Mạch ngầm boléro

HOÀNG LINH LAN| 11/12/2014 04:50

Như cuộc đời, boléro trải bao thăng trầm thấm thía. Lúc được xưng tụng hết lời, lúc bị chê bai không thương tiếc. Có lẽ do vậy nên boléro càng đượm "nỗi đời" càng trở nên gần gụi.

Mạch ngầm boléro

Như cuộc đời, boléro trải bao thăng trầm thấm thía. Lúc được xưng tụng hết lời, lúc bị chê bai không thương tiếc. Có lẽ do vậy nên boléro càng đượm "nỗi đời" càng trở nên gần gụi. Và dẫu đời sống biến thiên thế nào chăng nữa thì boléro vẫn âm thầm len lỏi như những mạch ngầm, lẩn khuất đâu đó rồi lại cất lên réo rắt, làm lay động lòng người.

Đọc E-paper

Tơ vương giữa dòng

Không ít người mặc định boléro là dòng nhạc của tầng lớp bình dân. Điều này được minh chứng qua các nghiên cứu của những nhà văn hóa trong và ngoài nước như Toan Ánh, Jason Gibs, nhà thơ Đỗ Trung Quân, nhạc sĩ Tuấn Khanh...

Hai lý do chính để các nhà văn hóa rút ra kết luận trên là: thứ nhất, boléro phản ánh hay dễ hiểu hơn, nó là tiếng lòng của giới tiểu tư sản thị dân từ quê lên phố, đầy nỗi niềm, lo toan trước cuộc sống phố thị. Điều này đồng thời trở thành tiền đề cho nguyên nhân thứ hai: giai điệu chân phương, ca từ dễ hiểu, nghĩ gì nói nấy chứ không văn chương bóng bẩy, không ẩn dụ hàn lâm.

Nói như vậy không có nghĩa là ca từ của nhạc boléro bị đẩy xuống mức tầm thường hóa, thậm chí "thô thiển" như một số ca khúc "độc, lạ” đang thịnh hành trong giới trẻ hiện nay.

Ví như đôi câu: "Ngày buồn dài lê thê/ Có hôm chợt nghe gió lạnh đâu tìm về/ Làm rét mướt qua song len vào hồn/ Làm khô môi biết bao nhiêu lần rồi..." chất chứa trong đó sự ngọt ngào, đằm thắm, cái đẹp không hoa hòe, màu mè.

Nhờ lối thể hiện chân phương ấy mà boléro đã tạo nên một "thư viện âm nhạc toàn dân" độc đáo, len đến mọi ngóc ngách trong đời sống thường nhật, dù của người bình dân hay tầng lớp trí thức.

Trong dòng chảy của nhạc trẻ và trước sự du nhập ồ ạt của nhiều xu hướng nhạc thế giới, ngỡ ngàng trước cơn gió mới, suốt một thời gian dài, đặc biệt là khoảng cuối thập niên 1990 đến những năm giữa thế kỷ XXI, boléro gần như biến mất khỏi thị trường âm nhạc. Thay thế những Bích Phượng, Ngọc Sơn, Đình Văn, Đông Đào... là những ca sĩ trẻ đình đám với những bản canto pop sôi động.

Không quá lời khi nói nhạc trẻ lúc ấy như một "xoáy lốc" cuốn phăng mọi thứ trên đường nó đi qua. Boléro lặng lẽ co mình, cay đắng hơn còn bị chê bai là sến sẩm, quê mùa.

Phòng trà, các sân khấu, tụ điểm ca nhạc, nhất là ở các thành phố lớn, vắng bóng boléro. Boléro trở về với đời sống sông nước, hồn nhiên theo những chuyến xe đò, những chuyến lưu diễn, mênh mông với đồng ruộng, bưng biền, ao vườn.

Đôi môi cô thôn nữ, chàng trai quê dẫu có ngân nga đôi bài nhạc trẻ hoặc biệt quê lên phố mưu sinh thì tâm thức vẫn bám ruộng, bám đồng. Có lẽ, boléro tồn tại nhờ cái tiềm thức ấy.

Bừng lên ánh sáng

Tâm lý, nhu cầu thưởng thức tạo nên nguồn cung. Một số ca sĩ trẻ bắt đầu mạnh dạn hát boléro. Cẩm Ly là gương mặt tiêu biểu mở đường cho xu hướng này. Sau đó là Đàm Vĩnh Hưng lấn sân với những bản boléro trên sân khấu lớn.

Mạch nguồn tiếp tục được khơi thông, cô ca sĩ trẻ đất Hà Thành Lệ Quyên vào Nam lập nghiệp cũng chọn hát nhạc boléro. Và còn nhiều ca sĩ trẻ nữa đã mạnh dạn gắn bó với boléro như Cát Tiên, Huỳnh Thật, Đoàn Minh... qua các đêm nhạc ở các phòng trà và tụ điểm ca nhạc.

Bên cạnh đó, sự "tái xuất" của những giọng ca vàng một thuở làm đắm say lòng người như "nhạn trắng Gò Công" Phương Dung, "nữ hoàng sầu mộng" Giao Linh, "ông hoàng nhạc sến" Chế Linh... cùng sự xuất hiện của một số chương trình ca nhạc như: Tình khúc vượt thời gian, Sol vàng,Câu chuyện âm nhạc, Dấu ấn... và các đêm nhạc dành riêng cho boléro như đêm nhạc Vinh Sử, Thanh Sơn... khiến boléro bung tỏa.

Mặt khác, khi thị trường nhạc hiện tại không thỏa mãn được nhu cầu nghe, người nghe lại muốn hướng đến những giá trị thuần Việt thì việc họ tìm đến boléro nói riêng và nhạc xưa nói chung là điều tất yếu. Sau thời gian bị lãng quên, boléro bừng sáng mãnh liệt.

"Dấu ấn" quan trọng nhất khiến mạch ngầm boléro vươn mình thành suối phải kể đến những chương trình truyền hình thực tế. Đậm nét nhất là X-Factor. Trong khi số đông ca sĩ chọn nhạc Tây, nhạc Hàn thì Quang Đại dũng cảm mang đến làn gió trong trẻo với Về đâu mái tóc người thương (Hoài Linh), Hà Vân với Còn thương rau đắng mọc sau hè (Bắc Sơn).

Ban tổ chức chương trình truyền hình thực tế dành riêng cho boléro do Khang Media phối hợp với Đài Truyền hình Vĩnh Long thực hiện, có tên gọi "Solo cùng boléro", tiết lộ, trong 1.000 thí sinh tham dự ở Cần Thơ thì có đến gần 500 thí sinh chọn hát Về đâu mái tóc người thương với lý do "hâm mộ giọng hát anh Quang Đại".

Trong nửa tháng phát động, "Solo cùng boléro" đã thu hút được hơn 7.000 thí sinh với nhiều ngành nghề, nhiều độ tuổi, ở khắp trong Nam ngoài Bắc tham dự. Nhiều thí sinh đã nộp hồ sơ vẫn lặn lội từ Nha Trang, Lạng Sơn vào TP.HCM đăng ký thêm lần nữa cho... chắc ăn. Có thí sinh đi thi chỉ để được hát cho Ban giám khảo nghe là đủ mãn nguyện, hoặc để được thỏa ước mơ gặp mặt thần tượng.

Boléro đang hồi sinh mạnh mẽ với sự tươi mới, thỏa mãn một bộ phận người nghe yêu thích dòng nhạc này cũng như khẳng định chỗ đứng trong thị trường nhạc Việt.

>Người trẻ lan tỏa văn hóa
>Thế hệ khán giả mới của Lưu Quang Vũ
>
Khoác lại áo xưa
>Nỗi lo "tầm thường hóa" di sản

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Mạch ngầm boléro
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO