Tranh bút kim kỳ ảo của Catherine Hendry

LÊ BẢN/DNSGCT| 23/07/2016 06:27

Chỉ với chiếc bút kim và không dùng bất kỳ màu sắc nào nhưng Catherine Hendry đã sáng tạo một thế giới tranh bút kim riêng biệt của cô, tất cả đều tuyệt hảo và không lặp lại.

Tranh bút kim kỳ ảo của Catherine Hendry

Chỉ với chiếc bút kim và không dùng bất kỳ màu sắc nào nhưng Catherine Hendry đã sáng tạo một thế giới tranh bút kim riêng biệt của cô, tất cả đều tuyệt hảo và không lặp lại.

Đọc E-paper

Nữ họa sĩ 26 tuổi người Úc hiện có một gia tài hàng triệu USD nhờ bán tranh khắp thế giới. Trong số những khách hàng của cô có nhiều nhân vật nổi tiếng trong làng showbiz ở Mỹ như Kanye West, David Caruso…

Catherine Hendry vẽ bằng bút kim trên giấy, trung bình để hoàn tất một bức tranh khổ lớn cô phải bỏ ra khoảng 100 giờ đồng hồ. Đề tài trong tranh Catherine Hendry chính là hiện thực cuộc sống, là những đồ vật hiện diện ở khắp nơi, từ các dụng cụ, trang phục thể thao cho tới túi xách hàng hiệu các loại, những chai rượu vang… cũng như các con thú được thể hiện gần với siêu thực.

Cách đây 3 năm, nữ họa sĩ đã quyết định dành trọn thời gian chỉ để phản ánh cuộc sống chung quanh cô lên trang giấy vẽ. Đó cũng là lúc cô rời bỏ công việc kiếm sống tại một cửa hàng thời trang Chanel đồng thời cũng bỏ dở 2 ngành học kiến trúc và tài chính đang theo đuổi, thề sẽ học trở lại nếu như không bán được bức tranh nào trong một năm.

Tranh bán hết trước khi gallery khai mạc triển lãm

Thật ra, nguồn cơn để Catherine đến với nghệ thuật tạo hình là khi một người bạn của cô ở trường đại học khuyến khích cô nên theo đuổi thiên hướng và tài năng đích thực của mình, thay vì cặm cụm lấy 2 bằng đại học ngành nghề mà cô không hề đam mê.

Sinh trưởng ở Brisbane, Catherine lên Sydney lập nghiệp. Để trả tiền thuê nhà và mua thực phẩm hằng ngày, cô đã phải bán cả trang phục của mình qua eBay rồi khởi sự công việc của một họa sĩ. Cô miệt mài vẽ trong nhiều giờ ngày này sang ngày khác, cuối cùng thì từ đôi tay tài hoa và chiếc bút kim những bức tranh cực thực (hyper-realism) kỳ ảo của cô đã ra đời.

Chỉ 2 tháng sau khi thề sẽ đi học lại nếu như thất bại với hội họa, Catherine biết cô sẽ không bao giờ quay lại giảng đường đại học bởi đã bán được những bức tranh đầu tiên trong đời. Đó là những tranh vẽ các loại hàng hiệu thời trang, những chiếc túi xách Louis Vuitton và những khăn choàng Hermès, giày Gucci, nước hoa Chanel No.5…, tất cả được thiết kế độc đáo và sang trọng – những thứ đã định hình nghệ thuật của cô cũng như trở thành một phần tính cách của cô ở cương vị một họa sĩ. Catherine thú nhận: “Tôi không thể cưỡng lại sức quyến rũ của các hàng xa xỉ”.

Nữ họa sĩ đang vẽ chiếc túi thời trang Louis Vuitton

Dù không “kế hoạch hóa” công việc vẽ tranh, cô đã dành 12 - 15 giờ mỗi ngày cho hội họa. Có những tác phẩm buộc cô phải “lao động khổ nhọc” đúng với nghĩa của cụm từ này. Cứ 24 giờ sau khi hoàn tất một tác phẩm, Catherine lại đưa nó lên mạng Instagram và Snapchat, riêng cô thì tự cô lập mình, không xuất hiện cho tới cuộc triển lãm đầu tay được tổ chức tại Sydney cuối năm 2014.

“Instagram đã trở thành một công cụ vĩ đại đối với tôi. Có một số lượng khổng lồ những người xem tranh của tôi và chia sẻ trên Instagram, qua đó tôi có được những hy vọng rất lớn về nghệ thuật của mình”, Catherine cho biết.

Vài ngày trước khi triển lãm của Catherine Hendry khai mạc tại gallery The Cool Hunter ở Sydney, những người tổ chức đã đưa hình ảnh tác phẩm lên Instagram. Thật kinh ngạc khi mà chỉ vài giờ sau đó, gallery đã nhận được hơn 50 yêu cầu của các khách hàng quốc tế muốn được mua tranh. Gallery tiếp tục quảng bá triển lãm trên Instagram trong vài ngày sau đó với những tác phẩm khác của nữ họa sĩ. Kết quả thật ngoài sức tưởng tượng: toàn bộ số tranh được bán trước khi triển lãm khai mạc!

Có thể kể: loạt tranh vẽ những chiếc túi thời trang hàng hiệu (có giá lên đến hàng chục ngàn USD) được bán sạch, bức tranh vẽ đôi găng boxing được bán cho một nhà sưu tập ở Ả Rập Saudi, bức vẽ trái bóng Nike được một khách hàng ở London mua, bức vẽ quả bóng rổ được bán cho một ông chủ của Công ty Apple ở San Francisco… Và một bức đã được ngôi sao nhạc rap Kanye West sở hữu.

Bức tranh Catherine Hendry vẽ đôi găng boxing đã được bán cho một nhà sưu tập ở Ả Rập Saudi

The Cool Hunter còn thực hiện một số triển lãm tranh Catherine Hendry qua mạng Instagram như vậy và có tới 90% số tranh được giao dịch ngay trên mạng, không cần trưng bày tại gallery. Nữ họa sĩ còn vẽ loạt tranh về những quân bài tây gồm 54 bức, toàn bộ số tranh này được bán hết chỉ trong vòng 5 ngày sau khi được “rao” trên Instagram!

“50 món ăn trong 50 ngày”

Để có cuộc triển lãm với tên gọi “50 món ăn trong 50 ngày”, được tổ chức không phải ở một gallery nổi tiếng mà tại một cửa hàng thực phẩm ở Melbourne (từ 28/3 đến 12/4/2015).

Trước đó Catherine Hendry đã đưa ra câu hỏi có ý nghĩa triết học: “Bạn sẽ chọn món gì để ăn vào ngày cuối cùng của đời mình?” và nhận được câu trả lời từ nhiều người đang sống những ngày cuối đời (trong bệnh viện). Những câu trả lời đó chính là cảm hứng để cô vẽ loạt tranh “50 món ăn trong 50 ngày”. Nữ họa sĩ cũng tự giam mình trong phòng suốt 50 ngày để vẽ tranh, mỗi ngày một bức. Cứ sau khi hoàn thành bức nào cô lại đưa lên mạng xã hội bức ấy như bằng chứng về công việc sáng tác của mình.

Năm mươi bức tranh thể hiện các món ăn từ sang trọng tới bình thường mỗi ngày, chẳng hạn: hàu, bạch tuộc, cá, tôm, cua, bắp, cà rốt, lê… song điểm đặc biệt là chúng được dọn trên những chiếc đĩa Hermès có thiết kế tuyệt đẹp. Toàn bộ số tranh được bán hết, với giá mỗi bức lên đến 8.800 USD, có nhiều người chậm chân nên không mua được bức nào. Tính ra, chỉ riêng triển lãm này doanh thu đã lên đến gần nửa triệu USD!

Bức bạch tuộc trong triển lãm “50 món ăn trong 50 ngày” khiến tác giả tốn nhiều công sức nhất
Bức vẽ món cua

Còn trước đó, trong năm đầu tiên của sự nghiệp hội họa, Catherine Hendry đã bỏ túi khoảng 1 triệu USD và có tác phẩm của cô được mua với giá 50.000 USD. Trong thành công của nữ họa sĩ, có sự đóng góp không nhỏ của Bill Tikos - blogger và là người sáng lập gallery The Cool Hunter, cũng là người đã quảng bá rộng rãi tác phẩm của cô trên mạng.

Nói về cuộc triển lãm “50 món ăn trong 50 ngày”, Bill Tikos cho biết: “Có một ngày 20 bức đã được mua trước khi Catherine vẽ chúng! Trong số tranh đã được bán hết, có 14 bức bay sang Hong Kong, 4 bức tới Singapore và số còn lại sang Mỹ, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Anh và cả ở Úc”.

Một góc phòng tranh của Catherine Hendry tại gallery The Cool Hunter

Lại phải nói tới sức mạnh của mạng xã hội Instagram đối với thành công của Catherine Hendry: nếu cô có tới gần 200.000 người theo dõi trên Instagram thì Bill Tikos có tới khoảng nửa triệu. Có thể khẳng định rằng, tác phẩm của Catherine Hendry có được một lượng công chúng quan tâm lớn hơn bất kỳ họa sĩ nào bày tranh ở các gallery trên thế giới.

>Anthony Brunelli vẽ Hà Nội

>Tác phẩm nghệ thuật bị đánh cắp: Châu không về Hợp phố

>Brexit và thị trường tác phẩm mỹ thuật

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tranh bút kim kỳ ảo của Catherine Hendry
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO