Thiên thiên: Bi kịch lạc quan của những tha nhân

HOÀNG LINH LAN| 20/02/2014 08:55

Không kể lại một câu chuyện mà là một chuỗi những câu chuyện được kết nối bằng sợi dây mỏng manh nhưng bền chắc...

Thiên thiên: Bi kịch lạc quan của những tha nhân

Không kể lại một câu chuyện mà là một chuỗi những câu chuyện được kết nối bằng sợi dây mỏng manh nhưng bền chắc, Thiên Thiên, người đàn bà sau biến cố đời mình, làm công việc miễn phí lạ lùng giữa dòng đời toan tính, bận rộn: vừa lắng nghe cảm xúc, những bí mật, những giọt nước mắt, những tiếng rên siết..., vừa gấp những con hạc giấy thể hiện ước mơ, hạnh phúc.

Đọc E-paper

Tìm lại ước mơ, hạnh phúc qua những cánh hạc

Về soi bóng mình

>Cười no với Oan tình ai thấu
>Xem kịch, thấy đời
>
Xem “Gương mặt kẻ khác”, nghĩ về gương mặt mình

Vở kịch mở ra với những tấm liếp sáng, tiếng đàn piano dìu dặt của một người đàn bà trí thức xinh đẹp. Gã trai trẻ say rượu mặc áo xanh bước vào.

Một cuộc cưỡng hiếp được sắp đặt. Người chồng trở về. Lồng lộn. Những lời xỉ vả xen lẫn tiếng khóc rấm rứt, đớn đau của người vợ, lời cầu xin của gã thanh niên.

Cuộc điện thoại trả vợ về nhà má ruột xen lẫn tiếng rên rỉ uất ức. Cảnh thứ nhất khép lại trong tiếng còi hụ của xe cứu thương, nhập nhoạng sáng tối. Tất cả chưa quá 10 phút.

Lời bàn tán xôn xao của những người hàng xóm. Họ tò mò về ngôi nhà kỳ lạ của người đàn bà có cái tên nghe như ở cõi trên - Thiên Thiên - lúc nào cũng tấp nập người đủ mọi lứa tuổi lui tới, văng vẳng tiếng khóc, tiếng rên siết. Những con người mà nếu như tình cờ đi ngang qua nhau cũng lấm lét bước, thường trực lo sợ người khác phát hiện ra con-người-thật với những giằng xé đang chiếm hữu.

Đó là người đàn ông lắm chức, lắm quyền thường trực mặc cảm tội lỗi, dư thừa sự kiêu hãnh, luôn lo sợ người thân phát hiện ra "tâm hồn rách nát" của bản thân. Đó là đứa trẻ mồ côi tình cảm, có khát khao thật giản đơn "khóc cho người lớn nghe" nhưng bơ vơ, trơ trọi nên lồng lộn tìm đến cái chết "tại sướng quá, tại giàu quá, tại cái gì cũng có mà cái cần lại không có” hòng níu kéo một chút quan tâm của người lớn dù thực sự em rất sợ chết.

Đó là người đàn bà hì hụi kiếm tiền nhưng chưa bao giờ thấy đủ; yêu tiền đến độ xem tiền là niềm vui, là hạnh phúc, là khoái cảm: "Tim có hai ngăn, một ngăn chứa tiền, một ngăn chứa tình, ngăn chứa tiền luôn lớn hơn ngăn chứa tình, thậm chí nuốt luôn ngăn chứa tình"; cô độc đến nỗi chỉ còn làm bạn với tiền song luôn sợ phải trả tiền cho những nhu cầu thiết yếu, kể cả một ly nước.

Đó là cô gái giàu nghị lực và bản lĩnh, có nỗi khát khao hơi ấm cốt nhục song hành nỗi ám ảnh cái chết vì đói nghèo của mẹ do người cha "sở khanh" ham mê nhung lụa; dằn vặt giữa tình thương và lòng kiêu hãnh. Đó là anh chàng ba hoa tự đổi tên từ Trần Luân thành Trầm Luân, hào sảng nói về cái nghề "làm thân, săn đón người nổi tiếng", luôn thắc thỏm lo sợ người khác vượt lên hoặc hơn mình, rồi cay đắng nhận ra "mất lòng tin về giá trị của mình".

Đó là lão chủ giàu có, quyền thế, hách dịch, không bao giờ chấp nhận mình sai, để lạc cái phong bì có bốn trăm đô la trong đó, đinh ninh cô giúp việc thuổng mất, gây nên cái chết của bà ngoại cô; trong khi cô gái nghèo trước sau như một khước từ mọi đề nghị vật chất từ ông chủ, khẳng định phẩm giá của bản thân.

Đó là người đàn bà tâm hồn giàu có, rất mực yêu và tin lời người chồng trăng hoa lừa dối - chống chán bằng cách viết hết những cái tên, những câu Kiều rồi làm toán mỗi khi xoa lưng dỗ chồng dễ ngủ từ đêm này qua đêm khác - nhưng lại bị chồng xem như "một cái máy đẻ, một ôsin tận trung". Cay đắng, ghê tởm, tuyệt vọng, người đàn bà toan tìm đến cái chết và được Thiên Thiên níu giữ: "Khi ta tuyệt vọng, hãy nghĩ đến những người đang hy vọng về ta".

Rưng rưng cảm xúc...

Bảy nhân vật nói với Thiên Thiên cũng chính là đang đối thoại với phần người khác trong họ. Chắc chắn, sau lần chuyện trò đó, có một cái gì đã biến đổi, cho nhân vật, cho Thiên Thiên và cho cả người xem.

Bảy câu chuyện không kể lể dông dài mà chọn điểm rơi ở những bước ngoặt khiến lương tri, thiện tâm trong mỗi người trỗi dậy. Mỗi khi nhân vật mới xuất hiện và bắt đầu câu chuyện, họ mở một tấm liếp trên sân khấu, sáng trưng như thể mở ra góc tối trong tâm hồn họ. Để khi câu chuyện kết thúc, tấm liếp đó bằng cách này hay cách khác khép lại, chờ hồi kết qua sợi dây mong manh: tìm lại bản thể hồn nhiên trong con người mình dù muộn màng.

Soi mình vào đấy, Thiên Thiên vừa đồng cảm trước những bất hạnh, mất mát, tổn thương, vừa khinh bỉ cái xấu, cái ác, nhưng trên hết là thương xót cho những thân phận. Câu chuyện thứ tám, chuyện của Thiên Thiên, cái chốt khơi mở và cũng là điểm nút kết thúc.

Đặc biệt, câu chuyện tê tái thứ bảy góp phần quan trọng đẩy vở kịch đến cao trào, hé lộ bí mật và nỗi đau của Thiên Thiên: "Kiểm soát được đầu óc của tha nhân là chuyện khó vô cùng".

Hiền - chàng lái xe tội lỗi hiện thực hóa âm mưu của chủ - đề nghị tìm lại sự công bằng cho chị. Bị sự vị tha trong chị chinh phục, Hiền cảm phục và giúp Thiên Thiên lấy lại can đảm đối mặt với chiếc hộp của quá khứ, thoát khỏi ám ảnh "Ta không đề phòng được người yêu/ Cây đổ về nơi không vết rìu" (Tự thú - Hữu Thỉnh, Việt Linh làm gọn lại).

Vở kịch khép lại bằng một cảnh giàu ước lệ: bệnh-viện-tâm-hồn với muôn vàn cánh hạc giấy hạnh phúc từ trời đáp xuống những-phận-người. Vẳng tiếng của Hiền: "Nếu nước mắt dập tắt được đám cháy thì nhân gian đâu còn ai phải khổ đau. Nhưng nếu nước mắt được lau khô thì biết lấy ai để sẻ chia?". Chỉ là, liệu người ta có đủ mạnh mẽ để vượt qua quá khứ đớn đau, có đủ kiên nhẫn để lắng nghe nhau, có đủ yêu thương để mở rộng lòng tha thứ?

Phải thừa nhận, đạo diễn Việt Linh đã rất khéo léo trong việc sắp xếp, dẫn dắt một cách chi tiết những bi kịch nhỏ trong một bi kịch lớn: xã hội càng văn minh, càng phát triển, đời sống vật chất càng đủ đầy, tâm hồn người ta càng trở nên thiếu thốn tình thương, sự cảm thông, chia sẻ.

Người ta nháo nhào, cuồng quay trong những mối quan hệ, những cuộc xã giao, những lời khen tặng đầu môi chót lưỡi; kèn cựa, khinh bỉ; những khát khao ẩn giấu, khoác lên mình những chiếc mặt nạ.

Đến một lúc nào đó, người ta giật mình: bủa vây quanh họ không còn gì khác ngoài thừa mứa danh vọng, tiền tài và cô đơn đỉnh điểm. Người ta vừa khát khao có một ai đó hiểu mình, lại vừa sợ hãi phải để lộ những khoảng tối ẩn sâu trong con người mình.

Và họ tìm thấy ở Thiên Thiên sự kiệm lời, an toàn, tin tưởng, chân thành. Một con người sâu sắc thấu hiểu để họ tuôn trào, đánh thức phần người hiếm hoi còn lại trong họ chứ không khuyên bảo sáo rỗng.

Thoại kịch chắt lọc, cô đọng, phù hợp với hoàn cảnh sống của nhân vật, không cao siêu nhưng đủ để người xem đắm đuối, chiêm nghiệm vở diễn đậm dấu ấn của một Việt Linh từng trải, ưa nghĩ suy. Kết hợp phần dàn dựng tối giản nhưng đầy dụng ý của đạo diễn Phạm Hoàng Nam, Thiên Thiên đúng như cam kết của Việt Linh: "Không kể một câu chuyện, mà mang đến những cảm xúc".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thiên thiên: Bi kịch lạc quan của những tha nhân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO