Thẹn thùng tranh nude

BÍCH HỒNG| 26/08/2010 05:59

Nghệ thuật nude luôn là đề tài nhạy cảm, nhạy cảm với họa sĩ, với nhà quản lý và với công chúng, nên nó chưa bao giờ có cơ hội để phát triển thật sự.

Thẹn thùng tranh nude

Nghệ thuật nude luôn là đề tài nhạy cảm, nhạy cảm với họa sĩ, với nhà quản lý và với công chúng, nên nó chưa bao giờ có cơ hội để phát triển thật sự.

Mỹ cảm yếu ớt, nhục cảm dư thừa

Đầu thập niên 1930, tại Hà Nội, họa sĩ Lê Phổ bắt đầu vẽ nude, trong đó, bức Khỏa thân vẽ người mẫu Tây phương được một số nhà nghiên cứu mỹ thuật của Pháp đánh giá cao. Đây được coi là tác phẩm hội họa nude hiện đại đầu tiên của Việt Nam.

Tháng 10/2004, bức Khỏa thân được Hãng Đấu giá Sotheby’s bán với giá 98.823 đô la tại Singapore. Kể từ đó đã 70 năm trôi qua, nghệ thuật nude chưa bao giờ tách khỏi hoạt động của hội họa Việt Nam, với những khởi đầu vẽ nude trong môn hình thể học ở Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội và được tiếp tục sau đó bằng dòng chảy chìm lấp trong sáng tác riêng của từng nghệ sĩ.

Họa sĩ Vũ Dương, Chủ tịch Chi hội Mỹ thuật Nam Trung bộ và Tây Nguyên, nhận xét: “Họa sĩ nào cũng muốn thử thách mình ở lĩnh vực này, nhưng thành công thì rất ít, khó chinh phục công chúng lắm”.

Bảy mươi năm kể từ khi bức Khỏa thân của họa sĩ Lê Phổ ra đời, đến nay ở Việt Nam chưa xuất hiện một triển lãm hội họa nghệ thuật nude nào, thảng hoặc đâu đó một, hai tác phẩm để lẫn trong một triển lãm lớn, và cũng phải úp úp mở mở thì mới được phép treo. Với thực tế này có lẽ chúng ta sẽ tò mò tự hỏi rút cục trường phái nghệ thuật hội họa nude Việt Nam sẽ để lại cho tương lai những di sản gì?

Sau rất nhiều “thập thò”, cuối cùng tháng 1/2010, cuốn Tranh tượng khỏa thân của NXB Văn hóa Thông tin ấn hành đã trình làng, gần như để thăm dò phản ứng của xã hội, là cuốn sách giới thiệu những tác phẩm mỹ thuật lần đầu tiên ra mắt theo dạng chuyên đề nude. Đó là 152 tác phẩm bao gồm tranh bằng nhiều chất liệu, tượng nhiều kích cỡ, là các tác phẩm tiêu biểu của những tên tuổi vững vàng của hội họa Việt Nam.

Cuốn sách bán chạy, nhưng chưa đủ để quyết định tái bản, phản ứng của xã hội cũng chỉ có vậy, không có dư luận đặc biệt. Và khi thử thưởng thức những tác phẩm theo trường phái nude trong cuốn sách này, có cảm giác lâu nay giới sáng tác đổ tiếng oan “bảo thủ” cho công chúng, vì vấn đề ở đây là chất lượng nghệ thuật của tác phẩm, chứ không phải đề tài nhạy cảm.

Rất nhiều trong số tác phẩm được gọi là tiêu biểu này gây thất vọng khi họa sĩ chỉ phản ảnh được cái đẹp của nhục cảm, chứ không thấy rõ được sự sáng tạo của nghệ thuật. Có người còn nói, thật sự khi xem các tác phẩm này, họ chỉ thấy đó là hình ảnh khỏa thân chứ có thấy truyền cảm nghệ thuật gì đâu.

Một số họa sĩ lý giải, sở dĩ chúng ta chưa có tác phẩm giá trị là bởi vẽ nude cần sự giao thoa của khá nhiều yếu tố không phải dễ có được: khung cảnh phải yên tĩnh hàng tháng trời, tìm người mẫu ăn ý, và cái khó nhất là cảm hứng thăng hoa của nghệ sĩ, rồi sự đầu tư lâu dài của tác giả, sự chia sẻ của môi trường nghệ thuật.

Dầu sao năm 2010 chúng ta cũng thấy có những hoạt động khác nhằm khuyến khích công chúng thưởng thức nghệ thuật nude. Một trong số đó là sự ra mắt những tác phẩm thuộc trường phái body art hoặc body painting, sử dụng vẻ đẹp cơ thể phụ nữ làm nền để sáng tác của họa sĩ Ngô Lực.

Tháng 5/2010, tại Festival Thủy sản Việt Nam, họa sĩ Ngô Lực còn cùng 32 người mẫu trình diễn một đêm nghệ thuật body painting nude trên đường phố. Rất tiếc là tinh thần tiên phong trong nghệ thuật này cũng nhận được nhiều ý kiến trái chiều, chủ yếu nhận xét là chưa phải nghệ thuật, chứ không chê bai loại hình body painting.

Có nghĩa là để có sự cởi mở thật sự trong thưởng thức các loại hình mỹ thuật liên quan đến nude, người khởi xướng vẫn là các họa sĩ tích cực đưa ra công chúng những tác phẩm thật sự có chất lượng.

Phải “thoát tục” để đến với công chúng

Thập niên 90 tại Hà Nội và TP.HCM từng rộ lên chuyện sưu tập tranh nude. Các tác phẩm của các họa sĩ vẽ nude nổi tiếng như Lucian Freud, Picasso, Giorgione đã được các sinh viên mỹ thuật chép và đưa ra gallery tiêu thụ rầm rộ. Cũng có những người cầu kỳ hơn, đặt hàng các họa sĩ vẽ nude.

Cả hai phong cách sưu tập nhanh chóng xẹp xuống vì tranh chép nhan nhản khắp nơi. Còn tranh đặt hàng dĩ nhiên càng mau chán hơn, vì đã gọi là đặt hàng thì tính nghệ thuật không có bao nhiêu, nên treo một thời gian ngắn là... hạ!

Tuy nhiên, không dễ có cơ hội thưởng thức một tác phẩm nghệ thuật hội họa nude đúng nghĩa. Tại nhà của hai nhà văn, nhà thơ nổi tiếng xứ Huế có treo rất nhiều tác phẩm của họa sĩ Bửu Chỉ, trong đó có một bức nữ chủ nhân đã phải đưa vào bức tường trong phòng riêng, rồi chị còn cẩn thận dùng bìa các-tông bọc lại.

Người quen biết gia đình bảo, đó là một bức nude rất đẹp, không được chiêm ngưỡng thì thật tiếc. Ngoài ra, họa sĩ Bửu Chỉ còn có những bức vẽ nude khác cũng tuyệt đẹp, thể hiện một tâm hồn sáng tạo thanh khiết và nồng cháy, chẳng hạn như bức Khỏa thân trăng tròn.

Các tác phẩm nude của họa sĩ Bửu Chỉ cho thấy sự sang trọng trong thể hiện mỹ cảm hòa với tính dục, những gam màu nhiều tính triết lý ông sử dụng đã mang lại thành công cho vài bức vẽ. Tiếc thay, bức nude bị bọc lại kia cũng cùng chung số phận với trường phái nghệ thuật này: chưa có công chúng rộng rãi.

Thưởng thức nghệ thuật trường phái nào là tùy ở công chúng. Nghệ thuật hội họa nude không thể có công chúng rộng rãi có thể là yếu tố tâm lý tác động, ngăn cản các họa sĩ đi vào khám phá. Nhưng để tránh lặp lại một trào lưu chơi tranh nude kiểu những năm 90 thế kỷ trước, công chúng cần được chuẩn bị để dấn thân vào hưởng thụ, chứ không phải chỉ “ghé mắt” vì tò mò, làm cho các triển lãm cứ phải “thậm thụt” và họa sĩ giống như kẻ có đầu óc không bình thường.

Những tác phẩm không thoát tục, đơn thuần chỉ mô tả những cô gái có ba vòng chuẩn rõ ràng đã làm cho công chúng từ chỗ chưa thông cảm lại càng tỏ ra dè dặt, khắt khe hơn với chúng. Mà rõ ràng ở những bức tranh đó, người ta thấy nhục cảm đã lấn át hoàn toàn những mỹ cảm yếu ớt.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thẹn thùng tranh nude
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO