Hành hương miền Thiên Trúc

ĐÌNH NGUYÊN| 07/01/2014 03:55

Miền Thiên Trúc là nơi từ hơn 2.600 năm trước Phật giáo ra đời, hôm nay, theo bước chân lữ khách hành hương về miền Phật tích ấy, cảm giác như được dấn thân vào một cõi vô thường nơi hồng trần...

Hành hương miền Thiên Trúc

Miền Thiên Trúc là nơi từ hơn 2.600 năm trước Phật giáo ra đời, hôm nay, theo bước chân lữ khách hành hương về miền Phật tích ấy, cảm giác như được dấn thân vào một cõi vô thường nơi hồng trần, vẳng bên tai chuyện kể về cuộc đời hành đạo ngày nào của Đức Thế tôn.

Đọc E-paper

Từ Việt Nam, chỉ mất chưa đầy 6 giờ bay là đã đặt chân đến một trong bốn thánh tích quan trọng của Phật giáo, được gọi là Tứ Động Tâm, nằm ở hai quốc gia Nam Á là Ấn Độ và Nepal, gồm: Lumbini (Lâm Tì Ni) - nơi Phật đản sanh, Bodh Gaya (Bồ Đề Đạo Tràng) - nơi Phật đắc đạo, Sarnath (vườn Lộc Uyển) - nơi bài kinh Chuyển pháp luân ra đời, và Kushinagar (Câu Thi Na) - nơi Phật nhập diệt.

Hành trình qua vùng thánh tích ấy là những giây phút đắm mình trong những nghi lễ linh thiêng, những nếp sinh hoạt cổ xưa tưởng rằng chỉ có thể tìm thấy trong truyền thuyết, trong lịch sử.

Bình yên Lâm Tì Ni

Hành trình tìm về Tứ Động Tâm đưa tôi đến Lâm Tì Ni với những miên man suy nghĩ theo câu chuyện từ năm 623 trước Công nguyên (CN), đọc được trong Phật quốc truyện của Pháp Hiển - người đến Ấn Độ năm 409 sau CN, viết về sự kiện Hoàng hậu Maya Devi đản sinh Đức Phật tại vườn Lâm Tì Ni, nay thuộc lãnh thổ Nepal, giáp với tiểu bang Bihar của Ấn Độ, rằng: “Phu nhân nghỉ chân tại vườn Lâm Tì Ni, tắm trong một hồ nước trong xanh và mát rượi. Sau khi tắm gội xong, bà đi dạo trong vườn khoảng hai mươi bước chân, tay vin vào nhánh cây Vô ưu quay về hướng đông và hạ sanh Thái tử”.

Thánh tích Lâm Tì Ni - nơi Phật đản sanh

>Hành hương đến những vùng đất thánh
>Đến phế tích tìm thuở vàng son

Bước vào thánh tích Lâm Tì Ni, hình ảnh nổi bật là cội bồ đề cạnh hồ nước được các tín đồ Phật giáo Tây Tạng treo kinh phướn đầy màu sắc, phía xa là đền thờ Hoàng hậu Devi, cạnh đó là trụ đá do vua A Dục dựng lên năm 249 trước CN, đánh dấu nơi Phật đản sanh, cùng những chỉ dụ khắc trên đá nói về việc miễn thuế khóa cho dân làng Lâm Tì Ni thời ấy.

Sau hơn 10 thế kỷ rơi vào quên lãng, Lâm Tì Ni hôm nay đã trở thành tâm điểm để người mộ đạo hành hương, bởi ở đó, mọi người dễ tìm được cho mình những giây phút bình yên trong không gian rộng lớn phủ đầy cỏ hoa, giống với khu vườn xinh đẹp đầy màu xanh mà xưa kia Hoàng hậu Maya Devi đã đản sanh Đức Phật.

Trong Vườn Lộc Uyển

Cội bồ đề và khu tôn tượng Chuyển pháp luân ở Vườn Lộc Uyển

Các thánh tích quan trọng khác trong chuỗi hành trình đến với Tứ Động Tâm chính là Bồ Đề Đạo Tràng - nơi Phật tu luyện dưới cội bồ đề và giác ngộ. Sau đó, Đức Phật tiếp tục hành trình 280km đến Vườn Lộc Uyển gặp gỡ 5 anh em đồng tu với ngài khi xưa là Kiều Trần Như để thuyết bài kinh Chuyển pháp luân danh tiếng, khởi đầu sự nghiệp hoằng pháp của Đức Phật.

Thánh tích vườn Lộc Uyển gây ấn tượng với bảo tháp Dhamekh khổng lồ cao 31,1m bằng gạch nung, đánh dấu nơi Phật thuyết bài kinh đầu tiên, cùng các di chỉ khác như Hương thất Phật - căn phòng Phật trú ngụ, đền thờ ngài Daxá (Yasa) - một trang nam tử giàu có được Phật giác ngộ.

Các tăng sư từ Thái Lan niệm kinh trước phế tích của Vườn Lộc Uyển

Nơi đây cũng có một khu vực tôn tượng Chuyển pháp luân, với cội bồ đề linh thiêng và bài kinh Chuyển pháp luân nhiều thứ tiếng, trong đó có một bản bằng tiếng Việt, chỉ rõ con đường Trung Đạo, trình bày cặn kẽ bốn chân lý nhiệm mầu, hay còn gọi là Tứ Diệu Đế, hướng chúng sanh thoát khỏi cảnh luân hồi để đạt tới Niết Bàn.

Lễ cúng ven sông Hằng

Cách thánh tích vườn Lộc Uyển 13km là thành cổ Varanasi, nơi những nghi thức thần bí của người dân thành cổ diễn ra ở bến nước sông Hằng tưởng rằng chỉ có trong sử sách chứ không phải nơi đời thực kiếp người.

Trước mặt tôi, vị đạo sĩ tay cầm phất trần, múa vào khoảng không theo những đường tròn định sẵn, vẳng bên tai là tiếng cầu kinh xen cùng giọng hát ngân vang, kết hợp cả tiếng chuông, trống, tù và... quyện cùng mùi trầm hương tỏa lên ngào ngạt trong ánh lửa lung linh.

Đó là diễn tiến của một nghi thức cổ xưa nhất ở thế giới loài người, diễn ra hằng ngày từ hơn 3.500 năm qua, được đánh giá là cổ xưa hơn cả lịch sử. Lễ cúng ấy gọi theo tiếng bản địa là Ganga Aarti (lễ cúng Mẹ sông Hằng).

Lễ cúng mẹ sông Hằng ở thành cổ Varanasi

Lễ cúng này diễn ra đều đặn mỗi ngày ở các Ghat (bậc cấp dẫn lối từ lâu đài xuống bến sông Hằng), trong đó lễ cúng lớn nhất ở Ghat Dasaswamedh vào mỗi 7 giờ tối luôn là tâm điểm thu hút người mộ đạo và lữ khách khi đến thành cổ Varanasi.

Điểm đến kế tiếp của Tứ Động Tâm, hành trình về miền Phật tích cuối cùng, là một làng quê hẻo lánh có tên gọi Câu Thi Na - nơi diễn ra lễ trà tì kim thân của Đức Phật và bảo tháp Niết Bàn đánh dấu nơi Phật nhập diệt.

Hành trình qua bốn miền Phật tích như một chuyến đi giữa cõi hư và đời thực, với thật nhiều trải nghiệm kỳ thú của gió bụi hồng trần, để rồi giờ đây khi ôn lại những kỷ niệm thân thương ấy, tôi lại muốn được một ngày quay trở lại.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Hành hương miền Thiên Trúc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO