Du lịch Tết nhớ... lì xì

ANH NGUYỄN| 06/02/2010 00:18

Một ít tiền trao vào tay hướng dẫn viên du lịch, nhân viên khách sạn, nhà hàng để tỏ lòng biết ơn vì đã được phục vụ ân cần, chu đáo là việc làm phổ biến ở nhiều nơi trên thế giới, thậm chí là việc phải làm ở một vài nước.

Du lịch Tết nhớ... lì xì

Ở một vài nước không có thói quen “típ” và nhận “típ”, và cũng có những nước cấm “típ” bằng quy định hẳn hoi. Thế nhưng, người cung ứng dịch vụ sẽ cười vui khi được khách thưởng ít tiền. Tuy nhiên, ở các quốc gia ấy, bạn nên thực "típ" như cha ông chúng ta đã dạy: “Của cho không bằng cách cho”.

Sau ba ngày lái xe chở chúng tôi dọc ngang khắp Công viên quốc gia Kakadu rộng lớn và hoang dã ở miền Tây Bắc nước Úc, bác tài kiêm hướng dẫn viên người New Zealand tỏ vẻ thích thú khi nhận phong bì đựng tiền “típ” mà chúng tôi trao cho ông kèm lời nhắn nhủ: “Hãy uống vài vại bia và chúc chúng tôi thượng lộ bình an!”. Cô Donna Thomas ở Công ty New Zealand Travel nói rằng, 20 năm về trước, hướng dẫn viên du lịch sẽ bị đuổi việc nếu nhận tiền “típ”, còn bây giờ họ đã khá quen nhận “típ” với điều kiện nó phải được cho một cách chân tình, khéo léo.

Tại Singapore, một quốc gia không khuyến khích “típ”, chúng tôi đã nhận được cái cúi đầu nhẹ kèm với cái chắp tay và câu nói “Rất cảm ơn quý khách” của các nữ nhân viên dọn phòng tương đối lớn tuổi. Nhưng nếu bạn ra đi mà không để lại vài đồng “típ” trong phong bì đặt trên bàn trong phòng thì họ cũng chẳng buồn trách bạn đâu. Tại thị trấn nghỉ mát Engelberg, Thụy Sĩ, chàng sinh viên thực tập nghề hướng dẫn viên du lịch, sau một ngày đưa chúng tôi tham quan đỉnh núi tuyết, đã đỏ mặt thẹn thùng khi được “típ”. Cả đoàn chúng tôi, mỗi người góp một câu, mãi anh ta mới dám nhận phong bì lì xì.

Trong giới lữ hành quốc tế, Nhật được biết đến như là một “xã hội không típ và không nhận típ”, tuy nhiên, sau khi cung cấp cho khách một vài dịch vụ đặc biệt, nhân viên Nhật cũng rất vui lòng nhận tiền thưởng. Nhưng phải xài đồng yen, không nên đưa cho họ đô la vì rất khó đổi lấy đồng yen (1 đô la Mỹ bằng khoảng hơn 100 yen). Hãy bỏ từ 2.500 đến 5.000 yen vào phong bì gửi cho hướng dẫn viên du lịch, khoảng 1.000 yen cho lái xe, khoảng 5.000 yen cho nhân viên phục vụ phòng. Bạn đừng ngạc nhiên khi thấy nhân viên khuân vác hành lý và nhân viên phục vụ ở nhà hàng từ chối nhận “típ”.

Indonesia, Malaysia và Pakistan là những nước không có văn hóa “típ”, tuy nhiên, nhân viên làm ở ngành du lịch, khách sạn, nhà hàng cũng sẽ vui nếu được “típ”.

Nhưng nên thưởng cho nhân viên người Malaysia bằng đồng ringgit và nhân viên người Pakistan bằng đô la Mỹ. Tại Indonesia và Philippines, họ sẽ hớn hở ra mặt nếu nhận được đô la Mỹ vì chúng được xem là có giá trị hơn đồng bản tệ rupiah và peso. Ngược lại, nếu “típ” tài xế taxi ở Singapore bằng đô la Mỹ thì bạn sẽ chẳng nhận lại được nụ cười, vì đổi vài chục đồng ngoại tệ chẳng phải là chuyện dễ dàng như ở Việt Nam.

Chuẩn bị du lịch Campuchia, Thái Lan, tốt nhất là bạn hãy thủ sẵn đô la mệnh giá thấp (1USD, 2USD và 5USD) để “típ”. Riêng tại Campuchia, đồng đô la được sử dụng khá phổ biến trong các giao dịch thường nhật. Khi đến Ấn Độ, nhớ đổi đồng đô la Mỹ thành nhiều tờ rupee mệnh giá thấp (1USD bằng khoảng 50 rupee), vì bạn sẽ không thể tin mình được hỏi xin “típ” nhiều đến cỡ nào. Thậm chí, gần nửa đêm cũng có nhân viên đến gõ cửa phòng hỏi thăm bạn cần gì không để anh ta có thể được bạn “típ”.

Có lần vì quá bận rộn, không kịp đổi tiền sau khi xuống sân bay, nên khi về đến khách sạn bên bến cảng Cửu Long, chúng tôi nói với chàng khuân vác hành lý trẻ rằng để mai có đô la Hồng Kông, tôi sẽ biếu anh. “Chắc gì tôi gặp lại ông, vì ngày mai có thể tôi sẽ đổi ca. Ông cho tiền nào cũng được”, anh ta trả lời. Tôi đành phải “típ” cho anh ta tờ 100.000 đồng Việt Nam, vậy mà anh ta vẫn vui vẻ nhận.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Du lịch Tết nhớ... lì xì
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO