Nhà văn Tô Hoài qua đời

07/07/2014 07:37

Nhà văn Tô Hoài, cha đẻ tác phẩm "Dế Mèn phiêu lưu ký" đã kết thúc chuyến phiêu lưu với cuộc đời ở tuổi 95. Ông trút hơi thở cuối cùng vào trưa 6/7 tại bệnh viện Hữu Nghị, Hà Nội vì tuổi cao sức yếu.

Nhà văn Tô Hoài qua đời

Nhà văn Tô Hoài, cha đẻ tác phẩm "Dế Mèn phiêu lưu ký" đã kết thúc chuyến phiêu lưu với cuộc đời ở tuổi 95. Ông trút hơi thở cuối cùng vào trưa 6/7 tại bệnh viện Hữu Nghị, Hà Nội vì tuổi cao sức yếu.

Làng văn học Việt Nam cũng như những người yêu văn học vừa đón nhận một nỗi đau mất mát khi cây đại thụ của văn học nước nhà, nhà văn Tô Hoài đã ra đi vì tuổi già, bệnh tật.

Nhà văn Tô Hoài và con gái năm 2012. Ảnh: CTV
Nhà văn Tô Hoài sinh ngày 27/9/1920 tại quê nội ở huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Đông, nay là Hà Nội trong một gia đình thợ thủ công. Tuy nhiên ông lớn lên ở quê ngoại là làng Nghĩa Đô, huyện Từ Liêm, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông (nay thuộc phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội). Thuở thiếu thời, ông đã phải làm nhiều nghề để kiếm sống như dạy trẻ, bán hàng, kế toán hiệu buôn,... và nhiều khi thất nghiệp.

Bén duyên văn chương, ông nhanh chóng được người đọc chú ý, nhất là với truyện Dế Mèn phiêu lưu ký. Năm 1943, khi mới 23 tuổi, nhà văn Tô Hoài gia nhập Hội Văn hóa cứu quốc. Trong kháng chiến chống Pháp, ông chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực báo chí, nhưng vẫn có một số thành tựu văn học quan trọng như Truyện Tây Bắc. Từ năm 1954 trở đi, ông tập trung vào sáng tác. Ông là cây bút sắc sảo của văn học Việt Nam suốt từ khi bắt đầu sáng tác năm 1941 cho tới tận khi tạm dừng việc sáng tác.

Bút danh Tô Hoài của ông gắn với hai địa danh: Sông Tô Lịch và Phủ Hoài Đức. Ngoài ra, ông còn sử dụng nhiều bút danh khác như Mai Trang, Mắt Biển, Thái Yên, Vũ Đột Kích, Hồng Hoa, Phạm Hòa...

Ông được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học - Nghệ thuật (đợt 1 - 1996) cho các tác phẩm: Xóm giếng, Nhà nghèo, O chuột, Dế mèn phiêu lưu ký, Núi Cứu quốc, Truyện Tây Bắc, Mười năm, Xuống làng, Vỡ tỉnh, Tào lường, Họ Giàng ở Phìn Sa, Miền Tây, Vợ chồng A Phủ, Tuổi trẻ Hoàng Văn Thụ.

Sau hơn 60 năm lao động nghệ thuật, ông đã có hơn 100 tác phẩm thuộc nhiều thể loại khác nhau: Truyện ngắn, truyện dài kỳ, hồi ký, kịch bản phim, tiểu luận và kinh nghiệm sáng tác. Một số tác phẩm đề tài thiếu nhi của ông được dịch ra nhiều tiếng nước ngoài.

Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên đánh giá Tô Hoài viết nhiều mảng đề tài từ truyện thiếu nhi đồng thoại, đến đề tài kháng chiến, Tây Bắc, miền Tây, nước ngoài. Đặc biệt mảng tự truyện gây nhiều ấn tượng. Dế Mèn phiêu lưu ký có thể nói là tác phẩm thiếu nhi được in nhiều nhất, đọc nhiều nhất và đưa tên tuổi Tô Hoài trở nên quen thuộc với độc giả Việt Nam nhiều thế hệ

Những năm cuối đời, ông sống với vợ chồng người con gái làm bác sĩ ở Nghĩa Đô. Ông cùng lúc mắc nhiều triệu chứng của bệnh tiểu đường, bệnh gút nên ở cùng con gái để tiện việc chăm sóc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nhà văn Tô Hoài qua đời
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO