Thời của... ma cà rồng

QUÝ AN| 03/09/2010 04:15

Nằm trong số những đề tài muôn thuở của Hollywood, cùng với người ngoài hành tinh, thây ma, người sói..., ma cà rồng là “tình yêu không thể chết” đối với cả giới làm phim lẫn khán giả.

Thời của... ma cà rồng

Nằm trong số những đề tài muôn thuở của Hollywood, cùng với người ngoài hành tinh, thây ma, người sói..., ma cà rồng là “tình yêu không thể chết” đối với cả giới làm phim lẫn khán giả.

Cỗ máy in tiền

Chưa bao giờ thật sự biến mất khỏi màn ảnh, nhưng hiện nay mới chính là thời điểm những sinh vật hút máu này trỗi dậy trong phim ảnh mạnh hơn bao giờ hết. Hình ảnh ma cà rồng chiếm lĩnh màn ảnh rộng, khuấy đảo màn ảnh nhỏ, chễm chệ trên các kệ sách và càn quét các thị trường từ quần áo, đồ trang sức cho đến video game...

Cảnh trong phim True Blood

Công lớn nhất trong việc hồi sinh mạnh mẽ cơn sốt ma cà rồng chính là bộ phim Twilight (Chạng vạng) chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Stephenie Meyer. Chưa đến hai năm kể từ khi được trình chiếu, bộ phim ma này đã đem về cho Hollywood khoảng 7 tỷ USD, theo ước tính của tờ Hollywood Reporter, chiếm xấp xỉ 3% tổng doanh thu từ bán vé xem các bộ phim của kinh đô điện ảnh trên toàn thế giới.

Chỉ tính riêng “ông vua” Twilight (gồm cả ba phần ra mắt liên tục trong các năm 2008, 2009 và 2010) đã có tổng doanh thu phòng vé toàn cầu lên đến 1,76 tỷ USD. Nếu tính thêm hơn 300 triệu USD tiền bán DVD hai phần đầu tiên cùng 50 triệu USD của phần nhạc phim, con số tổng cộng mà loạt phim Twilight kiếm được vượt xa 2 tỷ USD.

Lần lượt vào tháng 11/2011 và 11/2012, hai phần phim của tập 4 Breaking Dawn (Hừng đông) sẽ được trình chiếu và hứa hẹn thu thêm 1,7 tỷ USD nữa cho “ông vua” này.

Phim truyền hình cũng không kém cạnh với hai loạt phim Vampire Diaries True Blood. Đo lường giá trị của một bộ phim truyền hình không phải dễ, nhưng phim càng kéo dài nhiều mùa chiếu, tiền chảy vào túi các nhà sản xuất rõ ràng càng nhiều hơn.

Trường hợp tồn tại đến bảy mùa chiếu của True Blood - tác phẩm thành công nhất của HBO kể từ loạt phim The Sopranos, đã giúp HBO thu về 50 - 70 triệu USD tiền bán bản quyền trong và ngoài nước Mỹ. Nếu tính trên thị trường DVD, True Blood vàVampire Diaries đã bán được hàng triệu bản với doanh thu khoảng 200 triệu USD.

Một khi phim ăn khách thì sách về ma cà rồng cũng bội thu. Bộ tứ Twilight của nhà văn nữ Stephanie Meyer đã bán được 100 triệu bản, vượt qua doanh số của nữ hoàng dòng truyện ma cà rồng Anne Rice, người đã sáng tác 12 tiểu thuyết về ma cà rồng, bắt đầu bằng Interview with the Vampire (tạm dịch: “Cuộc phỏng vấn với ma cà rồng”) xuất bản năm 1976.

Còn Southern Vampire, loạt tiểu thuyết được chuyển thể thành True Blood, của nhà văn Harris cũng bán được chừng 8 triệu bản kể từ khi ra mắt năm 2001.

Chưa dừng ở đó, các nhà xuất bản còn đánh tiếng sẽ cho ra lò nhiều tiểu thuyết về ma cà rồng trong thời gian tới. Rõ ràng, 1,6 tỷ USD doanh thu từ thể loại tiểu thuyết này là động lực mạnh mẽ cho cả người viết lẫn người bán sách.

“Người hóa” ma cà rồng

Bắt nguồn từ những huyền thoại cổ xưa và hai tiểu thuyết nổi tiếng ra đời trong thế kỷ XIX: The Vampire của John Polidori (1819) và Dracula (1897), ma cà rồng đã trở thành một thế lực bất tử tại Hollywood.

Giải thích tình cảm đặc biệt mà công chúng dành cho ma cà rồng, William Patrick Day, giáo sư điện ảnh tại Trường Cao đẳng Oberlin và cũng là tác giả quyển Vampire legends in contemporary American culture: What becomes a legend most (tạm dịch: “Những huyền thoại ma cà rồng trong văn hóa đương đại Mỹ”), nói: “Ma cà rồng nguy hiểm, quyến rũ, quyền lực và hơn hết chúng sở hữu điều mà con người luôn mong muốn: sự bất tử”.

Yêu mến ma cà rồng nhưng công chúng ngày nay rất kén nhân vật. Hình mẫu ma cà rồng khát máu và hoàn toàn vô nhân tính như Dracula trong bộ phim kinh điển cùng tên chiếu năm 1931 không còn được ưa chuộng nữa. Thay vào đó, Hollywood đang “người hóa” ma cà rồng với những nhân vật có tâm lý, tình cảm phức tạp gần giống con người.

Đặc biệt, những con ma cà rồng này chỉ hút máu động vật (như chàng Edward Cullen trong Twilight) hay “uống tạm” true blood, một loại máu nhân tạo thay thế cho máu người (như Bill Compton trong True Blood).

“Từ một sinh vật huyền bí đơn giản ra đời trong văn học cổ xưa, bạn có thể tạo nên một câu chuyện hoàn toàn mới với đầy đủ các yếu tố: lãng mạn, kinh dị, hành động, hiệu ứng đặc biệt, sex, tình yêu vĩnh cửu và đỉnh điểm là một anh hùng hoàn hảo sẽ từ bỏ tất cả nếu phải tận hưởng sự bất tử một cách cô độc”, nhà văn đồng thời là nhà sản xuất loạt phim truyền hình The Vampire Diaries Julie Plec lý giải sức hút của ma cà rồng.

Ma cà rồng ung dung tự tại du hành từ sự lãng mạn đến rùng rợn, thoải mái bàn luận về chính trị hoặc thể hiện khiếu hài hước. Sự biến hóa của sinh vật đặc biệt này là vô cùng vô tận, do đó đối tượng khán giả tiềm năng là... tất cả mọi người.

Giờ đây nhiều người đang trông chờ phần tiếp theo của Twilight, trong khi bộ phim kinh phí thấp nhái theo Twilight mang tên Vampires Suck đã “ẵm gọn” 20 triệu USD chỉ trong sáu ngày đầu công chiếu. Khán giả màn ảnh nhỏ thì sôi sục chờ đến ngày 12/9, ngày bắt đầu mùa chiếu mới của True Blood.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thời của... ma cà rồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO