Phim hoạt hình Việt Nam: Uể oải và... hy vọng

HUỲNH VĨNH SƠN| 11/03/2011 09:53

Giấc ngủ Đông chưa có hồi kết có thể được coi là hình ảnh của phim hoạt hình Việt Nam hiện tại.

Phim hoạt hình Việt Nam: Uể oải và... hy vọng

LTS: Đạo diễn Huỳnh Vĩnh Sơn vừa được chọn là gương mặt trên trang bìa số tháng 2 của Tạp chí Wochi Kochi (Nhật Bản, thuộc Tổ chức Japan Foundation) và bài viết về phim hoạt hình Việt Nam cùng với ý tưởng kịch bản mới nhất của anh cũng được giới thiệu trong tạp chí này. Doanh Nhân Sài Gòn trích đăng bài viết này. Tựa đề do tòa soạn đặt.

Giấc ngủ Đông chưa có hồi kết có thể được coi là hình ảnh của phim hoạt hình Việt Nam hiện tại.

Tạo hình nhân vật chính trong Khu đầm có cánh

Quá khứ hào hùng thời chiến tranh với tinh thần sáng tạo không ngừng trong điều kiện khó khăn của thế hệ đi trước đã không được tiếp nối một cách tương xứng.

Cái nền tảng rất tốt ấy tiếc thay đã không trở thành động lực cho các họa sĩ trong thời bình kế thừa và phát triển. Không kịp thay đổi để đáp ứng những đòi hỏi của thế hệ khán giả mới, nên phim hoạt hình Việt ngày càng thêm nhạt nhòa trong đời sống văn hóa, tinh thần của người Việt.

Bước sang những năm 2000, cùng với những thành tựu về kinh tế, xã hội của đất nước, phim hoạt hình Việt Nam với sự quan tâm của các nhà quản lý cũng đã có những tiến bộ đáng kể.

Dẫu những bước chuyển mình ấy chưa đủ sức tạo nên một diện mạo tươi mới cho phim hoạt hình Việt, nhưng cũng mang lại cho khán giả nhiều hy vọng hơn.

Bên cạnh Hãng phim hoạt hình Việt Nam, lá cờ đầu của hoạt hình nội địa, sự ra đời của Trung tâm Sản xuất phim hoạt hình thuộc Đài Truyền hình Việt Nam vào những năm đầu thập niên 2000 đã mang lại niềm hứng khởi mới. Đây là hai nơi duy trì được số lượng phim hằng năm, dù tổng thời lượng không cao (dưới 400 phút/năm).

Lần đầu tiên trong nước có một đơn vị có thể sản xuất và chiếu ngay bộ phim hoạt hình vừa sản xuất trên sóng truyền hình toàn quốc. Điều mới mẻ ấy cộng thêm cách làm mới với sự hỗ trợ của máy móc tiên tiến nhập khẩu từ nước ngoài đã thổi một luồng gió mới vào phim hoạt hình.

Những tưởng đây sẽ là cú hích tạo đà cho phim hoạt hình Việt phát triển mạnh nhưng tiếc thay, một cơ chế không theo kịp bước phát triển mạnh và nhanh của nền công nghệ giải trí bên ngoài đã làm cho hoạt hình Việt rơi vào bế tắc.

Khi sự uể oải vẫn còn hiện diện trên gương mặt của giới sáng tác trong các hãng phim nhà nước, thì dễ hiểu tại sao người ta trông chờ hơn vào các hãng phim hoạt hình tư nhân, nơi có môi trường năng động. Thế nhưng, do không có cơ sở và không nhận được sự đầu tư, đơn đặt hàng, nên có rất ít phim hoạt hình hướng tới người Việt.

Vẫn có những công ty mạnh với vốn đầu tư của nước ngoài cùng đội ngũ họa sĩ được đào tạo bài bản, theo mô hình quản lý chuyên nghiệp.

Tuy nhiên, do không có đầu ra cho sản phẩm ở thị trường nội địa, nên đa phần sản phẩm đều là gia công những công đoạn hoặc toàn phần theo các đơn đặt hàng từ nước ngoài.

Chất lượng sản phẩm chuẩn cùng đội ngũ họa sĩ đông đảo không đồng nghĩa với sự ổn định của lĩnh vực hoạt hình ở đây. Khó khăn chồng chất cùng với khủng hoảng kinh tế thế giới đã ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của các công ty chuyên về gia công.

Hai tên tuổi lớn ở TP.HCM là SamG và Sparx phải đóng cửa là minh chứng rõ nét nhất. Những nốt ngân trầm buồn liên tiếp buông đã gieo vào lòng khán giả những khắc khoải và trông chờ.

Sự bế tắc sẽ tiếp tục kéo dài? Cá nhân người viết không nghĩ thế, bởi thời điểm này dường như là một bước quá độ để những mô hình mới với con người mới và kỹ năng mới của ngành hoạt hình xuất hiện.

Một khi cơ chế đổi khác, vị thế phim hoạt hình thay đổi, tự khắc sẽ có nhiều tài năng tham gia thay vì chỉ hướng vào trò chơi trực tuyến hay quảng cáo.

Hiện tại, dễ dàng nhận thấy đa số phim hoạt hình là do các hãng phim nhà nước sản xuất, nhưng thực chất các hãng phim tư nhân lại đang có bước thay đổi mạnh mẽ để phù hợp với đòi hỏi của cuộc sống.

Vấn đề thiết yếu là phải tìm được đầu ra cụ thể cho phim hoạt hình để các nghệ sĩ có thể ổn định tâm lý và yên tâm về con đường mình đang đi thì mới mong có thể tạo dựng nền tảng lâu dài và chắc chắn cho phim hoạt hình Việt.

Với sự đầu tư đúng đắn cùng những cố gắng khẳng định mình của những người làm phim trẻ, tôi tin rằng khoảng vài ba năm nữa, một công ty sản xuất phim hoạt hình Việt Nam sẽ lấy được chương trình từ các kênh truyền hình có tiếng như: Cartoon Network hay Disney Channel...

Phải có những thách thức như thế người tài mới phát triển, đội ngũ mới thành hình và cung cách làm việc chuyên nghiệp sẽ mở ra để một ngày không xa sẽ ghi được dấu ấn Việt trên bản đồ phim hoạt hình thế giới.

Hãng phim Hoạt hình Việt Nam đã xây dựng đề án “Giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa và tinh thần yêu nước cho thiếu niên, nhi đồng qua phim hoạt hình”. Theo đó, Hãng đã được Nhà nước đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại để nâng cao năng lực sản xuất phim hoạt hình, kể cả phim hoạt hình 3D.

Trong vòng 10 năm thực hiện đề án này, Hãng sẽ sản xuất khoảng 100 đầu phim do Nhà nước đầu tư kinh phí hoặc do các tổ chức, đơn vị đặt hàng. Tuy nhiên, để thực hiện thành công đề án, bài toán quan trọng là “đầu ra” vẫn chưa có lời giải... 

Lý lịch trích ngang của đạo diễn Huỳnh Vĩnh Sơn

Sinh năm 1979 tại Phúc Yên, Vĩnh Phúc

Giải thưởng: hai Giải đặc biệt toàn quốc “Mỹ thuật Sinh viên Nokia khu vực châu Á - Thái Bình Dương” (1999, 2000), Giải ba của Festival Mỹ thuật Truyền thông đa phương tiện ASEAN với tác phẩm phim hoạt hình thể nghiệm Giải cứu.

Bộ phim hoạt hình Thỏ và Rùa do anh đạo diễn đoạt giải Cánh diều Bạc của giải Cánh diều Vàng 2008, Bông sen Vàng cho thể loại phim hoạt hình tại Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ 16 cùng với hai giải Đạo diễn và Biên kịch xuất sắc nhất.

Phim đang thực hiện: phim nhựa 3D Khu đầm có cánh (Hãng phim Giải Phóng). Hai nhân vật trong bộ phim này đã được nói đến trên Tạp chí Render Out của Tây Ban Nha, số tháng 12/2009 và tháng 5/2010.


(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Phim hoạt hình Việt Nam: Uể oải và... hy vọng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO