Trộm... mặt các sao

VŨ LONG| 27/05/2009 05:31

Quảng bá thương hiệu, sản phẩm qua hình ảnh những người nổi tiếng là giải pháp truyền thông hiệu quả. Nhưng đây lại là nỗi khổ của nhiều người mẫu, ca sĩ khi hình ảnh của họ bị đem ra sử dụng vô tội vạ.

Trộm... mặt các sao

Quảng bá thương hiệu, sản phẩm qua hình ảnh những người nổi tiếng là giải pháp truyền thông hiệu quả. Nhưng đây lại là nỗi khổ của nhiều người mẫu, ca sĩ khi hình ảnh của họ bị đem ra sử dụng vô tội vạ.

Khi người mẫu quảng cáo thuốc ngừa thai


Cùng với việc các đơn vị kinh doanh dịch vụ tin nhắn mọc lên như nấm, việc cho đăng quảng cáo “Xem Tăng Thanh Hà thay đồ nè”, “Thủy Top - hình nóng của nàng nè”, “Thùy Linh - Hot 10%”... không còn xa lạ trên các mặt báo. “Khổ chủ” phẫn nộ khi hình ảnh của mình bị khai thác trái phép, thế nhưng không ít nhà đầu tư mạng nhắn tin vẫn “xài” hình ảnh người nổi tiếng để kinh doanh kiếm lời.

Hình ảnh bị ngang nhiên sử dụng trên biển quảng cáo, các sản phẩm... thì nhiều vô kể. Từ ca sĩ cho đến hoa hậu, người mẫu và MC đều có thể trở thành nhân vật quảng cáo không thù lao cho các cửa hiệu cho thuê đồ cưới, cơ sở làm đẹp, hiệu làm tóc hay cửa hàng ăn, thậm chí các hiệu massage.

Có trường hợp người mẫu chỉ hợp đồng chụp mẫu cho một nhãn hiệu để đăng trên các tạp chí, nhưng “đối tác” tiếp tục tận thu bằng cách in hình ảnh người mẫu lên bảng hiệu, catalogue. Lại có những bài báo phỏng vấn nghệ sĩ và lồng ghép câu hỏi về một sản phẩm nào đó, rồi một ngày bài phỏng vấn xuất hiện trên báo như một trang quảng cáo.

Hình ảnh nghệ sĩ còn bị sử dụng để quảng cáo sản phẩm “nhạy cảm”. Người mẫu Kim Tiên đã phải gửi đơn đến Tòa án Nhân dân quận 1, TP.HCM kiện một công ty sử dụng hình ảnh của cô để quảng cáo thuốc ngừa thai mà không có hợp đồng hay thỏa thuận bằng văn bản.

Người mẫu Kim Tiên đã kiện mẫu quảng cáo này


Như Quỳnh - diễn viên của Đoàn Nghệ thuật Quảng Bình, nhân vật trong bức ảnh cô gái với nụ cười tươi và vành nón trắng từng được chọn làm biểu tượng của du lịch VN - đã lên tiếng khi bức ảnh này được in trên vé vào cửa của một số chương trình Festival Huế.

Xuất hiện không đúng lúc, đúng chỗ, nhất là trong những tình huống “dở khóc dở cười” như vậy thì bất kỳ một người bình thường nào cũng chạnh lòng hay xót xa, nói gì đến người của công chúng.

Mất mặt là mất danh

Hình ảnh người nổi tiếng bị sử dụng ngoài ý muốn của họ cũng có thể làm ảnh hưởng tới những hợp đồng quảng cáo, hay những kế hoạch phát triển sự nghiệp. Họ cũng khó “giãi bày” với cơ quan thuế khi hình ảnh họ xuất hiện trên những sản phẩm mà thực ra họ không nhận được bất kỳ một khoản thù lao nào.

Một số người đã cậy nhờ các văn phòng luật sư khi sự vụ xảy ra. Những người tham gia các công ty người mẫu, công ty tổ chức biểu diễn thì quyền lợi được bảo đảm hơn khi ký hợp đồng với đối tác, nhưng nghệ sĩ vẫn có thói quen “tự thân vận động” và không ít người sợ bị “ăn chặn” nên chưa mấy mặn mà với các tổ chức này.

Đã đến lúc cần kiểm soát cả việc đảm bảo thủ tục pháp lý về công tác tổ chức biểu diễn (hợp đồng, thẩm tra thẻ hành nghề, nếu có) để những hoạt động biểu diễn ngày càng chuyên nghiệp và đi vào nề nếp.

Một quảng cáo không nhận được sự cho phép của người trong cuộc


Về phía cá nhân, đơn vị khi có nhu cầu về hình ảnh nghệ sĩ, nếu nghệ sĩ làm việc trong các cơ quan, đoàn thể, thì thay vì mời đơn lẻ từng người, họ có thể ký hợp đồng với các công ty người mẫu hay các công ty tổ chức sự kiện để các đơn vị này “lo liệu” nhân sự. Như vậy người mẫu hay các nghệ sĩ toàn tâm, toàn ý cho công việc và công ty có thể bố trí thay người khi gặp trường hợp bất khả kháng. Như vậy, cả ba bên đều có lợi.

Theo bà Thúy Nga, Giám đốc điều hành Công ty Elite Việt Nam, khi đơn vị nào đó có nhu cầu về người mẫu để chụp ảnh quảng cáo, tổ chức sự kiện..., công ty đều ký hợp đồng nêu rõ công việc, thời gian. Đặc biệt với các hợp đồng về quảng cáo, bao giờ cũng thỏa thuận cụ thể sẽ quảng cáo ở đâu, dưới hình thức nào.

Bà Nga nhấn mạnh, không người mẫu nào thích hình ảnh của mình bị in trên các tờ rơi hay các sản phẩm nhạy cảm. Vì vậy, giá cả hợp đồng để sử dụng hình ảnh trong các trường hợp này tất nhiên phải cao hơn nhiều lần so với các hình thức thông thường.

Bà Nga còn tiết lộ, một số công ty lợi dụng danh nghĩa người mẫu để tổ chức đường dây “sex tour” ra nước ngoài, gây ảnh hưởng xấu đến tên tuổi người mẫu. “Với những người làm nghệ thuật, mất hình ảnh là mất tất cả”, bà Nga chia sẻ.

- Bộ luật Dân sự - Điều 31: “Quyền của cá nhân đối với hình ảnh”:

Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình. Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý. Nghiêm cấm việc sử dụng hình ảnh của người khác mà xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh.

Điều 37: “Danh dự, uy tín, nhân phẩm của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ”.

- Nghị định số 56/2006/NĐ của Chính phủ “Về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hóa - thông tin” - Khoản 4, Điều 49: Người có hành vi dùng danh nghĩa, hình ảnh của tổ chức, cá nhân khác để quảng cáo mà không được phép của tổ chức, cá nhân đó sẽ bị phạt từ 3 - 5 triệu đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Trộm... mặt các sao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO