Mở đường cho sách vào cuộc sống

HỒNG BÍCH| 21/06/2014 08:45

Những tiếng nói lo lắng về việc "một dân tộc không đọc sách rốt cuộc chỉ là một đám đông" không dừng lại ở sự than vãn. Đây đó, các trí thức trẻ và lớn tuổi đã hành động.

Mở đường cho sách vào cuộc sống

Những tiếng nói lo lắng về việc "một dân tộc không đọc sách rốt cuộc chỉ là một đám đông" không dừng lại ở sự than vãn. Đây đó, các trí thức trẻ và lớn tuổi đã hành động.

Đọc E-paper

Không gian đọc ở Hội An

Có thể nhiều người lạc quan khi biết doanh thu mỗi ngày của Fahasa tại Hội sách TP.HCM năm 2014 ở Công viên Lê Văn Tám là hơn 1 tỷ đồng, cũng như tự tin về một lớp trẻ đang chen chúc trong cái không khí hội sách vui vẻ đó.

Nhưng hội sách qua đi, mùa hè đã tới, sách hơn lúc nào hết lại chật vật tìm bạn đọc khi chúng ta thấy các thư viện ở thành phố vắng vẻ, toàn học trò mượn chỗ ôn thi. Tuy nhiên, những tiếng nói lo lắng về việc "một dân tộc không đọc sách rốt cuộc chỉ là một đám đông" không dừng lại ở sự than vãn. Đây đó, các trí thức trẻ và lớn tuổi đã hành động.

Ở Hội An, nhóm trí thức trẻ do nhà văn Khiếu Thị Hoài điều hành đã thành lập "Không gian đọc" hướng tới một chương trình nuôi dưỡng thói quen đọc sách và chia sẻ sách cho thiếu nhi. Những ngày cuối tuần, Không gian đọc ngày Chủ nhật  được bắt đầu với sách đưa tới các điểm công cộng trong phố cổ, ở đó trẻ em và cả du khách ngồi đọc thảnh thơi, tạo nên một cảnh tượng đẹp về văn mới ở di sản cũ.

Mong muốn của nhóm là không chỉ người dân phố cổ mà cả du khách trong nước và quốc tế khi đến lưu trú tại Hội An sẽ có một không gian đọc sách được ví như thư viện thu nhỏ. Tủ sách được thiết kế và đặt ở không gian rộng rãi, thoáng mát, nằm ngay giữa trung tâm thành phố nên người yêu sách dễ dàng tiếp cận hơn.

Trong những ngày đầu ra mắt, Không gian đọc ngày Chủ nhật đã đón tiếp hàng trăm lượt độc giả ghé đến đọc sách miễn phí. Các thành viên của nhóm lên mạng kêu gọi các nhà hảo tâm đóng góp sách, kinh phí và đã bổ sung được 500 cuốn phù hợp với nhiều lứa tuổi. Ngày 1/6 vừa qua, Không gian đọc Hội An đã tiến quân ra Cù lao Chàm tặng sách và giao lưu với trẻ em sống ngoài đó. Nhóm còn có kế hoạch tổ chức các buổi đọc sách tại các trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi, đưa sách vào các nhóm trẻ đường phố.

Một dự án khác có tên Book Box của Phương Huyên, một người viết và dịch sách trẻ, với kế hoạch đặt các tủ sách ở các địa điểm công cộng tại TP.HCM và Hà Nội, đã thực hiện được 4 tủ sách ở các quán cà phê.

Phương Huyên cho biết: "Với định hướng xây dựng được một mạng lưới Book Box trên cả nước, hình thành thói quen chia sẻ sách với cộng đồng và qua đó cải thiện ý thức của cá nhân trước các sản phẩm công cộng. Book Box khởi đầu chỉ với vài triệu đồng tự đóng góp, đã nhận được sự hỗ trợ của các tình nguyện viên ở khắp nơi và một số chủ quán cà phê.

Có nhiều người ủng hộ dự án mà không đòi hỏi bất kỳ điều gì. Khi tôi đề nghị đưa logo đơn vị hỗ trợ lên tủ sách, anh Bùi Kim Thông bên Toko Studio nói không cần thiết phải làm vậy".

Sau gần ba tháng khởi động, sách tại các hộp sách không có sự giám sát nhưng không vơi đi mà nhiều lên mỗi ngày. Có nhiều người chỉ lấy đi một cuốn nhưng bỏ vào ba, bốn cuốn... Sắp tới, những hộp sách mới sẽ tiếp tục được mở ra tại TP.HCM, Hà Nội và các địa phương khác như Đà Nẵng, Hội An...

Khi theo dõi toàn bộ vụ gây rối ở khu công nghiệp tại Bình Dương và Hà Tĩnh, nhiều người đổ tại trình độ nhận thức yếu kém của công nhân. Quả thật, nhìn vào đời sống văn hóa của công nhân thấy rất buồn, đọc sách báo đối với họ là điều xa xỉ.

Mới đây, nhà văn người Nga Zakhar Pripelin qua một nghiên cứu về văn hóa Nga đã phát biểu: "Hãy khuyến khích mọi công dân đọc sách để một dân tộc không trở thành một đám đông", điều này rất đúng khi ta quan sát vụ việc công nhân ở Bình Dương và Hà Tĩnh gây rối hồi giữa tháng 5 năm nay.

Chương trình Sách hay của Viện Nghiên cứu Phát triển Giáo dục (IRED) đã từng đưa nhiều ngàn cuốn sách vào các trại giam ở miền Bắc và miền Nam trong năm 2012-2013 để những người đang cải tạo có cơ hội tiếp cận với tri thức. Các khu công nghiệp tập trung nhiều công nhân rất cần những sáng kiến tương tự.

Các chủ doanh nghiệp, công đoàn cần tìm cách lập tủ sách, báo ở các hội trường hoặc nhà ăn để công nhân mượn đọc, đừng khô cứng như các mô hình thư viện, nên là tủ sách mở thân thiện như các mô hình nói trên. Ngay các doanh nghiệp với nhân viên có trình độ, việc khuyến khích đọc sách cũng vẫn có lợi và tạo nên phong cách văn hóa cho doanh nghiệp.

Nuôi dưỡng thói quen đọc sách cho mọi người là một việc làm hữu ích để chúng ta không biến thành một đám đông không biết tự tư duy, không tạo được đặc tính tốt đẹp biết vươn lên như những dân tộc khác.

>BeBook Neo - thành viên mới của thị trường sách điện tử
>Những sáng tạo cho ngày đọc sách
>
Giải pháp nào để chấn hưng văn hóa đọc?
>Văn hóa đọc và nhận thức của xã hội
>
Định nghĩa lại "văn hóa đọc"

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Mở đường cho sách vào cuộc sống
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO