Quay phim ở nước ngoài: Đắt có xắt ra miếng?

NHƯ THỦY| 19/12/2016 06:38

Trong bối cảnh phim truyền hình dài tập đang gặp khó khăn về doanh thu sau khi phát sóng, việc một số nhà sản xuất chấp nhận tốn kém đưa đoàn làm phim xuất ngoại ghi hình liệu có thật sự hiệu quả?

Quay phim ở nước ngoài: Đắt có xắt ra miếng?

Trong bối cảnh phim truyền hình dài tập đang gặp khó khăn về doanh thu sau khi phát sóng, việc một số nhà sản xuất chấp nhận tốn kém đưa đoàn làm phim xuất ngoại ghi hình liệu có thật sự hiệu quả?

Đọc E-paper

Ekip làm phim truyền hình Mẹ hổ dạy con dâu của M&T Pictures gồm 12 người, trong đó có đạo diễn Nhâm Minh Hiền và một số diễn viên chính, thứ như: Bạch Công Khanh, Huỳnh Trang Nhi, Ly Na Trang, Khánh Hoàng... vừa kết thúc chuyến đi Singapore 5 ngày ghi hình cho một số phân đoạn của phim.

Trước đó không lâu, đoàn làm phim Cali mùa hoa vàng của đạo diễn Xuân Phước (IMC sản xuất) cũng mang tất cả ekip chính sang Mỹ quay phim. Cali mùa hoa vàng kể về cuộc sống của người Việt tại Mỹ, nên gần một nửa bối cảnh phim được thực hiện tại California vì ekip làm phim muốn khán giả có cái nhìn đa dạng và chân thực về đời sống người Việt tại Mỹ.

Bộ phim Đặc vụ ở Ma Cao đang phát sóng trên HTV7 cũng được Công ty Bách Việt Phương Nam "chịu chi" kinh phí cho đạo diễn Nhâm Minh Hiền và một số diễn viên chính, thứ sang Ma Cao 5 ngày để quay những bối cảnh lớn.

Đang phát sóng trên VTV3, phim Tuổi thanh xuân 2 (sản phẩm hợp tác Việt - Hàn) có khá nhiều cảnh quay ở Hàn Quốc, với những địa điểm đẹp ở Seoul như Insadong, Bukchon Hanok, khu vui chơi Everland.

Tốn kém là khó tránh

Việc chọn kịch bản có bối cảnh ở nước ngoài để đầu tư khiến chi phí làm phim cao hơn rất nhiều nhưng là hướng đi nhằm tạo ấn tượng cho khán giả nên các ekip làm phim kể trên chấp nhận tốn kém.

Ví như, chiếm phần lớn trong khoản kinh phí 20 tỷ đồng đầu tư cho phim Bí mật Tam giác vàng (khoảng 500 triệu đồng/tập, cao gấp đôi kinh phí trung bình của một tập phim trên thị trường - NV) là chi phí di chuyển, ăn ở cho đoàn làm phim lên đến 50 người ở nước ngoài trong khoảng thời gian 2 tháng ghi hình.

Bù lại, Bí mật Tam giác vàng thành công ở mặt thu hút khán giả, có nhiều tập rating lên tới hơn 11% - mức cao nhất của năm 2013 và doanh thu quảng cáo rất khá nhờ bối cảnh quay không chỉ tạo nên không khí sống động, chân thực cho chuyện phim liên quan đến các trùm buôn lậu ma túy xuyên biên giới, mà còn gây ấn tượng bởi những khung hình đẹp, hùng vĩ, lạ lẫm của khu vực Tam giác vàng.

Cảnh quay ở nước ngoài của phim Đặc vụ ở Ma Cao

Công ty Bách Việt Phương Nam được xem là khá "liều lĩnh" khi chi hơn 5 tỷ đồng cho 32 tập phim Đặc vụ ở Ma Cao và cho đoàn phim đi quay hình ở nước ngoài, bởi phim truyền hình hiện nay đang gặp khó khăn trong việc thu hồi vốn.

Đạo diễn Nhâm Minh Hiền cho biết: "Chúng tôi đi Ma Cao để thực hiện 40 cảnh quay. Dĩ nhiên, với kinh phí không nhiều thì đoàn phim phải cố gắng sao cho thật gọn nhẹ. Nhờ các nhà sản xuất phim đều có mối quan hệ với đối tác nước ngoài nên họ dự trù chi phí và liên hệ đối tác nhờ hỗ trợ. Đoàn sang Ma Cao chỉ gồm thành phần chủ lực. Khi chúng tôi đến, đối tác cung cấp thêm nhân lực, thiết bị giúp đỡ đoàn".

Không tiết lộ cụ thể, song nhà sản xuất cho biết, rating và hiệu ứng khán giả dành cho Đặc vụ Ma Cao khá khả quan.

Với loạt phim Trở về (3 phần) quay ở Campuchia, Lào, Thái Lan, biên kịch Châu Thổ - Công ty Senafilm cho biết, ở Việt Nam, nhiều bối cảnh đã quá quen thuộc, muốn khác biệt phải ra nước ngoài. Tuy nhiên, Trở về phần 1 quay ở Campuchia tạo được ấn tượng tốt, nhưng phần thứ ba quay ở Thái Lan thì chi phí đắt đỏ hơn, nên như nhà sản xuất chia sẻ là bị lỗ.

Trào lưu hay cần thiết?

Tất nhiên, với các phim Bí mật Tam giác vàng, Cali mùa hoa vàng, Tuổi thanh xuân, Hai phía chân trời, Đặc vụ ở Ma Cao... thì việc ekip làm phim phải xuất ngoại ghi hình là cần thiết. Bởi nội dung các phim này có liên quan đến câu chuyện xảy ra ở nước ngoài nên rất cần có bối cảnh ở đó, mà nếu làm giả ở trong nước thì sẽ khó đạt được yêu cầu về độ chân thật cũng như sự thuyết phục để khán giả "tin là thật"...

Kinh phí bị đội lên cũng chính là lý do khiến nhiều nhà sản xuất phim rất muốn xuất ngoại ghi hình nhưng không thực hiện được, hoặc xem đó là việc "bất đắc dĩ". Ngoài ra, quay phim ở nước ngoài cũng rất khó khăn về thiết bị kỹ thuật, con người, thiết kế mỹ thuật và cả thủ tục hành chính...

Cảnh quay ở nước ngoài của phim Cali mùa hoa vàng

Như vậy, giải pháp ra nước ngoài ghi hình cho phim tùy thuộc 2 yếu tố: thứ nhất là nội dung phim, thứ hai là vấn đề kinh phí. Nếu phim hội đủ 2 yếu tố này thì việc ra nước ngoài quay là điều hợp lý, góp phần tạo nên sự hấp dẫn cho phim, nhất là phần bối cảnh.

Bởi vậy, phim Việt không cần thiết phải quay ngoại cảnh ở nước ngoài khi đơn thuần là chạy theo... trào lưu thay đổi không gian cho người xem đỡ nhàm chán.

Khi "cạn kiệt" bối cảnh trong nước thì sự đầu tư cho bối cảnh ở nước ngoài phù hợp với câu chuyện phim sẽ mang lại hương vị mới, lạ cho phim Việt. Nhưng thực tế đã khẳng định, một bộ phim được khán giả khen là hay, cuốn hút... không phụ thuộc hoàn toàn vào bối cảnh quay ở đâu.

Tất nhiên, những khung hình đẹp mà ăn khớp với câu chuyện phim sẽ càng tăng thêm sức hấp dẫn đối với khán giả. Và nếu chịu khó tìm tòi, các bối cảnh ở trong nước vẫn còn nhiều để khai thác.

>3 phim truyền hình kinh phí thấp vẫn "làm nên chuyện"

>Phim truyền hình Ấn Độ: Món mới có trụ được lâu?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Quay phim ở nước ngoài: Đắt có xắt ra miếng?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO