và từng là kinh đô của Hoàng triều Myanmar. Cho đến ngày nay, cố đô Mandalay vừa là trung tâm kinh tế vừa là vùng đất của nền văn hóa Myanmar cổ đại.

Mandalay - tìm về miền cổ tích

Tôi đến bến xe Kywe Se Kan ở Mandalay khi gà vừa gáy canh ba. Bến xe Kywe Se Kan dường như không ngủ, nhộn nhịp bất kể ngày đêm. Các bác tài xế quấn longyi đon đả mời chào khách thuê xe. Sau một hồi thỏa thuận, với 50 USD, tôi có được một chuyến tham quan những địa điểm nổi tiếng ở cố đô Mandalay.

Mandalay là thành phố lớn thứ hai tại Myanmar và từng là kinh đô của Hoàng triều Myanmar. Cho đến ngày nay, cố đô Mandalay vừa là trung tâm kinh tế của vùng thượng Myanmar, vừa là vùng đất của nền văn hóa Myanmar cổ đại.

“Lễ rửa mặt Phật” tại Mahamuni Phaya

Điểm tham quan đầu tiên trong hành trình Mandalay là Mahamuni Phaya. Theo tiếng Bhasa, “Mahamuni” có nghĩa là “nhà hiền triết vĩ đại” và “Phaya” có nghĩa là “ngôi chùa”. Mahamuni Phaya được xây dựng vào năm 1784 với bức tượng Phật đúc bằng đồng cao 4m, nặng 6,5 tấn.

Để thể hiện sự sùng đạo và sức mạnh về quyền lực của mình, nhà vua Sanda Thurija thường đem vàng dát lên tượng. Tập tục này được thực hiện qua nhiều thế hệ, theo kiểu “cha truyền con nối”. Sau đó, tập tục ăn sâu vào tiềm thức của người dân Myanmar. Vì thế cho đến ngày nay, tượng Phật ngày càng to bởi lớp nón và lớp áo bào được dát lên vô số những lớp vàng lá. Uớc tính lớp vàng hiện dày 15cm.

Chùa Mahamuni có bốn mặt với những dãy hành lang dài. Ở giữa chánh điện có một tượng Phật lớn bằng vàng nhưng chỉ có đàn ông được phép đi lại ở khu vực sát tượng, tiếp xúc và dán vàng lên tượng. Phụ nữ bị cấm đến gần tượng Phật, chỉ được quỳ cầu nguyện ở phía dưới sau hàng rào.

Tôi đến Mahamuni Phaya khá sớm nên được dịp chứng kiến nghi thức truyền thống “lễ rửa mặt Phật” diễn ra hàng ngày vào lúc 4 giờ sáng.

Theo lời người dân địa phương, chỉ có nhà sư đức độ và có vị trí cao trong Giáo hội Phật giáo Mandalay mới được phép rửa mặt Phật. Trước tiên, vị sư này phủ tấm vải màu vàng quanh phần thân tượng. Tiếp đến, ông cầm chiếc bình đựng nước và bắt đầu nghi thức xịt nước làm ướt khuôn mặt tượng Phật. Sau đó, nhà sư dùng miếng mút lau khuôn mặt Phật từ trán xuống mắt, rồi đến hai bên cánh mũi. Đến phần môi, ông dùng cây cọ mềm chải một cách nhẹ nhàng. Sau cùng, vị sư dùng quạt phe phẩy để làm khô nước trên mặt Phật.

Trong lúc buổi lễ diễn ra, người dân Mandalay tập trung ở giữa chánh điện, đọc kinh rì rầm và thành kính quỳ lạy.

Cuộc sống giản dị bên U Bein Bridge

Để đến điểm thứ hai trong hành trình - U Bein Bridge, xe phải chạy ra ngoại ô thành cổ Mandalay.

Cầu U Bein được người dân trong khu làng cổ Amarapura xây dựng từ năm 1800 bởi hàng ngàn tấm ván bằng gỗ tếch với 1.068 trụ cột. Vì thế, đây là cây cầu có giá trị và cổ nhất thế giới bắc qua hồ cạn Taungthaman. Hai bên bờ sông có rất nhiều ngôi chùa, dân cư tập trung đông đúc.
Đây không chỉ là cây cầu gỗ tếch dài nhất thế giới với chiều dài 1,2 km mà còn là địa điểm tuyệt vời nhất để ngắm bình minh cũng như hoàng hôn.

Đến U Bein vào buổi sáng tinh mơ, tôi chọn một góc và lặng ngắm từng dòng người qua lại trên chiếc cầu gỗ. Các cô đầu đội những chiếc làn cói, hai gò má thoa bột Thanaka với những hình vẽ khác nhau, có chị đạp xe chở những đôi thúng hàng hóa, có chị hì hục đẩy xe đạp chất đầy những bó rau xanh mướt.

Những người đàn ông miệng bỏm bẻm nhai trầu ngồi trên những chiếc ghế gỗ ngay giữa cầu để ngắm cảnh, hít thở bầu không khí trong lành vào buổi sáng. Các nhà sư mặc áo cà sa màu nâu đỏ chéo vai tản bước trên cầu. Khung cảnh sáng sớm trên cầu U Bein quá đỗi bình yên, giản dị.

Sagaing Hill, nơi cư trú của các vị Thánh

7 giờ sáng, tôi có mặt dưới chân đồi Sagaing, cách trung tâm Mandalay khoảng 20 km về phía tây nam, qua cầu Ava (cũ) xây từ những năm 1934 hoặc cầu Ava mới hoàn thành 2 năm trước.

Thuở xưa, Sagaing là thủ đô của Vương quốc Shan, độc lập vào khoảng năm 1315 nhưng chỉ trong một thời gian ngắn. Năm 1364, Thado Minbya dời thủ đô về Inwa. Tuy nhiên, Sagaing Hill vẫn nổi tiếng là trung tâm tôn giáo của Myanmar với trên 400 tu viện trải dài trên các cụm đồi.

Tôi leo lên đỉnh đồi Sagaing trên những bậc thang có tổng chiều dài 1km. Những nấc thang thoai thoải với khoảng cách rộng làm tôi thấm mệt khá nhanh. Dọc hai bên có các hàng ghế đá dành cho khách hành hương lên chùa ngồi nghỉ chân.

Sau nhiều lần dừng chân, tôi đã lên đến đỉnh Sagaing. Từ đây có thể phóng tầm mắt nhìn dòng sông Irra Wady dài nhất Myanmar lượn uốn quanh chân đồi, xung quanh vô số chùa tháp cao ẩn mình bên những tán cây rừng xanh rì. Nơi đây không có người dân sinh sống mà chỉ có những đền chùa của những nhà sư, ẩn sĩ, thiền sư. Sagaing Hill tạo nên sự trầm mặc xứng với mệnh danh “nơi cư trú của các vị Thánh”.

Inwa, cố đô 400 năm của Myanmar

Sẽ là thiếu sót nếu đến cố đô Mandalay mà không ghé thăm Inwa, ngôi làng cổ nằm tại nơi hợp dòng của sông Ayeyarwaddy và sông Myitnge. Cố đô Inwa có bề dày lịch sử gần 400 năm từ 1364 đến 1841, do Thado Minbya dời thủ đô từ Sagaing về Inwa.

Cố đô Inwa tựa một ốc đảo nằm giữa dòng sông Ayeyarwady và một con kênh đào, cách duy nhất đến đây là phải đi đò qua sông. Đến bờ bên kia sông, tôi thuê một chuyến xe ngựa dạo quanh làng với giá 8USD trong 3 tiếng. Mặc dù trên giấy có ghi giá cố định nhưng du khách cứ kiên quyết trả giá bởi những người đánh xe ngựa “hét” giá rất cao.

Ngôi làng cổ Inwa là địa điểm du lịch nổi tiếng với nhiều di sản quý. Xe ngựa lọc cọc phi nhanh trên những con đường đất làm bụi tung lên mù mịt giữa trưa nắng. Đến đoạn sỏi đá, ngựa không chịu đi mà đứng khựng lại, người đánh xe phải bước xuống và kéo dắt chúng. Xe dừng trước tu viện Bagaya Kyaung.

Tu viện rất độc đáo bởi được chống bằng 267 cây cột gỗ tếch khổng lồ. Gần đó là tu viện Mahar Aung Mye Bon San hay còn gọi là tu viện Brick, được xây dựng vào năm 1822 bởi Nanmadaw Me Nu, hoàng hậu của triều đại Bagyidaw.

Để nhìn ngắm toàn cảnh cố đô Inwa 400 năm, tôi đến đài vọng cảnh Nanmyin. Tháp cao 30m được xây bằng đá, qua thời gian đã bị nghiêng nhưng vẫn sừng sững. Leo lên những cầu thang gỗ dốc cao và chơ vơ, hiện ra trước mắt tôi là toàn cảnh ngôi làng Inwa với những chóp đền xanh đỏ mờ ảo trong nắng và được bao phủ bởi những hàng cây xanh.

Người dân nơi đây vẫn giữ được nếp sinh hoạt xưa cũ từ hàng trăm năm nay, làm nên nét độc đáo riêng có của cố đô Inwa.

Choáng ngợp trước phế tích Mingun

Địa điểm cuối cùng trong hành trình Mandalay là phế tích Mingun Pathodawgyi.

Khởi hành từ bến thuyền Mandalay, tôi xuôi theo dòng Ayeyarwady để tới Mingun. Khung cảnh hai bên bờ sông rất khác so với Việt Nam, bởi hai bên bờ toàn những sa mạc cát vàng phủ khắp và tập trung những đền tháp cổ kính. Sau một tiếng, chiếc thuyền cập bến bên bãi cát. Hai ông lái thuyền nhiệt tình bắc thanh ván gỗ và giữ cây sào tre dài để tôi và những người khách trên thuyền có thể dễ dàng bước xuống.

Từ đầu làng Mingun, cây lapan cổ thụ sừng sững như một vị thần bảo vệ ngôi làng. Những chiếc xe bỏ xếp hàng chờ du khách thuê, không có cảnh chèo kéo như bao chỗ khác. Người dân Mingun gọi những chiếc xe bò bằng cụm từ hoa mỹ “taxi bò”. Mỗi chiếc “taxi bò” chở được 5 người và được kéo bởi hai con bò trắng, giá 5USD đi khắp làng Mingun.

Phế tích Mingun Pathodawgyi là ngôi chùa xây bằng gạch đỏ mà nếu hoàn thành sẽ là kiến trúc Phật giáo bằng gạch lớn nhất thế giới với chiều cao dự kiến 150m. Chùa được khởi công từ năm 1790, dưới thời vua Bodawpaya nhưng do kinh tế suy yếu, công trình vĩ đại này đã bị tạm dừng vào năm 1797 và mãi mãi bị bỏ dở dang sau khi nhà vua qua đời năm 1813.

Phế tích Mingun chỉ được xây cao chừng 50m trên mặt bằng khoảng 140 mét vuông. Đến năm 1838, một trận động đất lớn đã khiến phần trên của chùa sụp xuống, nhưng ngày nay Mingun Pathodawgyi vẫn sừng sững bên sông với những vết nứt gây kinh ngạc.

Cách phế tích Mingun không xa là tháp chuông Mingun lớn nhất thế giới nặng 90 tấn, được đúc riêng cho chùa Myatheindan nhưng đã không bao giờ được sử dụng.

Trở ra bên cạnh bến thuyền, một ngôi đền trắng muốt Hsinbyume Paya được vua Bagyidaw xây dựng năm 1816 để tưởng nhớ hoàng hậu quá cố của ông. Ngôi chùa bị hư hỏng nặng cũng bởi trận động đất năm 1838, nhưng sau đó được vua Mindon khôi phục năm 1874. Chùa được bao quanh bởi bảy lớp hành lang sơn trắng uốn lượn tượng trưng cho bảy dãy núi bao quanh ðền Meru như trong thần thoại. Trước cổng đền có đôi tượng Chinthe khổng lồ (linh vật nửa sư tử nửa rồng) được người dân xem như những báu vật bởi đôi tượng đứng canh giữ sát bờ sông.

Hành trình đến với thành cổ Mandalay có thể khiến bạn không chỉ đến đây một lần…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Mandalay - tìm về miền cổ tích
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO