Nhạc cụ truyền thống và câu chuyện quảng bá

KHÁNH LY| 20/07/2012 01:10

Nếu Nhật Bản tự hào có đàn tranh Koto, Shamisen, thì Việt Nam đâu kém cạnh với đàn đáy, đàn bầu; nhưng nếu người Nhật đã đem tiếng đàn của mình vươn khỏi tầm quốc gia, thì nhạc cụ truyền thống Việt vẫn còn là “ẩn số” ngay cả với công chúng trong nước.

Nhạc cụ truyền thống và câu chuyện quảng bá

Nếu Nhật Bản tự hào có đàn tranh Koto, Shamisen, thì Việt Nam đâu kém cạnh với đàn đáy, đàn bầu; nhưng nếu người Nhật đã đem tiếng đàn của mình vươn khỏi tầm quốc gia, thì nhạc cụ truyền thống Việt vẫn còn là “ẩn số” ngay cả với công chúng trong nước.

Đọc E-paper

Sức hút nhạc cụ cổ truyền


Màn song tấu acoustic bằng đàn tranh Koto truyền thống Nhật và guitar của hai nghệ sĩ Aki và Kuniko đã chinh phục hoàn toàn khán giả có mặt tại Ngày hội Việt - Nhật tổ chức vào đầu tháng 7/2012 tại Nhà văn hóa Thanh Niên.

Cây đàn Koto với những thanh âm trang nhã, hòa điệu một cách tuyệt vời với tiếng guitar khiến khán giả thích thú. Ngón đàn linh hoạt, phóng khoáng khiến thanh âm đàn tranh Koto tưởng chừng “bác học” nhưng hóa ra lại nền nã, chạm đến tận trái tim người nghe, đập tan thành kiến về một loại nhạc cụ xưa chỉ phục vụ nghiên cứu, học thuật.

Cách phối hợp ăn ý, thanh âm trong trẻo của guitar và thanh nhã của đàn tranh Koto khiến màn song tấu acoustic vừa mang hơi thở hiện đại, vừa gợi nhớ tới nét u linh, huyền thoại nơi đất nước với nền văn hóa đặc sắc geisha, kiếm đạo, trà đạo, samurai...

Hẳn nhiên không phải đây là lần đầu tiên cặp song tấu Aki và Kuniko “đem chuông đi đánh xứ người”, bởi họ đã từng gây được tiếng vang ở Mỹ, Đức... Tiếng đàn Koto đã vượt biên giới Nhật, trở thành sứ giả văn hóa, hình ảnh đất nước Mặt trời mọc được quảng bá tốt qua những dịp lễ hội như thế này.

Những nhộn nhịp, tưng bừng lễ hội rồi sẽ qua, nhưng thanh âm thánh thót, trang nhã của đàn tranh Koto hòa điệu cùng tiếng guitar trầm bổng chắc hẳn sẽ đọng lại rất lâu trong lòng người nghe.

Đem giá trị văn hóa cổ ra phổ biến cho thế giới và thành công là câu chuyện của Yosida Brothers. Hai anh em nhà Yosida có tình yêu đặc biệt với nhạc cụ cổ Shamisen của Nhật có từ thế kỷ XVI-XIX, luyện tập tới mức chơi điêu luyện, kỹ thuật chơi nhanh và tư duy sáng tạo trên nền nhạc điện tử hiện đại khiến khán giả thích thú với những ca khúc như Storm, Kodo... nghe lạ tai.

Đó quả thực là cơn bão vượt qua biên giới, được đón nhận nồng nhiệt hơn bất cứ ban nhạc nào của Nhật ở các thị trường Mỹ, Hàn Quốc, Anh, Tây Ban Nha... Thêm một minh chứng cho sức hút của các nhạc cụ cổ giữa dòng chảy bão hòa các nhạc cụ điện tử.

Nhạc cụ Việt, cần lắm một cú hích

Đàn đáy, đàn bầu là những cái tên tiêu biểu của nhạc cụ cổ Việt Nam, nhưng có bao nhiêu người được xem những màn biểu diễn với hai nhạc cụ ấy?

Đàn đáy (hay còn gọi là “vô cầm đề”) là loại nhạc cụ với âm thanh ấm áp, êm dịu, được sử dụng để đệm cho các bài ca trù, là loại đàn độc đáo cả về hình dáng và thanh sắc. Tuy nhiên, có một thực tế là loại đàn độc nhất vô nhị này vẫn còn rất xa lạ với công chúng Việt Nam chứ chưa bàn đến quốc tế.

Giáo sư Trần Văn Khê, người rất tâm huyết với các thể loại nhạc dân tộc, hằng tháng vẫn tổ chức những buổi nói chuyện về âm nhạc dân tộc tại tư gia. Giáo sư mời giáo phường ca trù Thăng Long, Hà Nội vào biểu diễn để công chúng Sài Gòn được “mục sở thị” ca trù xưa và nay của Việt Nam.

Anh Huỳnh Nhựt Quang, một hướng dẫn viên du lịch tiếng Nhật, chia sẻ, nhiều lần đưa khách quốc tế đi xem biểu diễn âm nhạc truyền thống, đờn ca tài tử nhưng dường như đã bị lai tạp nhiều, có nơi người hát ăn mặc diêm dúa, biểu diễn kiểu “chạy sô”, những cải biên quá đà làm biến chất những giá trị truyền thống khiến du khách không mấy hào hứng.

“Lần đầu tiên được nghe ca trù đúng chất, cách ca nương cúi chào, biểu diễn chuẩn mực, có hồn là từ chương trình tại gia của giáo sư Khê. Tôi thật sự tự hào và xúc động”, anh chia sẻ.

Tuy vậy, những buổi biểu diễn hiếm hoi trên chỉ là đốm lửa nhỏ, làm sao để phổ biến âm nhạc, nhạc cụ truyền thống đúng chuẩn đến với đông đảo công chúng Việt Nam chứ chưa cần khách quốc tế đã là câu hỏi khó. Bởi đến người Việt còn có thành kiến là âm nhạc truyền thống khó hiểu thì khó mong bạn bè quốc tế sẽ yêu thích và đón nhận.

Âm nhạc truyền thống là những giá trị cội nguồn, chạm tới nơi thẳm sâu tâm hồn Việt, nếu được giới thiệu một cách mềm mại và linh hoạt ắt sẽ nhận được sự hưởng ứng. Như cách nói của những người Nhật: “Nếu muốn người khác quý trọng văn hóa của mình thì trước tiên mình phải tôn trọng, bảo vệ và phát huy nền văn hóa đó”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nhạc cụ truyền thống và câu chuyện quảng bá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO