"Nữ hoàng rock n'roll" và 50 năm The Beatles

DŨNG NGUYỄN| 26/06/2012 00:31

Mới đây, Nữ hoàng Elizabeth II đã phong tước danh dự cho hơn 1.200 nhân vật đã có đóng góp trong nhiều lãnh vực vì sự phát triển thịnh vượng của nước Anh. Một lần nữa Paul McCartney, thành viên của nhóm Tứ quái The Beatles, được tôn vinh...

Mới đây, Nữ hoàng Elizabeth II đã phong tước danh dự cho hơn 1.200 nhân vật đã có đóng góp trong nhiều lãnh vực vì sự phát triển thịnh vượng của nước Anh. Trong số những nghệ sĩ Anh và ngoại quốc được vinh danh với tước hiệp sĩ và quý bà đáng kính có Kate Winslet (đoạt Oscar 2009 Nữ diễn viên xuất sắc nhất với phim The Reader), đạo diễn kiêm diễn viên tài hoa Kenneth Branagh; nam danh ca Gary Barlow (cựu thành viên nhóm Take That) và nhất là Paul McCartney, thành viên của nhóm Tứ quái The Beatles, một lần nữa được tôn vinh...

Đọc E-paper

Đại diện cho The Beatles, Paul McCartney được Nữ hoàng Anh vinh danh

Một lần nữa, Nữ hoàng Anh lại vinh danh những nhân vật đã góp phần tạo nên cho bà một “quyền lực mềm” khiến nước Anh vẫn tỏa sáng trên bản đồ thế giới. Nhưng lần Nữ hoàng Elizabeth II phô trương “quyền lực mềm” của mình gây tiếng vang lớn nhất thế giới diễn ra đã rất lâu rồi.

Tứ quái

Đó là vào năm 1965, bà đã ban tặng danh hiệu MBE (Member of the British Empire - Thành viên của Đế chế Anh) cho Paul McCartney, John Lennon, George Harrison và Ringo Starr, bốn thành viên của ban nhạc The Beatles nổi tiếng khắp năm châu từ năm 1962 với biệt hiệu “Fab Four” (Bộ tứ tuyệt vời, hay còn gọi là Tứ quái).

Cả bốn chàng trai trẻ ấy đều đã nhận vinh dự này, chỉ đến tháng 11/1969, vì phản đối cuộc chiến tại Việt Nam nên John Lennon đã “gửi trả” MBE cho triều đình Anh.

Cách nay 50 năm, vào lúc 9 giờ 30 sáng ngày 1/1/1962, có bốn chàng trai phải có mặt trong một phòng ghi âm tại London, cố đàn hát thật hay với hy vọng sẽ ký được hợp đồng với hãng đĩa Decca Records. Đó là Paul McCartney, John Lennon, George Harrison và Pete Best (chơi trống).

Nhưng sau một đêm giao thừa mừng năm mới tưng bừng với rượu mạnh và thuốc lá, giọng khàn đặc, sức yếu, The Beatles phải tập trung cao độ mới ghi âm được 15 ca khúc, trong đó có 12 bài cover các sáng tác của những nghệ nhân nhạc blues của Mỹ như Chuck Berry, Buddy Holly... Với điều kiện ghi âm như thế, họ không được hãng đĩa Decca mời ký hợp đồng.

Nhưng chỉ đến tháng 6/1962, The Beatles đã có được hợp đồng ghi âm cho hãng EMI bằng ba sáng tác của mình, gồm: Love me do, P.S. I love you, Ask me why và bài tình ca trứ danh Besame Mucho. Nhưng khi The Beatles chính thức ghi âm, Pete Best đã bị loại, thay bởi Ringo Starr, cũng là một chàng trai quê ở Liverpool như Paul, John và George.

Đĩa Love me do được tung ra ngày 5/10/1962 thì đến 26/11, The Beatles lại vào studio ghi âm bài Please please me. Đó là single đầu tiên của Tứ quái giành được vị trí số một trên bảng xếp hạng đĩa bán chạy nhất tại Anh. Sau đó, album Please please me cũng leo lên đỉnh cao ở Anh. Các fan bắt đầu gọi The Beatles là “Fab Four”, bốn chàng tuyệt vời.

Sang đến đầu năm 1964, The Beatles đã là một cái tên với khả năng thu hút 72 triệu khán giả trong chương trình truyền hình The Ed Sullivan Show, một kỷ lục vào thời ấy. Đến ngày 4/4/1964, The Beatles lập kỷ lục còn đứng vững mãi đến ngày nay, đó là cùng trong một tuần có 5 ca khúc chiếm trọn 5 vị trí đầu bảng xếp hạng Billboard những đĩa đơn bán chạy nhất tại Mỹ: Can’t buy me love, hạng nhất; Twist and Shout, hạng hai; She loves you, hạng ba; I want to hold your hand, hạng tư và Please please me, hạng 5.

Bản thành tích đáng ngạc nhiên

Trong thời gian từ 1962 đến khi chính thức tuyên bố tan rã vào tháng 4/1970, Tứ quái này còn lập nhiều thành tích đáng kể khác. Một trong những sự kiện lưu sử nhạc pop thế giới là việc họ lên nóc nhà của studio ở phố Abbey Road, London mà đàn hát vào 1969.

Hôm ấy, Paul râu tóc rậm rạp như một nhà ẩn tu, John tóc dài như thiếu nữ, George cũng tóc dài điểm tô thêm hàng râu mép còn Ringo mặc áo vest nhựa đỏ trông như một lính cứu hỏa. Và họ đã để lại dấu ấn mãi không phai khi trình bày Get back, Don’t let me down, I’ve got a feeling, One afterDig a pony.

Tính đến nay, chưa có ban nhạc nào có được bản thành tích cực kỳ phong phú như The Beatles. Đó là đoạt 7 giải Grammy và bán được hơn 600 triệu đĩa album ở khắp thế giới; có 20 ca khúc xếp hạng nhất tại Mỹ; 17 ca khúc hạng nhất tại Anh; sáng tác của họ chiếm đỉnh cao bảng xếp hạng được tổng cộng 128 tuần; tuyển tập 1 (gồm 20 ca khúc hạng nhất của The Beatles), phát hành năm 2000 đến hết năm 2010 đã tiêu thụ được hơn 30 triệu đĩa; từ cuối 2010 đến nay bán được hơn 10 triệu ca khúc và 1,8 triệu album ở cửa hàng nhạc trực tuyến iTunes... Nhạc của The Beatles cũng đã được sử dụng trong 15 phim truyện.

Trung tuần tháng 6/2012, nhân dịp mừng sinh nhật thứ 70 của Paul McCartney đồng thời đánh dấu 50 năm hình thành ban nhạc The Beatles lừng danh thế giới, tòa thị chính thành phố Liverpool đã vinh danh The Beatles vì đã có đóng góp quan trọng cho sự phát triển của ngành du lịch.

Nhờ đã là quê hương của bốn chàng trai tuyệt vời năm xưa mà ngày nay Liverpool và vùng Meyside trung bình mỗi năm thu hút nhiều du khách đến chi tiêu khoảng 3 tỷ bảng Anh, tạo việc làm cho hơn 42.000 người.

Nhưng John và George đã vĩnh viễn ra đi, nay chỉ còn Paul và Ringo. Nổi tiếng, giàu có, thành công và vẫn còn miệt mài sáng tác, đàn ca, ghi âm và du diễn thì chỉ còn mỗi Paul McCartney, vừa mừng sinh nhật vào ngày 18/6/2012. Paul chưa chịu nghỉ ngơi vì ông vẫn còn sung sức lắm.

Và cũng vì ông còn nhiều nhiệm vụ và trách nhiệm phải hoàn thành bằng được. Paul McCartney là một “kho tàng” trong lịch sử nước Anh thời hiện đại nên không thể vắng mặt ở những lễ hội vui lớn của nước này. Năm 1997, vì đã có nhiều đóng góp cho âm nhạc Anh, ông đã được Nữ hoàng Elizabeth II phong tặng tước hiệp sĩ của triều đình Anh.

Cho nên vào ngày 4/6 qua, ông đã cùng ba nghệ sĩ nhạc pop Anh khác cũng đã được triều đình Anh nâng lên hàng “Sir” biểu diễn ở lễ kỷ niệm 60 năm đăng quang của Nữ hoàng Elisabeth II (ba nghệ sĩ kia là Cliff Richard, Elton John và Tom Jones).

Chiều hôm ấy, trên sân khấu lớn dựng phía trước cung điện Buckingham ở London, Paul McCartney đã trình bày 5 ca khúc The Beatles, gồm All My Loving, Let it Be, Live and Let it Die, Magical Mystery TourObladi Oblada.

Ngày 27/7 tới đây, ngài hiệp sĩ này sẽ lại là nghệ sĩ biểu diến tiết mục ca nhạc cuối trong lễ khai mạc Thế vận hội Olympic London 2012. Sự kiện này sẽ diễn ra trong sân vận động Olympic có sức chứa 80.000 khán giả. “Tôi rất vinh dự được mời diễn trong hai sự kiện lớn này của nước Anh, diễn ra dưới triều đại của “Nữ hoàng rock and roll Elizabeth II”, ông nói.

Top 20 ca khúc hay nhất của The Beatles

Đã có rất nhiều tạp chí, nhà phê bình lập danh sách những ca khúc hay nhất của The Beatles (họ đã sáng tác và ghi âm cộng chung hơn 250 bài) nhưng mới đây, kỷ niệm 50 năm ngày The Beatles hình thành và bắt đầu nổi tiếng, nhật báo Mỹ USA Today đã lập Top 20 với những ca khúc dẫn đầu như: Ticket to Ride, I want to hold your hand, A Day in the Life, Eleanor Rigby, Norwegian Wood...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
"Nữ hoàng rock n'roll" và 50 năm The Beatles
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO