Nhạc số tìm đường sống

HOÀNG LÂM| 22/08/2012 04:00

Việc thu phí bản quyền nhạc số sẽ thuận lợi hơn nếu người nghe thấy được những khác biệt giữa tải nhạc miễn phí và nhạc có trả phí.

Nhạc số tìm đường sống

Việc thu phí bản quyền nhạc số sẽ thuận lợi hơn nếu người nghe thấy được những khác biệt giữa tải nhạc miễn phí và nhạc có trả phí.

Đọc E-paper

Năm năm trước, các nhà sản xuất đã phải chứng kiến đĩa lậu xuất hiện tràn lan trên thị trường sau khi những đứa con tinh thần của họ ra mắt chỉ một, hai ngày. Nhưng đó là chuyện của 5 năm trước.

Hiện nay, với sự phát triển của internet, thiết bị di động..., cộng thêm cái gọi là công nghiệp nhạc số, không cần đợi tới một, hai ngày mà chỉ cần năm, mười phút trước khi các sản phẩm âm nhạc ra mắt thì các bản sao chép đã xuất hiện tràn lan trên các website nghe nhạc trực tuyến.

Doanh số sụt giảm 80%

Vẫn biết việc mua đĩa gốc đã trở thành “xa xỉ” đối với người dân Việt Nam thích nghe nhạc, thế nhưng, con số thống kê vẫn gây nhiều bất ngờ. Theo khảo sát mới nhất của Google Ad Planner, có tới 77% người sử dụng internet để nghe nhạc tại các website âm nhạc, tương đương 25 triệu người.

Trong đó, 44% người nghe chọn Zing MP3, 27% chọn nhaccuatui, 20% chọn nhacvui.vn, 9% chọn nhacso.net, nghenhac.info... Bên cạnh đó, số người nghe nhạc qua thiết bị di động tại Việt Nam cũng tăng đến 6 triệu người.

Điều đáng chú ý là số người dùng khổng lồ ấy không phải trả bất kỳ khoản phí nào. “Thực tế trong nhiều năm qua, ngành công nghiệp ghi âm Việt Nam đang bị thiệt hại nặng nề do tình trạng tải nhạc miễn phí trên internet và điện thoại di động. Sản lượng băng đĩa của Hiệp hội Ghi âm Việt Nam (RIAV) sụt giảm hơn 80% trong 5 năm gần đây. Các nhà sản xuất không thể tiếp tục đầu tư cho những dự án âm nhạc mới, vì sẽ nắm chắc phần thua lỗ”, ông Trần Chiến Thắng, Chủ tịch RIAV, chia sẻ.

Đồng quan điểm, theo ông Đỗ Mạnh Tuấn, Giám đốc Công ty CP Tập đoàn MV (MVCorp.), nguyên nhân dẫn đến vấn đề này xuất phát từ việc thiếu ý thức tôn trọng bản quyền ghi âm.

Các website âm nhạc không xem việc bán các sản phẩm âm nhạc là nguồn thu chính của hoạt động kinh doanh, nên việc chi trả tiền tác quyền cũng là chuyện phụ. Quan trọng hơn cả là do đã được nghe nhạc không tốn phí trên các website một khoảng thời gian dài, nên việc trả phí để sử dụng các bản quyền ghi âm trở nên xa lạ với người Việt.

Ông Nguyễn Minh Kha, đại diện phía các website âm nhạc tại Việt Nam, tiết lộ, nguồn thu chính của các website âm nhạc tại Việt Nam hiện nay không đến từ việc bán các sản phẩm âm nhạc, mà là từ quảng cáo. Nhà điều hành website nếu không tải nhạc mới lên kịp thời, hay thu phí sẽ lập tức mất thị phần, bởi hiện đang có tới hơn 150 website cạnh tranh.

“Việc thanh toán cũng là vấn đề đặt ra cho các website âm nhạc nếu muốn thu phí”, ông Kha chia sẻ. Theo ông Kha, thu phí qua ngân hàng thì thủ tục rườm rà, liên kết với các nhà mạng thì tỷ lệ ăn chia họ đưa ra quá cao… Tất cả những điều này khiến người làm website có muốn tôn trọng bản quyền cũng khó.

Liên kết để tồn tại

Đối mặt với thực trạng trên, cách mà các thành viên của RIAV, MVCorp. và 6 trang web âm nhạc trực tuyến lớn chọn là liên kết với nhau. Họ đồng lòng thu phí tải nhạc trực tuyến kể từ ngày 1/11 với mức 1.000 đồng/bài/lượt tải.

Theo thỏa thuận, MVCorp. sẽ là đối tác duy nhất đại diện cho RIAV trong việc quản lý quyền ở lĩnh vực internet và điện thoại di động. Ông Phùng Tiến Công, Phó tổng giám đốc MVCorp., khẳng định, giải pháp thu phí chính là chìa khóa để cứu công nghiệp ghi âm Việt Nam.

Rất nhiều quốc gia cũng đã gặp phải vấn đề này và đều giải quyết bằng cách thu phí nhạc số. “iTunes ra đời là một ví dụ, sau 8 năm iTunes đã thành công và có được 16 tỷ lượt tải nhạc có trả phí”, ông Công minh chứng và cho biết, việc thanh toán sẽ triển khai bằng cách người dùng tạo tài khoản rồi nạp tiền bằng thẻ cào điện thoại, tin nhắn SMS hay trừ qua tài khoản của điện thoại di động.

Phí cho dịch vụ thẻ cào là 10%, còn dịch vụ SMS qua điện thoại thì lên đến 50%. Sau khi trừ khoản phí này, lợi nhuận còn lại sẽ được chia cho các trang web là 45% và các đơn vị cung cấp nội dung (nhà sản xuất, ca sĩ, nhạc sĩ) là 55%.

Với những ca khúc nước ngoài, các trang web chỉ được 30%, trong khi phía bạn sẽ được 70%. Như vậy, sau khi trừ hết các khoản phí, các đơn vị cung cấp nội dung có khi chỉ nhận được 200-300 đồng/ca khúc được tải về.

Theo ông Công, chi phí này sẽ là nguồn thu cho hoạt động của các website và phía sản xuất âm nhạc, đồng thời tạo thói quen sử dụng đúng đắn các bản quyền âm nhạc cho người sử dụng. Dự kiến sẽ đạt mức 10% người sử dụng trả phí vào năm 2014.

Cũng như cách làm của các quốc gia khác, sau thỏa thuận này, việc nghe nhạc trực tuyến tại Việt Nam vẫn hoàn toàn miễn phí, ngoại trừ nghe qua các thiết bị di động thì phí sẽ được thu cùng với các dịch vụ đi kèm như phí 3G hay GPRS. Tất cả đều vẽ ra một con đường khá hanh thông cho nhạc số, bởi giải pháp này đảm bảo quyền lợi cho các nhạc sĩ, ca sĩ và nhà sản xuất âm nhạc.

Tuy nhiên, xét ở phía người nghe thì đây là một thiệt hại về kinh tế. “Việc phải trả phí sẽ khiến người dùng cân nhắc hơn, lựa chọn các ca khúc để tải xuống kỹ hơn. Vô hình trung nó trở thành đơn đặt hàng cho những người tạo nên sản phẩm âm nhạc, buộc họ phải có trách nhiệm hơn với những sáng tác của mình”, ông Thắng nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nhạc số tìm đường sống
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO