Mang sân khấu tới học đường

HỒ HUY SƠN| 24/11/2013 07:07

Trong hai tháng 11 và 12, Sân khấu kịch Hồng Vân của NSND Hồng Vân sẽ diễn lần lượt 30 suất tại 30 trường trung học và trung học phổ thông (THPT) trên địa bàn TP.HCM (mỗi cấp học 15 suất) với hai vở Sinh nhật đại họa và Hỏi đáp.

Mang sân khấu tới học đường

Trong hai tháng 11 và 12, Sân khấu kịch Hồng Vân của NSND Hồng Vân sẽ diễn lần lượt 30 suất tại 30 trường trung học và trung học phổ thông (THPT) trên địa bàn TP.HCM (mỗi cấp học 15 suất) với hai vở Sinh nhật đại họaHỏi đáp. Đây là dự án Kết nối cộng đồng do Sân khấu kịch Hồng Vân khởi xướng và thực hiện, được Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) TP.HCM hỗ trợ kinh phí.

Đọc E-paper

Kết nối cộng đồng

Cách đây 4 năm, Sân khấu kịch Hồng Vân từng kết hợp cùng Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM để đưa nghệ thuật kịch nói đến với học sinh thông qua dòng văn học hiện thực phê phán bằng các vở kịch như Số đỏ, Nỏ thần... được chú ý. Tuy nhiên, hiệu ứng của chương trình chưa lan tỏa và sớm phải "đứt gánh giữa đường". Lý do lớn nhất vẫn là thiếu kinh phí.

"Một vở kịch ngoài nội dung, diễn xuất của diễn viên còn phải nhờ đến hiệu ứng sân khấu. Điều này chúng tôi không thể thực hiện được ở những sân khấu "dã chiến" như sân trường", NSND Hồng Vân thừa nhận. Theo chị, học sinh là những khán giả tuyệt vời và tiềm năng nhất.

> Nhạc kịch Đức tìm khán giả Việt
> Kịch nước ngoài loay hoay tìm khán giả
> Nhạc kịch Broadway: Cũ người, mới ta
> Kịch mới trên sân khấu Hoàng Thái Thanh
> Quốc Bảo: Và cuộc thử nghiệm với thanh xướng kịch

Do vậy, tuy thất bại ở dự án này nhưng ý định mang kịch đến gần hơn với khán giả nhí vẫn là tâm nguyện của bà bầu Hồng Vân. Mãi cho đến tháng 10 năm nay, khi biết tin Sở VH-TT-DL TP.HCM thành phố có chủ trương thành lập những đội kịch xung kích để diễn tại trường học, NSND Hồng Vân mới đề xuất dự án Kết nối cộng đồng và đã được chấp nhận.

Chị chia sẻ: "Ngoài việc hướng dẫn các em học sinh những kỹ năng cần thiết trong cuộc sống, mục đích lâu dài của chúng tôi khi thực hiện dự án này chính là chuẩn bị một lượng khán giả mới trong tương lai của kịch nói. Chúng tôi muốn ngay từ bây giờ mình phải làm sao đó để kịch nói trở thành nhu cầu của các em, để hình thành một lực lượng khán giả kế thừa cho sân khấu kịch nói, tránh tình trạng như sân khấu cải lương, chèo, tuồng, khán giả chỉ toàn người lớn tuổi".

Dự án Kết nối cộng đồng bao gồm các chủ đề: An toàn giao thông; Bảo vệ môi trường; Sức khoẻ cộng đồng; Phát triển nông thôn và giao tiếp học đường. Ở giai đoạn đầu, dự án tập trung vào chủ đề An toàn giao thông bằng hai vở kịch Sinh nhật đại họaHỏi đáp, được diễn luân phiên tại 15 trường trung học và 15 trường THPT. Suất diễn đầu tiên vừa diễn ra tại Trường THPT Marie Curie vào ngày 11/11 và Trường Trần Hưng Đạo vào ngày 14/11.

Mỗi vở kịch nằm trong dự án gồm 55 phút, được kết cấu thành ba phần: 35 phút đầu diễn kịch, 5 phút tiếp theo để MC giới thiệu về vở kịch, còn lại 15 phút dành cho gameshow. Đối với cấp THPT, phần gameshow chính là khoảng thời gian để khán giả và diễn viên tương tác với nhau. Còn đối với cấp TH, 15 phút cuối sẽ dành để chơi trò chơi và hỏi đáp về an toàn giao thông.

Tấm lòng tập thể

Theo nghệ sĩ Hồng Vân, ban đầu để đưa kịch vào trường học không đơn giản vì những chương trình mang tính tuyên truyền cổ động đã có rất nhiều người làm trước đó nhưng không mấy hiệu quả khiến nhà trường khá dè dặt. Tuy nhiên, với sự hỗ trợ từ Sở GD&ĐT, đặc biệt là sau suất diễn đầu tiên tại Trường Marie Curie thì hiệu trưởng các trường học cũng đồng ý để dự án Kết nối cộng đồng về trường mình biểu diễn.

Vấn đề còn lại chỉ là khán giả. "Tôi muốn những vở kịch phải thực sự là món ăn đúng với vị của các em. Thông qua hình thức nhẹ nhàng, hài hước, không bị lên gân hay quá đề cao tính cổ động, tự các em sẽ sống trong vở kịch đó, để biết mình có nên làm hay không nên làm, đúng hay sai khi gặp những tình huống tương tự ở ngoài đời", nghệ sĩ Hồng Vân cho biết thêm.

Ban đầu, mục tiêu của chương trình khá khiêm tốn: Trong 10 em, chỉ cần 2 đến 3 em thích loại hình kịch nói nhưng rất mừng là sau hai suất diễn đầu tiên, từ giáo viên đến học sinh đều đón nhận nhiệt tình. "Chìa khóa" để chinh phục khán giả mà nghệ sĩ Hồng Vân gọi là "khán giả kế thừa" chính là mời các ngôi sao tham gia vào vở diễn.

NSND Hồng Vân cho biết: "Chúng tôi mời các ngôi sao đã được các em yêu mến như Minh Nhí, Hòa Hiệp, Ốc Thanh Vân, Mai Phương, Tiến Thành... Khi có sự xuất hiện của diễn viên mà mình yêu thích, các em sẽ chăm chú theo dõi câu chuyện, giúp các em thẩm thấu vở kịch một cách hiệu quả nhất".

Ngoài kinh phí mà Sở VH-TT-DL thành phố hỗ trợ, Sân khấu kịch Hồng Vân còn nhận được kinh phí của hai nhà tài trợ nhưng số tiền này chỉ đủ để phát cho anh em diễn viên và công nhân. So với cát-sê của diễn viên phim truyền hình hay ca sĩ, cát-sê của các diễn viên trong dự án này có khi chỉ bằng... một bữa nhậu.

Bởi vậy, những người đồng ý tham gia phải là những người thực sự rất yêu nghề. Giống như nghệ sĩ Hồng Vân chia sẻ: "Khi nhìn thấy những sân khấu cải lương rồi tuồng chèo vắng khán giả, tôi cũng rất lo. Thời buổi này, diễn viên nào gắn bó với sân khấu là những người đam mê và yêu nghề thực sự".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Mang sân khấu tới học đường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO