Mái trường thân yêu - Cuốn sách gieo ước mơ

NGƯT NGUYỄN NGỌC KÝ| 25/11/2015 04:39

Tác phẩm Mái trường thân yêu của tác giả Lê Khắc Hoan vừa tái bản lần thứ 11, in chung với thiên ký sự Thầy giáo của những học sinh giỏi toán của tác giả Đỗ Quốc Anh.

Mái trường thân yêu - Cuốn sách gieo ước mơ

Ngay từ khi ra mắt vào năm 1964, tác phẩm Mái trường thân yêu của tác giả Lê Khắc Hoan đã tạo nên sự đón nhận đầy bất ngờ: Xuất bản lần đầu tiên với 35.000 bản và được bán hết chỉ trong vòng vài tháng. Tác phẩm cũng từng đạt giải thưởng Sách hay năm 2011. Mới đây, Mái trường thân yêu tái bản lần thứ 11, in chung với thiên ký sự Thầy giáo của những học sinh giỏi toán của tác giả Đỗ Quốc Anh.

Đọc E-paper

Năm 1964, Mái trường thân yêu được ra mắt. Lúc đó, tôi đang học lớp 8. Tôi đã say sưa đọc nó ngay trong một buổi tối. Cuốn sách cuốn hút tôi trước hết bởi nó được kể ở ngôi thứ nhất theo dạng tự truyện rất giản dị, tự nhiên. Đọc đến đâu tin đến đo, cứ tưởng tất cả mọi tình tiết đều là thật 100%. Điều tôi say mê nhất là cuốn sách đã phản ánh được những điều rất gần gũi, và tôi cảm thấy dường như tác giả viết về Việt, Loan, Mạnh... hay những nhân vật khác trong sách nhưng lại giống như đang viết về chính mình.

Những mẩu chuyện rất đời thường, gần gũi xoay quanh các mối quan hệ gia đình, thầy trò, bạn hữu. Cùng với đó là những sự kiện, sự việc, những hoạt động sôi nổi bất ngờ diễn ra tại một trường cấp 2 ở một vùng quê đang đổi mới từng ngày, như xây dựng Vườn Địa lý, Vườn Sinh học, những hoạt động Măng non... mà hầu như tất cả các trường ở miền Bắc trong những năm đó có nếp sinh hoạt giống nhau. Chính điều đó làm cuốn sách rất gần gũi, và trở thành kỷ niệm chung của thế hệ bạn đọc trong những năm đó.

Điều thú vị của cuốn sách còn đến từ cách viết hết sức dí dỏm, hài hước; đọc tác phẩm không chỉ giúp bạn đọc được cười vui mà còn thấm thía những thông điệp đầy ý nghĩa tác giả gửi gắm. Lê Khắc Hoan đã đưa những bài học giáo dục vào tác phẩm một cách mềm mại, nhờ vậy mà chúng thấm vào tim, vào óc người đọc. Nó làm cho mỗi học sinh nhận ra, không chỉ phấn đấu để học giỏi mà còn cần có tấm lòng nhân ái vì tài và đức luôn phải song hành với nhau.

Bên cạnh những nhân vật tích cực, những bông hoa rực rỡ sắc hương trong vườn hoa Hai Tốt của trường như cô giáo Mùi rất đáng phục, đáng yêu, bạn Loan sắc sảo, bạn Chiến chịu thương chịu khó, bạn Mạnh lém lỉnh, thông minh, bạn San nghịch ngầm nhưng tốt bụng, chúng ta bắt gặp xuyên suốt truyện là nhân vật Việt - một học sinh từ thị xã mới về nông thôn học, học lực giỏi, rất thông minh, chăm đọc sách, song luôn đố kỵ, ích kỷ, khó hòa đồng đã được tác giả khắc họa với bút pháp phê phán khá tinh tế, nhẹ nhàng mà ấn tượng, thuyết phục.

Đồng hành cùng những câu chuyện, những kỷ niệm Việt kể trong suốt hơn 200 trang sách mà cứ tưởng đó là chuyện của chính mình, của lớp mình, trường mình. Điều đó càng chứng tỏ nhà văn Lê Khắc Hoan đã rất công phu trải nghiệm, tích góp vốn sống thực tế phong phú, chọn lọc về trường học để khái quát nâng lên tới mức điển hình hóa tiêu biểu, khó có tác phẩm nào viết về nhà trường trong thời kỳ này có được.

Tôi mang theo tình yêu với Mái trường thân yêu từ những ngày còn quàng khăn đỏ lên tới đại học. Chính tác phẩm của Lê Khắc Hoan đã nhen nhóm trong tôi mơ ước và ý tưởng về một cuốn sách của riêng mình, một cuốn sách cũng viết về trường học như vậy. Đó chính là động lực để tôi viết cuốn tự truyện Những tháng ngày không quên, về sau được tái bản với tựa Tôi đi học.

Năm 1970, tôi tốt nghiệp đại học, trở về quê nhà dạy học. Những ngày bắt đầu sự nghiệp trồng người, tôi lại lần giở Mái trường thân yêu để đọc. Không còn là một cậu học trò đeo khăn quàng đỏ như năm nào, giờ tôi đọc cuốn sách với vị trí của một người thầy. Tôi nhận ra, mình phải luôn đặc biệt quan tâm đến việc giáo dục đạo đức cho học trò bên cạnh giáo dục tri thức. Đi theo "tôn chỉ” đó, tôi đã gặt hái nhiều thành công trong công tác chủ nhiệm lớp trước khi trở thành giáo viên dạy giỏi.

Hơn 50 năm trôi qua, khi được nhờ viết lời tựa cho cuốn sách trong lần tái bản thứ 11, tôi lại có dịp đọc lại Mái trường thân yêu. Đọc lại, tôi vẫn thấy cuốn sách còn nguyên giá trị, và nó đặc biệt cần thiết đối với thầy, cô giáo ngày hôm nay. Nhờ cuốn sách, mỗi thầy, cô sẽ biết được rằng, để làm tốt thiên chức giáo dục của mình thì mỗi người phải phấn đấu như thế nào, phải có quan hệ với học trò ra sao và cách giáo dục học trò như thế nào để hài hòa giữa cái đức và cái tài. Nhiều thầy, cô hiện nay chỉ quan tâm đến giáo dục tri thức mà sao lãng việc giáo dục đạo đức cho học trò, như thế sẽ làm hỏng các em.

Cuốn sách ra đời đã hơn 50 năm, song giá trị hiện thực, nhân văn và tư tưởng vẫn còn nguyên giá trị. Không những thế, qua câu chuyện về Việt, tác phẩm còn nhắn gửi những người làm giáo dục trước đây cũng như hiện nay đừng bao giờ quên nguyên lý: Dạy chữ luôn gắn với dạy làm người, "tiên học lễ, hậu học văn" là thế.

>[Infographic] Khảo sát về thói quen đọc sách in

>Người thầy giáo giữ kỷ lục tạo hình bằng vỏ trứng nhiều nhất VN

>Thầy giáo 4 triệu USD

>Cách dạy tiếng Anh hiệu quả của một thầy giáo Hàn Quốc

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Mái trường thân yêu - Cuốn sách gieo ước mơ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO