Sến: khó lắm!

NS QUỐC BẢO/DNSGCT| 08/10/2013 04:07

Viết nhạc sến, hát nhạc sến khó lắm.

Sến: khó lắm!

Viết nhạc sến, hát nhạc sến khó lắm. Tôi không làm nổi. Trong và ngoài giới văn nghệ lâu nay luôn có sự kỳ thị lộ liễu hoặc kín đáo nhắm vào nhạc sến, xem đó là thứ nhạc cấp thấp, dành cho đối tượng ít hiểu biết, trình độ thưởng thức bình dân. Ngược với sến, là sang. Những người chê bai, bỉ bôi nhạc sến tự xếp mình vào tầng lớp sang.

Đọc E-paper

Vy Thảo: đĩa nhạc Tàu đêm năm cũ từng bị thu hồi vì trong đó có một ca khúc boléro sáng tác trước 1975 chưa được phép lưu hành

>Nhạc “sến” trở mình
>Phòng trà ca nhạc – Giai điệu của Sài Gòn về đêm
>
Thị trường ca nhạc TP. HCM: Phai hương, nhạt sắc
>The Voice Kids: đâu cần quá khích
>
Giọng hát Việt nhí bơi trong thử thách
>Đường dài cho "Giọng hát Việt"

Sang thì nghe gì, thích gì? Họ thích jazz, bán cổ điển, các ca khúc mỹ miều với ca từ đẹp đẽ, giai điệu ngọt ngào, hòa âm phong phú. Từ đó sinh ra một trường phái phê bình có thể đặt tên là chống-sến - do những người tự nhận hoặc nghiễm nhiên được phong tặng là sang, là hàn lâm - chủ xướng.

Phê bình là hoạt động cần có trong sinh hoạt nghệ thuật, nhờ có nó mà thế giới phát triển, văn nghệ mỗi ngày mỗi đẹp hơn. Nhưng phê bình không phải là việc làm tay trái của bất kỳ ai, không phải là kiểu nói cho vui chuyện. Phê bình cũng cần học hành, nghiên cứu tử tế và đó không phải là việc của tôi, của bạn, của chúng ta.

Chê nhạc sến, đứng từ trên nhìn xuống một cách vô lối, nhìn mọi sự bằng cặp mắt phân biệt đầy thành kiến, bằng tâm lý bè phái và các lý luận thiếu cơ sở, bằng mọi giá phải đẩy lùi nhạc sến (thật ra là đẩy lùi các sở thích khác mình) thì không hay, không nên chút nào.

Nhất là khi sến, thật đấy, chẳng hề dễ tạo ra. Nếu coi sến đồng nghĩa hoặc xuất phát từ văn hóa bình dân, thì các vị nghe jazz xin hãy nhớ: jazz là nhạc bình dân, nhạc của tầng lớp nô lệ xưa, của những người ít học và không được cơ hội hòa nhập vào thế giới da trắng được xem là trí thức.

Nếu coi sến đồng nghĩa với kể lể sướt mướt, thì xin quý vị nhớ cho rằng các nhạc khúc được trình bày trong một vở ca kịch musical đều sướt mướt kể lể.

Nếu coi sến là màu mè “đóng tuồng”, dùng những tiểu xảo nức nở (khi hát), động tác và trang phục (khi diễn) để thôi miên công chúng, cuốn người nghe người xem vào các tâm lý kịch tính, ám vào họ không rời, tạo ảnh hưởng đến hành vi và tâm lý công chúng, đôi khi uốn nắn cả tâm lý lẫn hành vi, sinh ra một bộ phận khán chúng ảo não, buồn thương, xa rời thực tế và bi quan… thì xin hãy nhớ cho rằng các nhạc phẩm rock (đặc biệt là rock Mỹ) cũng gây nên hiệu ứng như vậy.

Nhạc rock còn… đồi trụy hơn, nếu ta nhìn sự việc thuần bằng con mắt đạo đức, vì đã ru ngủ nhiều thế hệ thanh thiếu niên, cắt họ khỏi thực tại, nuôi dưỡng trong họ những ảo tưởng về một thế giới huyễn hoặc, hoang đường, thúc đẩy xu hướng đập bỏ, phủ nhận thế giới đang có.

Nói rằng sến khó lắm, là có cơ sở. Như các bạn cũng biết, nhạc bolero được viết ra bằng các nguyên liệu tối thiểu.

Dùng một ví dụ trong chuyện làm bếp, thì viết nhạc sến cũng giống như phải nấu một bữa ăn với vài thứ thực phẩm hạn chế, tủ lạnh rỗng và kệ bếp chỏng chơ. Dùng một ví dụ trong chuyện sắp xếp nhà cửa, thì viết nhạc sến hệt như bạn chỉ có một cái tủ duy nhất và phải dùng nó để cất chăn màn, sách vở, chén bát.

Lệ Quyên, Duy Mạnh: là ca sĩ - nhạc sĩ gốc Bắc nhưng họ đã được khán giả dòng nhạc sến đón nhận, đến nay đã phát hành thành công rất nhiều đĩa nhạc sến

Nhạc bolero không dùng các kỹ thuật tác khúc phức tạp như chuyển điệu, chuyển cung, tạo các quãng nhảy xa trong giai điệu, hòa thanh nghịch âm, tiết tấu nhiều biến thể. Nhạc bolero cũng không chủ trương (hoặc không được phép, vì lý do hướng đến sự dễ hiểu cho đại chúng) soạn ca từ triết lý sâu xa nhiều tầng nghĩa.

Vậy là về nhạc, chỉ được viết lòng vòng trong phạm vi một quãng tám rưỡi với tiết tấu quy định của nhạc điệu bolero, không có cấu trúc phức tạp lằng nhằng mà chỉ là hai đoạn đơn nối lại.

Về lời, phải dùng từ đơn giản. Đã eo hẹp như vậy, thì để nói được điều muốn nói (bài hát nào cũng có một thông điệp), thì phải kể lể dài dòng, nội dung câu chuyện phải có mở có kết, không được lửng lơ, không được bỏ ngỏ kết cục cho người thưởng thức suy đoán.

Vậy thì cùng một vấn đề, một câu chuyện, thay vì kể một cách khách quan, trung tính, thì nhạc bolero được kể bằng giọng điệu rền rĩ nỉ non cho người nghe bị cuốn ngay vào trường cảm xúc của câu chuyện đó. Điều này phần nào tương tự cách kể chuyện cổ tích cho trẻ em, phải có giọng điệu trữ tình, biểu cảm.

Kể chuyện Tấm Cám cho đứa bé trước khi nó ngủ phải hoàn toàn khác với kể cho ông giáo sư người nước ngoài. Chọn một cách kể phù hợp và hiệu quả, như nhạc bolero đã và đang làm, lẽ nào là điều xấu, là đáng chê?

Ở các nước có nền âm nhạc kinh viện lâu đời, có truyền thống âm nhạc hàng mấy thế kỷ, người ta vẫn ủng hộ sự đa dạng trong sinh hoạt ca hát. Có nhạc cổ điển trong thính đường nghiêm trang, thì vẫn có nhạc đường phố lê la nhộn nhịp.

Có nhạc êm dịu để nghe phòng khách, vẫn có nhạc hip-hop bê tha tơi tả để cắm tai phone vào mà đi đường nhún nhảy. Có ca kịch cổ điển (opera) mà vẫn có musical (ca kịch đại chúng).

Có những nhà soạn lời văn vẻ cao siêu như Bernie Taupin thì vẫn tồn tại Eminem vừa chỉ trỏ vừa chửi bậy kiểu bình dân. Vậy thì vấn đề tựu trung lại là, làm sao phát huy hết mức tầm ảnh hưởng của một tác phẩm, một dòng nhạc: diễn ở đâu, hát cho ai nghe, diễn như thế nào và bằng các cách nào gây được một vết hằn tâm lý sâu nhất.

Vấn đề đó mới đáng bàn, đáng lưu tâm; và nếu các nhà phê bình chịu khó hơn, thiện chí hơn, thì đó mới là điều cần nghiên cứu. Tìm ra được một hệ thống kỹ năng, kỹ thuật mà những người làm nhạc sến, hát nhạc sến đã sử dụng, thì bổ ích cho cả người… sang lẫn người sến. Bởi nhạc sến, nhạc bolero, khó hơn ta tưởng rất nhiều.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Sến: khó lắm!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO