Thèm một cú sốc văn chương

HỒNG BÍCH| 16/10/2014 04:30

Hình như quá lâu rồi, văn học Việt không còn tạo nên bút chiến, kể từ khi Nguyễn Huy Thiệp tạo "sóng" với những truyện ngắn đỉnh cao như: Tướng về hưu, Kiếm sắc, Chảy đi sông ơi..., hay Bến không chồng của nhà văn Dương Hướng, Mảnh đất lắm người nhiều ma của Nguyễn Khắc Trường, Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh.

Thèm một cú sốc văn chương

Hình như quá lâu rồi, văn học Việt không còn tạo nên bút chiến, kể từ khi Nguyễn Huy Thiệp tạo "sóng" với những truyện ngắn đỉnh cao như: Tướng về hưu, Kiếm sắc, Chảy đi sông ơi..., hay Bến không chồng của nhà văn Dương Hướng, Mảnh đất lắm người nhiều ma của Nguyễn Khắc Trường, Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh.

Những cuộc bút chiến của các nhà lý luận và phê bình văn học thời kỳ đó cũng chỉ làm cho giá trị các tác phẩm thời đổi mới ấy thêm vững vàng trong văn học Việt Nam. Bởi từ đó đến nay hầu như không có tác phẩm nào có thể làm cho đông đảo người Việt quan tâm sâu sắc đến văn học như thế!

Không có tác phẩm nào ảnh hưởng đến hàng loạt các cây viết trẻ như Nguyễn Huy Thiệp từng làm được. Có những người từng phân vân ngã rẽ, nhưng rồi vì ảnh hưởng của thời văn học đổi mới thập niên 1990 mà cầm bút lao vào.

Có những giai đoạn các cây bút nữ như: Nguyễn Ngọc Tư (Cánh đồng bất tận), Đỗ Hoàng Diệu (Bóng đè), Thuận (China, Made in Vietnam, Thang máy Sài Gòn) cũng rất nổi tiếng, sách tái bản cũng nhiều, nhưng để làm nên một đời sống văn học phong phú, nhiều bản sắc tiếp theo thì các cây bút này vẫn cô đơn, trơ trọi, không làm nên nổi một trào lưu gì cụ thể với văn chương, một xu thế mới chẳng hạn. Bởi vậy mà những người theo dõi văn học lúc nào cũng thấy khát, cơn khát thèm một cú sốc văn chương sẽ đến!

Mới đây, cuốn tiểu thuyết Mình và họ của nhà văn Nguyễn Bình Phương, xuất bản trong tháng 9 (NXN Trẻ), đã được hai tên tuổi "có trọng lượng" trong làng văn giới thiệu: nhà văn Bảo Ninh và nhà dịch thuật Cao Việt Dũng.

Với hai lời giới thiệu đó, nhiều người đã đặt kỳ vọng vào cuốn sách viết về miền biên ải Việt - Trung, về cuộc sống xoay chuyển chậm đến nỗi ở đồng bằng người ta đã quên đi một cuộc chiến nào đó, thì người miền núi vẫn đang sống, đang đối diện. Cuốn sách cũng đề cập cuộc chiến năm 1979 - 1988 ở biên giới phía Bắc, tuy đây không phải là chủ đề bao trùm không gian tiểu thuyết.

Nhìn nhận Nguyễn Bình Phương hoạt động như một nhà văn chuyên nghiệp, sách anh ra đều đặn, một vài năm lại ra sách mới nhưng cuốn tiểu thuyết mới, được truyền thông chú ý kia cũng không làm nên "ngọn sóng" cho văn học.

Tác giả viết về một chuyến đi, phác họa lại một vùng đất, con người, đã cố gắng tìm kiếm những nhân vật kỳ lạ, nhưng sao cảm giác về một chuyến "phượt" văn chương rất rõ nét.

"Phượt" thì bao giờ cũng là một chuyến đi vụt qua, chỉ mạnh về chi tiết nhưng không thể là bản chất cuộc sống, nên vài trăm trang sách mà các nhân vật vẫn không có đường nét, không nổi bật trong tiềm thức độc giả, dù rằng hiểu chuyến đi là nhân vật sống, có cuộc sống rõ ràng, sôi nổi, lúc về chỉ là sự tồn tại của linh hồn.

Không thể lấy đề tài "nhạy cảm" về cuộc sống biên giới Việt - Trung làm nên giá trị của một cuốn sách, người đọc cần một cái nhìn thật mới về sự kiện đó, một tư tưởng đã nhận được độ lùi của thời gian để chín muồi...

Lâu quá, chúng ta vẫn thèm một cú sốc văn chương! Để người viết thì muốn cầm lại bút, người đọc thì phải đọc, phải đi tìm ngay bạn bè mà ồn ào giới thiệu với một nỗi mừng vui chân thành mà văn chương thỉnh thoảng lại tặng cho con người.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thèm một cú sốc văn chương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO