Cồn Cỏ và giấc mơ đảo du lịch

NGÔ MINH| 16/07/2010 01:30

Làng biển Thượng Luật của tôi giáp Vĩnh Linh. Lúc trời biển trong xanh, sáng sớm đứng trên bờ, nhìn phía Mặt trời lên, thấy một vết xanh lam thẫm mờ. Đó là đảo Cồn Cỏ.

Cồn Cỏ và giấc mơ đảo du lịch

Làng biển Thượng Luật của tôi giáp Vĩnh Linh. Lúc trời biển trong xanh, sáng sớm đứng trên bờ, nhìn phía Mặt trời lên, thấy một vết xanh lam thẫm mờ. Đó là đảo Cồn Cỏ. Những ngày đó, tôi đọc thơ Hồ Khải Đại:

Sóng gọi hồn ta về với đảo nhỏ
Đảo nhỏ anh hùng Cồn Cỏ ta ơi
Chiến hạm nổi bốn bề sóng gió
Mang trái tim như ngọc chói ngời...

Đảo chứa chan trong ký ức như thế, nên tôi luôn mong ước một lần ra đảo. Thế mà cho đến tuổi 62 mới lần đầu ra Cồn Cỏ...

Sau năm 1975, suốt gần 30 năm đảo Cồn Cỏ vẫn là đảo quân sự, người dân không được ghé đảo. Đảo như bị lãng quên. Mãi đến ngày 1/10/2004 mới có quyết định của Chính phủ thành lập huyện đảo Cồn Cỏ thuộc tỉnh Quảng Trị, nghĩa là đảo chính thức trở thành đảo dân sự.

Ảnh: Trần Vũ Hoàng

Bảy giờ sáng, chúng tôi rời cảng Cửa Việt ra đảo Cồn Cỏ. Tàu thủy mang số hiệu VN 0099-KN của Kiểm ngư Quảng Trị chở chúng tôi trực chỉ đảo. Đảo Cồn Cỏ cách Cửa Việt 30km, cách Cửa Tùng 27km, mùa Hè biển lặng như hồ, tàu chạy hai tiếng đồng hồ thì đến đảo.

Cồn Cỏ nằm ngoài khơi vĩ tuyến 17, địa danh nổi tiếng trong chống Mỹ có ba “đặc sản” đã trở thành biểu tượng: Cây phong ba, cây bàng vuông và con cua đá. Hàng mấy chục cây bàng cổ thụ, lá đúng lá bàng, nhưng quả thì to nặng như quả thanh trà ở Huế, phần đít quả lại vuông (hoặc lục giác) chứ không như quả bàng nhỏ xíu hình ô van dẹt thường thấy trong đất liền. Ngồi dưới tán bàng vuông Cồn Cỏ, tôi cứ miên man nghĩ về sức sống mãnh liệt, bền bỉ của cây cỏ và con người nơi đây. Và tôi mơ giấc mơ Cồn Cỏ trở thành đảo du lịch hấp dẫn.

Anh Lê Quang Lanh, Bí thư, Chủ tịch huyện đảo Cồn Cỏ, tâm sự: “Cồn Cỏ bây giờ chưa có gì để khoe với các anh cả. Các văn nghệ sĩ tìm hiểu sẽ biết, sẽ thương đảo hơn”. Quả thực, dân số đảo đến giữa năm 2010 này chưa bằng một làng ở đất liền, nhưng sau khi được anh Lượng, lái xe của huyện, chở đi một vòng quanh đảo, tôi thấy Cồn Cỏ có rất nhiều yếu tố để phát triển thành đảo du lịch hấp dẫn.

Chúng tôi đến thăm ngọn hải đăng cao 100 bậc tam cấp, thăm nơi đặt rada của Hải quân Việt Nam, thăm nơi anh hùng Thái Văn A - “con mắt thần” của đảo trong những năm chiến đấu với không lực Hoa Kỳ, thăm những cây bàng vuông, cây phong ba... với bao xúc động. Chỉ riêng với những di tích thời chống Mỹ, Cồn Cỏ đã là một bảo tàng lịch sử đặc biệt hấp dẫn.

Anh Lanh bảo, diện tích đảo chính xác là 2,4 cây số vuông, chứ không phải 4 cây số vuông như thông tin thời chiến tranh. Rừng trên đảo chiếm 73%, rừng dưới nước (san hô) chiếm 50% diện tích quanh đảo.

Cua đá và lá cây phong ba

Rừng Cồn Cỏ ngoài cây phong ba, cây bàng vuông đã nói ở trên, còn có một loại cây mà lính ta gọi là “dầu máu”, thân cao vằn vèo, gỗ cứng và nặng, khi bị xây xát nhựa chảy ra có màu đỏ như máu. Rồi chò xanh, lộc vừng, vông đồng, mù u đã thành cổ thụ. Lại có loài khoai dại, lá to hơn lá chuối, rồi đu đủ, chuối mật mốc, dâu da...

Những cây phong ba lớn mọc quanh đảo, sát mép biển, như là những vệ sĩ chắn gió bão theo đúng như tên gọi của nó.

Nhà thơ Mai Thanh Tịnh trong đoàn thăm Cồn Cỏ đề xuất: Trái bàng vuông có thể sấy khô, phun dầu bóng để trở thành quà lưu niệm mang tên Cồn Cỏ, chắc chắn du khách sẽ tìm mua. Mỗi du khách ra Cồn Cỏ nếu có mấy quả bàng vuông mang về làm kỷ niệm thì thích thú biết bao!

Nhìn theo tấm bản đồ quy hoạch mà anh Lanh chỉ, tôi thấy hình thù đảo tròn trịa như một quả bí đỏ. Từ khi thành lập huyện đảo đến nay, tỉnh Quảng Trị đã đầu tư mấy trăm tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng. Một con đường nhưa vòng quanh đảo đã đưa vào sử dụng. Điều làm chúng tôi phấn chấn nhất là ở Cồn Cỏ đã bắt đầu xây dựng những con phố ngang dọc.

Phố rộng, có cả bùng binh, cột đèn đường, đang chờ đổ nhựa. Trên đảo đã có máy phát điện 62 KVA, đủ cung cấp điện cho dân cư. Có trạm tiếp sóng đài phát thanh, truyền hình, có trường mẫu giáo, quán giải khát, quán nhậu...

Cồn Cỏ nhìn từ xa

Năm 1989, ngày lập lại tỉnh (tách Bình Trị Thiên thành ba tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế), Tỉnh Đoàn Quảng Trị đã đem 4.000 cây dừa ra Cồn Cỏ trồng. Đến nay, dừa đã xanh tốt và cho trái.

Tháng 4/2010, tỉnh Quảng Trị đã tổ chức lễ ra mắt Khu Bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ. Đây là khu bảo tồn biển thứ tư của nước ta, sau Khu Bảo tồn biển vịnh Nha Trang (Khánh Hòa), Cù Lao Chàm (Quảng Nam) và Phú Quốc (Kiên Giang).

Người ta đã thống kê được tại Cồn Cỏ có 113 loài san hô, có cả san hô màu đỏ và san hô màu đen - san hô sừng, rất quý, 57 loài rong cỏ biển. Các rạn san hô ở Khu Bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ thuộc loại hiếm. Đây là tài nguyên để tổ chức du lịch lặn biển.

Những công nhân xây dựng âu thuyền trên đảo Cồn Cỏ đã tìm bắt cho chúng tôi mấy con cua đá. Đây là lần đầu tiên tôi được thấy cua đá. Nó màu tím sẫm, to gấp vài lần con cua đồng, là loại đặc hữu của Khu Bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ, nổi tiếng trong bài hát thờì chiến tranh của Sĩ Cừ: Cồn Cỏ có con cá đua là con cua đá/ Nó nằm trong lá, nó nằm trong khe...

Cua đá có thể rang muối, nướng, chiên, nấu canh rau dền, bông bí hay nấu cháo, là những món ngon nổi tiếng của Cồn Cỏ. Ngay việc đi bắt cua đá đã là một tour du lịch thú vị.

Biển Cồn Cỏ có nhiều rắn, dân chài gọi là con đẻn, dài khoảng một sải tay, nọc độc đủ giết một con voi trong tích tắc. Rượu ngâm đẻn là loại thuốc tráng dương, tăng lực, rất được ưa chuộng. Biển Cồn Cỏ còn có hải sâm đen, trắng, to bằng ngón chân cái, dài bằng gang tay, vừa là vị thuốc quý, vừa là món ăn được xếp ngang với yến sào.

Cồn Cỏ còn có loài ốc nón, luộc ăn rất ngon, vỏ ốc có thể làm đồ trang sức, đồ mỹ nghệ... Lại có loài ốc có nắp cứng như sừng, màu vàng sáng. Trong bữa cơm huyện mời chúng tôi khi chia tay, vợ chồng nhạc sĩ Quỳnh Hợp đã nhặt được mấy chục cái nắp ốc ấy để về Sài Gòn làm kỷ niệm chuyến đi Cồn Cỏ.

Cồn Cỏ hấp dẫn như thế, nên lãnh đạo huyện đảo đã định hướng dịch vụ - du lịch là ngành mũi nhọn. Các nhà quy hoạch đảo cũng đã nghĩ đến việc biến Cồn Cỏ thành “km 0” của hành lang du lịch Đông Tây, điểm nối dài của các địa danh du lịch nổi tiếng DMZ của Quảng Trị như địa đạo Vịnh Mốc, đôi bờ Hiền Lương, hàng rào điện tử Mac Namara...

Con đường mới mở trên đảo

Thậm chí, có người đã nghĩ đến nhưng con số: đến năm 2011, khách du dịch đến đảo sẽ từ 15.000 - 20.000 người. Hướng dẫn viên du lịch khoảng 400 người! Thật mơ mộng, nhưng có ngày sẽ thành sự thật!

Tôi nghĩ, muốn thành đảo du lịch, Cồn Cỏ phải làm nhiều việc lắm. Trước tiên phải có phương tiện ra đảo thường xuyên hoặc định kỳ (tàu thủy, tàu cánh ngầm cao tốc, tàu chịu được sóng lớn để đi vào mùa Thu, Đông).

Thứ hai là phải có khách sạn, nhà nghỉ và phương tiện di chuyển trên đảo. Bây giờ các thứ ấy đều chưa có. Tôi thấy trên đảo chỉ có chiếc xe của huyện vừa chở khách, vừa chở hàng và vài chiếc xe công nông. Nhưng quan trọng nhất là sản phẩm du lịch và hàng lưu niệm. Không có sản phẩm du lịch thì không thu hút đựợc khách.

Quả bàng vuông

Ở đảo Cồn Cỏ, các tour du lịch sẽ được thiết kế theo thế mạnh của biển ở trên đảo và dưới nước như chúng tôi đã nói sơ qua ở trên. Tour câu cá, tour lặn biển, tour đi bắt và chế biến các món ăn từ cua đá, tour lên đài quan sát Thái Văn A, tour thăm vòng quanh đảo...

Các tour, tuyến du lịch gắn với sản vật và truyền thống của đảo, đồng thời kết nối chặt chẽ với du lịch DMZ trên bờ (ví dụ đi thăm địa đạo Vịnh Mốc và thăm Cồn Cỏ trong hai ngày). Được như thế thì Cồn Cỏ mới thu hút được du khách.

Chúng tôi bâng khuâng chia tay Cồn Cỏ. Anh Lanh bảo rằng, chỉ năm năm nữa thôi, các nhà văn đến Cồn Cỏ sẽ thấy một thị trấn rực rỡ sắc màu. Tôi tin như thế vì Cồn Cỏ xứng đáng được như thế.

Chao ơi, một chấm xanh Cồn Cỏ bao đời nay vẫn lay động tâm hồn đất nước...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cồn Cỏ và giấc mơ đảo du lịch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO