Phim hành động Việt Nam: Gió đã thuận chiều

HOÀNG LÂM| 12/05/2016 06:32

Phim hành động được dự báo sẽ là xu hướng đầu tư của các nhà làm phim trong nước thời gian sắp tới.

Phim hành động Việt Nam: Gió đã thuận chiều

Cùng với sự thoái trào của thể loại hài, điện ảnh Việt thời gian gần đây xuất hiện ngày càng nhiều phim ở thể loại hành động. Dự báo đây sẽ là xu hướng đầu tư của các nhà làm phim trong nước thời gian sắp tới.

Đọc E-paper

Học tập Hollywood

Tối 19/4, bộ phim hành động Truy sát (đạo diễn Cường Ngô, CJ Entertainment và Trương Ngọc Ánh sản xuất) chính thức trình làng, thực sự gây được ấn tượng với những pha hành động táo bạo, những cuộc rượt đuổi nghẹt thở với công nghệ làm phim không khác gì điện ảnh Hollywood. Nội dung phim xoay quanh câu chuyện tổ đặc nhiệm của thiếu tá Nguyễn An An đối đầu với Băng Sói - một tổ chức xã hội đen.

Phim có sự góp mặt của đạo diễn hình ảnh người Mỹ - ông Ross Clarkson - người có hơn 20 năm kinh nghiệm làm phim hành động tại Hollywood, Hong Kong... Đồng thời, ông cũng là một chuyên gia cân chỉnh ánh sáng, màu sắc, khuôn hình và các chuyển động máy.

Kinh nghiệm và tài năng của Ross Clarkson rõ ràng đã làm cho Truy sát khác hẳn những phim hành động "made in Vietnam" trước đây. Hiệu ứng hình ảnh đã khiến khán giả hào hứng và hồi hộp theo từng trường đoạn hành động của Truy sát.

Bên cạnh đó, đạo diễn võ thuật người Úc gốc Việt Trung Lý, người từng chỉ đạo võ thuật các phim: Enter the Dojo, Gaffa, Hit Girls, Fist of the Dragon... cũng đã giúp sức cho ekip làm phim Truy sát có được những pha hành động đẹp mắt.

Theo tiết lộ từ nhà sản xuất Trương Ngọc Ánh, số tiền tiêu tốn cho Truy sát là hơn 1 triệu USD. Với chi phí đầu tư lớn như vậy, Truy sát không đơn thuần là một phim hành động "làm cho sướng" mà còn là bài toán kéo cho được khán giả đến rạp.

"Tôi chọn dòng phim này vì thấy thị trường còn thiếu. Tại sao mình không đưa ra nhiều "món ăn" cho khán giả ngoài phim hài? Thị trường rạp chiếu luôn có những bộ phim hành động hấp dẫn của Mỹ, Hàn Quốc, Hong Kong. Phim của họ được đầu tư quá nhiều, quá hay rồi, nhưng không vì thế mà mình không làm được phim hành động ra chất Việt Nam", Trương Ngọc Ánh chia sẻ.

Chi phí làm Truy sát hết 1 triệu USD nhưng ở nước ngoài, để làm những phim như thế này, thông thường phải tiêu tốn tới 6 triệu USD. Như vậy, đây cũng là một thuận lợi cho những đơn vị sản xuất phim hành động Việt Nam.

Doanh thu có phập phù?

So với các thể loại phim khác, phim hành động thu hút người xem bởi những cảnh cháy nổ, rượt đuổi và đánh đấm táo bạo. Vì vậy, để có được sản phẩm ăn khách, dòng phim hành động đòi hỏi các nhà đầu tư phải bỏ ra chi phí ban đầu khá lớn.

Thành công lớn nhất có lẽ phải kể đến Dòng máu anh hùng, ra rạp năm 2007. Có thể nói đây là một bước tiến dài của thể loại phim hành động Việt. Phim gây được ấn tượng mạnh với khán giả và cả giới chuyên môn, đánh dấu sự trở lại mạnh mẽ của phim hành động lịch sử.

Để có được thành công như vậy, Dòng máu anh hùng đã "ngốn" của nhà sản xuất đến 1,5 triệu USD (trên 23 tỷ đồng vào thời điểm 2006) - con số đầu tư rất lớn của thị trường phim trong nước thời điểm đó.

Bẫy rồng cũng được xem là một thành công khác của dòng phim hành động khi quy tụ dàn diễn viên đình đám cùng với cảnh quay được nhà sản xuất đầu tư mạnh tay về công nghệ và kỹ xảo. Phim cũng nhận được đánh giá khá cao của các nhà phê bình trong và ngoài nước, và được nhiều kênh truyền hình trên thế giới mua lại bản quyền phát sóng, trong đó có HBO.

Đầu tư kỹ lưỡng, vốn lớn nhưng để đảm bảo doanh thu phòng vé cho thể loại phim hành động Việt lại là vấn đề hoàn toàn khác. Được nhà sản xuất dự báo sẽ thắng lớn khi ra rạp nhưng Thiên mệnh anh hùng của đạo diễn Victor Vũ với 25 tỷ đồng đầu tư lại lỗ hơn 10 tỷ đồng sau ngày cuối cùng công chiếu. Kết cục này cũng thấy ở phim Lửa Phật với 20 tỷ đồng đầu tư...

Bỏ qua vấn đề bản quyền mà Dòng máu anh hùng gặp phải thì chuyện thua lỗ của phim hành động Việt Nam có nhiều lý do, trong đó, theo các chuyên gia trong ngành, đáng kể nhất là thời điểm ra rạp lúc đó chưa phù hợp với thị hiếu khán giả, vì họ vẫn còn đang rất chuộng phim hài.

Tuy nhiên, theo nhà sản xuất Trương Ngọc Ánh, thời gian gần đây, với sự nhàm chán của khán giả trước thể loại phim hài nhảm, đầu tư phim hành động đã bắt đầu có lãi khi biết kết hợp hành động với hài. Điển hình là Lật mặt của ca sĩ Lý Hải đầu tư 10 tỷ đồng và thu về 80 tỷ đồng, hay Mỹ nhân kế kết hợp hành động với dàn "sao" hút khách thu về 52 tỷ đồng. Gần đây nhất là Hương Ga, nhờ chiến dịch truyền thông tốt cũng đã gặt hái được thành công, đạt doanh thu 50 tỷ đồng dù chi phí đầu tư chỉ 18 tỷ đồng.

Những tín hiệu kinh doanh tốt kể trên chính là động lực để các nhà sản xuất tiếp tục đổ tiền vào dòng phim này. Như trường hợp của Lật mặt, cũng vừa cho ra mắt phần 2. Càng đầu tư nhiều, càng cố gắng chỉn chu thì điện ảnh Việt lại càng được nâng cấp. Niềm vui này có lẽ không chỉ khiến người làm nghề phấn khởi mà cả khán giả cũng sẽ rất hồ hởi, bởi vì chính họ sẽ là người được hưởng lợi từ những cố gắng của những nhà đầu tư điện ảnh.

>Cơ hội nào cho điện ảnh Việt vươn ra thế giới?

>Điện ảnh Việt: Thông minh hay nước mắt, nụ cười?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Phim hành động Việt Nam: Gió đã thuận chiều
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO