Nỗi niềm di sản

HOÀNG LINH LAN| 14/08/2014 07:00

Anh bạn tôi, sau chuyến xuyên Việt với mục đích chủ yếu là đến thăm các di tích, nhắc tôi trong buổi cà phê hội ngộ: "Lo mà đi, chứ để chừng chục năm nữa chắc chẳng còn gì để xem!".

Nỗi niềm di sản

Anh bạn tôi, sau chuyến xuyên Việt với mục đích chủ yếu là đến thăm các di tích, nhắc tôi trong buổi cà phê hội ngộ: "Lo mà đi, chứ để chừng chục năm nữa chắc chẳng còn gì để xem!".

Đọc E-paper

Hiện trạng các công trình tại lăng Tự Đức hầu hết đều đổ nát hoặc được bảo tồn nhưng thô sơ, dùng cây chống, mái tôn để chờ quyết định khôi phục

Bài viết này không nhằm kể lại câu chuyện ấy. Bởi, chỉ cần một cú nhấp chuột tham vấn người khổng lồ Google, dư sức tìm thấy vô vàn sự vô tâm nhan nhản phủ trùm lên các di tích. Tôi càng không muốn làm bạn đọc mất thời gian hay dồn đẩy vào tâm trạng xót xa, căm phẫn. Tôi chỉ tự hỏi, nếu di tích biết biểu đạt bằng ngôn ngữ của con người, chúng sẽ nói gì?

Có thể thấy các di tích lịch sử ở nước ta, nói cách khác là những di sản văn hóa vật thể, hiện rơi vào hai trường hợp chính: Một, nhếch nhác, xuống cấp trầm trọng và đang trong tình trạng dài cổ chờ kinh phí để trùng tu. Hai, kinh phí đã được duyệt, trùng tu đang tiến hành nhưng chẳng khác nào góp phần phá hoại di tích. Cổ vật, các cấu kiện, chi tiết bị vứt chỏng chơ, mặc mưa nắng bào mòn, mặc con người phá hoại. Chi tiết nào hỏng, ngay lập tức sẽ được đơn vị thi công hào phóng thay mới, dù chẳng ăn nhập hay đồng bộ gì với kết cấu chung. Ai từng đến thăm di tích một lần, đến lần thứ hai thì ngỡ mình đi lạc. Sự lạc loài trong cấu trúc tổng thể, trong phần hồn đã bị thứ hiện đại lem nhem lấn lướt, thậm chí nuốt chửng!

Nhà dột thì sửa. Thế nhưng, sửa như thế nào để đảm bảo đồng bộ, ăn khớp với tổng thể chung mới là vấn đề đáng bận tâm. Đâu thể tùy hứng, có tiền, thích thì làm. Rồi thấy nhà bên cạnh có khung cửa đẹp, nhà kế bên nữa có kiểu mái hay là bắt chước gán vô nhà của mình. Nhưng nên nhớ, di tích không phải là nhà. Đó là bảo chứng, là nơi lưu giữ di vật, dấu ấn của cha ông. Di tích quý bởi sau bao thăng trầm của loạn ly, khắc nghiệt của thời gian, chúng vẫn gắng sức trụ được cho đến hôm nay. Quý còn bởi soi mình vào đấy, ta như cảm nhận được sự thiêng liêng từ sợi dây kết nối vô hình với thế hệ cha anh.

Cái cách trùng tu di tích báo chí phản ánh như hiện nay khiến người ta không thể không nghĩ đó là cách làm qua quýt, làm cho có, cho xong, làm theo kiểu "cả vú lấp miệng em". Dân chúng chỉ trích cơ quan quản lý văn hóa không quan tâm đến lịch sử, đến di sản văn hóa dân tộc, dè sẻn trùng tu, bỏ mặc di tích ư? Thì bây giờ cơ quan quản lý văn hóa trùng tu đây, nhưng trùng tu theo kiểu đại trà, chỉ cần lo phần vật chất hào nhoáng bên ngoài, không cần quan tâm đến yếu tố tôn giáo, tín ngưỡng, văn hóa, lịch sử!

Trình độ kém, nhận thức yếu, thái độ sai, hay đúng hơn là sự vô cảm trước các giá trị văn hóa, lịch sử, không có kiến thức chuyên môn là những nguyên nhân chính dẫn đến sự tùy tiện, thiếu cơ sở khoa học trong việc tu bổ di tích. Đơn vị thi công trùng tu không đảm bảo cũng là điều đáng trách, song câu hỏi lớn nhất được đặt ra ở đây là, ai đảm trách việc phân công và thi công ấy? Và khi sai sót xảy ra thì cá nhân nào, tập thể nào sẽ nhận lãnh trách nhiệm, hay chỉ nhận lỗi chung chung, sửa sai hời hợt như hiện tại? Đáng nói hơn cả, giờ đây không phải chỉ một hay hai di tích rơi vào tình trạng báo động đỏ như vậy!

>Làm gì với di sản đô thị cổ?
>Khi di sản trở thành gánh nặng
>
Vịnh Hạ Long và những câu chuyện "bán di sản"
>Nỗi lo "tầm thường hóa" di sản

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nỗi niềm di sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO