Lên khinh khí cầu ngắm sông Nile

Nguồn: DNSGCT| 29/03/2016 04:31

Khi đến Ai Cập thì chúng tôi mới có dịp tận hưởng cảm giác ngắm nhìn phong cảnh trong lúc bay lượn ở độ cao hàng ngàn mét...

Lên khinh khí cầu ngắm sông Nile

Tại những điểm du lịch nổi tiếng mà chúng tôi từng được đến, khinh khí cầu không phải là phương tiện gì xa lạ. Tuy nhiên chỉ khi đến Ai Cập thì chúng tôi mới có dịp tận hưởng cảm giác ngắm nhìn phong cảnh trong lúc bay lượn ở độ cao hàng ngàn mét, một phần vì giá vé khinh khí cầu ở đây khá rẻ, phần vì ai cũng muốn được chiêm ngưỡng toàn cảnh những quần thể kiến trúc cổ đại kỳ vĩ một lần trong đời.

Đọc E-paper

Bay giữa bình minh

Nếu ở châu Âu, một chuyến du ngoạn bằng khinh khí cầu có giá đến vài trăm euro thì ở Luxor – cố đô của Ai Cập, du khách chỉ bỏ ra 40 euro là sẽ được lên độ cao 7.000m để ngắm toàn bộ sông Nile, thung lũng các nhà vua và những cánh đồng mía xanh bao la.

Các khách sạn đều có dịch vụ giúp khách đặt chỗ trước nhưng chúng tôi phải tham khảo giá của năm sáu nơi rồi mới quyết định. Chẳng là các khách sạn Ai Cập vốn nổi tiếng chặt chém du khách bằng những dịch vụ đặt chỗ giùm kiểu này.

Buổi sáng thứ hai ở Luxor, cả nhóm được đưa lên xe từ 4 giờ rưỡi sáng. Xe chạy qua con đường đất đầy bụi, xuyên qua bóng tối mịt mùng để tới bến sông.

Du khách chia thành từng nhóm nhỏ lên thuyền. Dưới ánh đèn vàng vọt, ai nấy ăn bánh uống trà, không khỏi hồi hộp trước những khoảnh khắc được quảng cáo là “vô cùng huy hoàng” sắp tới.

Vào sáng sớm hoặc chiều muộn là lúc nhiều khinh khí cầu hoạt động nhất vì trời lặng gió, bởi vì nguy hiểm nhất khi bay là gió. Hơn nữa, bay khinh khí cầu vào sáng sớm hoặc chiều muộn cho người ta thấy được cảnh bình minh hoặc hoàng hôn rực rỡ.

Qua sông, xe lại tiếp tục băng qua những con đường hoang vu như đi vào sa mạc. Rồi chào đón du khách là hai bức tượng pharaoh khổng lồ trước ngôi đền kỳ vĩ.

Trong ánh sáng mỏng manh của hừng đông vừa chớm, hai bức tượng ghép từ hàng trăm khối đá đã bị xước mặt trông càng uy nghi và thần bí.

Cận cảnh đốt lửa khinh khí cầu

Giữa vùng đất trống, có vài quả khí cầu đã bay. Những khối lửa được đốt lên, lan tỏa hơi ấm một vùng. Ai Cập buổi tinh mơ mùa đông cũng khiến nhiều người xuýt xoa vì lạnh.

Ánh lửa từ những khinh khí cầu chuẩn bị bay sưởi ấm cả một đoạn đường, rải từng chùm ánh sáng màu đỏ cam vào giữa màu đen mịt mùng. Trên chiếc giỏ to, vài chục người chen chúc, hăm hở cho lần đầu lên cao, theo mặt trời.

Du khách được dặn đi dặn lại hai quy tắc. Thứ nhất: tuyệt đối nghe lời phi công, thứ hai: không lề mề – phi công bảo nhảy vào giỏ khí cầu thì phải vào ngay, bảo nhảy ra (khi đáp đất) thì phải nhảy ra ngay.

Giá rẻ cũng đồng nghĩa với kém an toàn. Đã từng có tai nạn khinh khí cầu ở Luxor cách đây vài năm. Nhưng thôi kệ! Thú vui nào mà chẳng có rủi ro!

Khí cầu chầm chậm bay lên, cả nhóm phấn khích ra mặt. Ánh lửa từ từ xé đôi màn sương mờ mờ. Nhìn lên, bầu trời từ màu đen đã chuyển sang ánh tím huyền ảo.

Khí cầu bay tới đâu, mặt trời hiện ra đến đó. Ánh sáng chan hòa dần. Khối cầu đỏ rực chớm hiện từ phía xa, rồi rõ nét qua những cánh đồng mía.

Những rặng núi đá nâu trơ trụi in vào nền trời mỗi lúc mỗi sắc nét. Vầng thái dương đi lên từ đất, nằm phía bên kia sông Nile, mang từng lớp ánh sáng trắng, vàng, đỏ cho bầu trời màu xanh rất nhạt.

Thế rồi, từ từ, nhẹ nhàng, khí cầu bay lên, đưa mặt trời, quang cảnh sông Nile, nhà cửa, cánh đồng, thung lũng vua – hoàng hậu và đền thờ nữ hoàng Hatshepsut vào tầm mắt. Bụi của ngày mới bắt đầu bị thổi lên.

Hàng tượng nhân sư ở Luxor

Thung lũng của nữ hoàng

Khí cầu bay thật chậm, nhiều khi cứ như đứng yên tại chỗ. Người điều khiển khinh khí cầu bắt đầu thuyết minh về thung lũng các vị vua bên dưới.

Giữa 63 lăng mộ vẫn còn đang được khám phá thì mộ của vua Ramset III to lớn nhất và còn nguyên vẹn trong lòng núi với những bức vẽ màu sắc tinh xảo. Mộ hoàng hậu và hai con trai của ông cũng là nơi duy nhất du khách được vào tham quan ở thung lũng các hoàng hậu.

Xa xa còn có thung lũng của các quý tộc. Hấp dẫn nhất là ngôi đền và câu chuyện về Hatshepsut, nữ hoàng đang gây nhiều tranh cãi trong giới nghiên cứu lịch sử.

Hatshepsut là nữ pharaoh trị vì lâu nhất trong lịch sử Ai Cập (1479-1458 trước Công nguyên). Bà giữ ngôi vua trong suốt 21 năm sau khi chồng chết. Dưới sự trị vì của bà, nền kinh tế – văn hóa Ai Cập phát triển rất rực rỡ.

Kiến trúc Ai Cập cổ đại ở Luxor khiến nhiều người phải choáng ngợp

Hatshepsut đã chỉ đạo xây dựng và sửa chữa nhiều công trình, đài tưởng niệm và đền thờ lộng lẫy. Ngoài ra, bà còn tự xây cho mình khu đền nằm ngoài thung lũng hoàng hậu, tựa lưng vào thung lũng nhà vua, nhìn ra sông Nile xanh ngắt. Ở đó tượng của bà nhìn nam tính, không tóc giả, váy mỏng như tượng Cleopatra.

Tọa lạc trên những vách đá vôi cao nhất, đền thờ của Hatshepsut là một trong những kỳ quan nhân tạo của thế giới cổ đại. Bên ngoài đền thờ là dãy bậc thang và dãy cột đá vôi đồ sộ.

Cấu trúc của đền thờ độc đáo, khá khác biệt so với đền đài của các pharaoh khác. Những sân thấp trong đền là những hồ và vườn trồng hoa thơm cỏ lạ.

Đặc biệt khách tham quan có thể nhìn thấy hình ảnh của Hatshepsut ở khắp mọi nơi. Hơn 100 bức tượng khổng lồ với khuôn mặt của vị nữ hoàng lỗi lạc này được tạc dưới hình hài nhân sư như những bức tượng linh thiêng bảo vệ đền đài.

Đi càng sâu vào trong là càng nhiều hình ảnh của bà với những biểu tượng thiêng liêng khác nhau.

Những bức vẽ bên trong một đền thờ

Khí cầu bay cao lên, thế giới dưới chân rộng dần. Đã 5.000 mét, 6.000 mét, rồi 7.000 mét, nếu không nhìn vào máy đo độ cao chắc không ai dám tin mình đã bay cao tới thế. Không khí mát lành của một ngày mới ùa vào lồng ngực.

Được chiêm ngưỡng bình minh kiểu này khiến mọi người lâng lâng tới cả khi đáp xuống giữa mênh mông sa mạc. Quả thật, chu du bằng khinh khí cầu có cái cảm giác thú vị khác lạ mà không một phương tiện giao thông nào có thể đem lại. Đó là cảm giác hòa mình vào không trung mà không bị vướng víu, không bị tiếng động cơ làm ồn ào.

Quần thể đền thờ nữ hoàng Hatshepsut tựa lưng vào núi

Đã đến lúc trở về mặt đất. Người điều khiển dáo dác tìm mảnh đất cao ráo. Theo ông, phải quan sát chỗ đáp trước đó chừng 100m hoặc xa hơn rồi hạ khí cầu từ từ.

Khinh khí cầu đã đáp đất. Mọi người hì hục làm xẹp quả khí cầu đầy khí nóng. Người điều khiển cho hay trọng lượng của mỗi quả khí cầu là khoảng 100kg và giá mỗi chiếc rẻ nhất cũng khoảng hơn 20 ngàn euro.

Màu xanh bên bờ sông Nile

Vậy là chúng tôi mỗi người đã xài hơn triệu đồng tiền Việt cho vài giờ bay lượn giữa bình minh. Chẳng ai thấy tiếc mà chỉ mừng vì đã hạ cánh an toàn.

Nếu chiêm ngưỡng Luxor bằng cách dạo bộ thông thường khiến mọi người choáng ngợp thì được nhìn toàn bộ cố đô từ trên cao, tôi như nghe thấy trong gió cát cả những tiếng vọng từ ngày xa xưa.

>10 bãi biển hoang sơ, quyến rũ ở châu Phi

>Timbuktu - thành phố bí ẩn bên sa mạc Sahara

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Lên khinh khí cầu ngắm sông Nile
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO