Vòm xanh Cần Giờ

PHƯƠNG HÀ| 29/08/2009 08:11

Cần Giờ níu giữ chúng mình hay chính em và tôi không muốn chia xa...

Vòm xanh Cần Giờ

Bỗng dưng Ngàn Hương dừng mái dầm, tủm tỉm cười:
- Đố anh, nếu bây giờ anh nhờ em đưa qua bên kia sông thì kêu bằng gì?
Không cần suy nghĩ, tôi trả lời ngay:
- Kêu bằng “quá giang”.
- Nếu em đi máy bay sang Nhật Bản mà phải dừng lại chờ ở Hồng Kông?
- Kêu bằng “quá cảnh”.
- Vậy chớ... Giả bộ anh là anh sui, nhưng phải là anh sui không còn vợ, đến thăm chị sui góa chồng, đêm xuống, anh sui nằm giường ngoài, chị sui nằm giường trong, chị sui muốn “tâm sự” với anh sui mà không dám, bèn đánh tiếng vầy “Anh sui ơi, nếu từ ngoài ấy mà đi vào trong này thì kêu bằng gì?”, anh trả lời sao?

Biết Ngàn Hương là cô gái nghịch ngợm, đố lắt léo vậy là muốn chọc anh bạn của mình, nhưng tôi nghĩ mãi mà không tìm được câu trả lời. Cái cách vừa đố vừa tủm tỉm cười của em ẩn chứa nhiều điều bất ngờ...

Ngàn Hương chầm chậm khua dầm đưa chiếc xuồng ba lá nhẹ trôi giữa con rạch xuyên Khu Du lịch Vàm Sác trong Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Cần Giờ, kiên nhẫn chờ câu trả lời của tôi.

- Bí rồi phải không? Dở ẹt. Kêu bằng... kêu bằng “quá đã!”.

Tiếng cười của chúng tôi làm chiếc xuồng chòng chành chao sóng, vòm lá đước chao theo, chấp chới dưới nắng chiều.

Chúng tôi đã có mấy tiếng đồng hồ bơi xuồng lang thang, tận hưởng không gian hình như chỉ dành cho hai người giữa mênh mông những đước, dưng, dà, vẹt; tận hưởng tiếng bìm bịp rúc con nước lớn, con nước ròng; tận hưởng tiếng chim cúc cu gọi bạn tình... Chuyện tiếu lâm mà Ngàn Hương vừa kể, vừa đố, tôi không hiểu em ngụ ý gì, chỉ biết nó càng làm chuyến du lịch của chúng tôi thêm thú vị.

Em tò mò muốn biết vì sao vùng đất này gọi là Cần Giờ? Tương truyền, những năm giữa thế kỷ XVII, tàu lớn muốn vào cửa Cần Giờ (tất nhiên hồi ấy chưa có tên) thì phải đợi thủy triều lên, mà muốn đợi thì phải cần thời gian, nói gọn là “cần giờ”; cũng có giả thiết cho rằng, hồi ấy, ngay tại mũi Cần Giờ có một cái “cần” đo giờ theo sự chuyển dịch của mặt trời nên “chết tên” là Cần Giờ.

Em lại hỏi, sao kêu bằng rừng sác. Sác là tên chung của các loại cây rừng ngập mặn. Về mặt tự nhiên, Cần Giờ là một phần đồng bồi Đồng Nai, có tên là Rừng Sác Gia Định, từng rộng đến 170.000ha, chiếm một phần ba rừng ngập mặn của cả nước. Nhưng bây giờ ở TP.HCM hay vùng Long Thành (thuộc tỉnh Đồng Nai), vùng Gò Công Đông (thuộc tỉnh Tiền Giang) giáp với Cần Giờ, khi nói đến rừng sác là người ta nghĩ ngay đến Cần Giờ - nó trở thành một danh từ riêng.

Em hồn nhiên giữa chằng chịt sông rạch, dưới bóng mát rừng ngập mặn, nhưng em có biết, Cần Giờ đã phải hứng chịu trên một triệu gallons hợp chất độc do quân đội Mỹ thả xuống để hòng tiêu diệt lực lượng kháng chiến của ta, sau năm 1975 chỉ còn trơ lại đất hoang hóa; người dân TP.HCM phải mất 25 năm, bắt đầu từ năm 1979, mới phục hồi được hệ sinh thái rừng ngập mặn, để ngày nay có 31 ngàn ha rừng với 175 loài thực vật, cùng với 7 con sông lớn và chằng chịt hàng trăm con rạch nuôi nấng, bảo tồn 700 loài khu hệ thủy sinh không xương sống; 130 loài khu hệ cá; 9 loài lưỡng thê, 31 loài bò sát, 4 loài có vú của hệ động vật có xương sống, trong đó có những loài quý hiếm phải ghi vào “sách đỏ”. Em hãy hình dung, nếu TP.HCM không có huyện Cần Giờ chiếm 1/3 diện tích được phủ bởi màu xanh của sông rạch và rừng cây thì mức độ ô nhiễm sẽ khủng khiếp như thế nào, và nếu TP.HCM không có Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Cần Giờ thì nó sẽ đơn điệu biết bao!

Nhưng rừng ngập mặn Cần Giờ đâu chỉ đóng góp vào việc nghiên cứu, bảo tồn đa dạng cảnh quan, hệ sinh thái, loài và di truyền, nó còn thúc đẩy phát triển kinh tế trên cơ sở bền vững môi trường và văn hóa. Bởi vậy, nhiều nhà khoa học đã ngợi ca việc phục hồi rừng ngập mặn Cần Giờ là một đóng góp vô giá cho nhân loại.

Lớn lên sau cuộc chiến tranh giải phóng lần thứ hai, em muốn hiểu hết cái giá trị của độc lập, tự do hôm nay thì hai đứa mình phải gặp một “nhân chứng lịch sử” ngay Khu Di tích căn cứ Đoàn 10 đặc công Rừng Sác. Cái ông da ánh màu phèn mặn, nhỏ thó kia là Nguyễn Văn Tám. Ông đã vào rừng đước đánh giặc từ năm 1958, lúc còn thiếu niên, một trong những người lính còn lại của Đoàn 10 đặc công - một đơn vị hàng chục lần đánh kho xăng Nhà Bè, cảng quân sự Cát Lái, hàng trăm lần phục kích đánh cháy tàu địch trên bảy con sông chảy qua Cần Giờ. Ông từng là Phó chủ tịch huyện Cần Giờ bốn khóa liền, là người chỉ huy trồng lại 3.000ha rừng đước đầu tiên, mấy năm nay làm hướng dẫn viên du lịch Khu Di tích căn cứ Đoàn 10 đặc công, bởi ông không dứt được rừng và cũng để đêm ngày hương khói cho đồng đội đã hy sinh.

Bia tưởng niệm giữa khu di tích ghi:
860 anh hùng liệt sĩ Rừng Sác đã ra đi
Lòng Tàu, Tuy Hạ, Nhà Bè đó
Khói lửa ngút trời sử sách ghi

Mắt em ngấn lệ. Tim tôi xốn xang tưởng như các anh, các chị trở về cùng ngọn gió chướng xào xạc vòm xanh.

Giữa khu rừng ngập mặn này, suốt 20 năm đánh giặc, bao cô gái tuổi như em bây giờ muốn có một chiếc gương soi cũng khó kiếm, muốn mặc một chiếc áo trắng cũng không được vì phải giữ bí mật cho căn cứ, và nữa, những ngày “đến tháng” phải vất vả lắm mới có được miếng vải màn sợi bông. Rất nhiều cô gái hy sinh trong những trận đánh, rất nhiều cô gái bị cá sấu nuốt chửng trong những đêm tải đạn mà chưa hề biết hơi ấm bàn tay người con trai...

Cần Giờ níu giữ chúng mình hay chính em và tôi không muốn chia xa... Đêm tĩnh lặng, rạo rực kỳ nước lớn, sông rạch mải miết tràn bờ, mải miết đưa phù sa vào từng cánh rừng; đàn khỉ dưới vòm đước hình như không ngủ, lắng nghe tiếng người, rằng, anh ơi, nếu từ phòng ngoài đi vào phòng trong cái nhà nghỉ giữa Khu Du lịch Vàm Sác thì kêu bằng gì?...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Vòm xanh Cần Giờ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO