Lối nào ra lộ?

HOÀNG YẾN| 18/12/2009 09:51

Đại hội đại biểu toàn quốc lần VII của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam (NSSK) vừa khép lại cuối tuần qua tại Hà Nội cùng với một Ban chấp hành mới là những gương mặt cũ.

Lối nào ra lộ?

Đại hội đại biểu toàn quốc lần VII của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam (NSSK) vừa khép lại cuối tuần qua tại Hà Nội cùng với một Ban chấp hành mới là những gương mặt cũ. Thực trạng của con thuyền sân khấu lại đang rất chòng chành, rất cần những nhân tố mới để chèo lái...

Quẩn quanh đường mòn

Những ai đã có dịp xem các vở diễn ở nước ngoài (chẳng phải đi xa đến Broadway mà hãy cứ xem ở các nước lân cận, như Trung Quốc, Thái Lan, Philippines...) càng thấy... tủi cho sân khấu nước nhà. Cũng chẳng phải đi đâu, khi xem vở diễn của các nghệ sĩ nước bạn đến Việt Nam trong những chương trình giao lưu văn hóa, sẽ thấy khoảng cách khá xa giữa bạn với ta về nhiều mặt, từ tư tưởng vở diễn, cung cách dàn dựng, đến diễn xuất của diễn viên...

Mỹ nhân và anh hùng: Vở diễn đoạt huy chương vàng Hội diễn Sân khấu kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc 2009 nhưng chỉ dễn được vài buổi rồi...bỏ kho

“Quả thực, dường như sân khấu hôm nay vẫn đang luẩn quẩn trong cái bóng của chính mình, theo con đường mòn cũ kỹ, chứ chưa có sự cách tân, chuyển biến hợp với xu thế hội nhập. Sân khấu có nguy cơ tự biến mình thành một nền nghệ thuật thông tấn, nặng tính báo chí, mà đánh mất chức năng cao quý của văn học nghệ thuật nói chung là tính dự báo”, NSƯT Lê Chức, Phó chủ tịch thường trực Hội NSSK Việt Nam khóa VI vừa tái đắc cử, nhận định.

Hà Nội là cái nôi sinh thành nền sân khấu kịch Việt Nam. Sau gần 90 năm, kịch Hà Nội đã trải qua thời kỳ hoàng kim. Khi chuyển sang kinh tế thị trường, trong khi kịch TP.HCM có xu hướng ngày càng phát triển cả chiều rộng và chiều sâu với nhiều sân khấu xã hội hóa và nhiều vở dã sử đầu tư lớn, hiệu quả cao, thì kịch Hà Nội lại có dấu hiệu ngày càng đi xuống. Những vở “xã hội hóa” rất ít ỏi và chỉ diễn một vài buổi nhân sự kiện nào đó. Nền sân khấu huy hoàng thủa nào rơi vào tình cảnh khan hiếm kịch bản hay, thiếu hụt đội ngũ kế thừa...

Đến mức, trước thềm Đại hội, NSND Doãn Hoàng Giang, năm nay 71 tuổi, giữ chức Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật của Hội NSSK Việt Nam khóa VI, nói với báo chí: “Chưa có ai thay thế chúng tôi”. Còn NSND Thế Anh cho rằng, cái thiếu hiện nay ở những người cầm trịch của Hội là tuổi trẻ, sự năng động, nhạy bén. Ông nói: “Theo tôi, Ban chấp hành cũ nên tuyên bố từ chức, mời các vị bầu những người hoàn toàn mới để đảm đương công việc này”.

Thẳng thắn nhìn nhận nguyên nhân của tình trạng trì trệ hiện nay không hoàn toàn thuộc về những người làm nghệ thuật, NSƯT Lê Chức nói: “Những bất cập trong duyệt tác phẩm sân khấu khiến nhiều tác giả rất băn khoăn, không biết có nên cổ động cho cái mới hay không, vì cái mới thì luôn đồng nghĩa với cái lạ, cái khác. Không ai lại bỏ công sức, tâm huyết để viết nên những tác phẩm mà không thể dự đoán nó có được ra đời hay không... “Nếu cứ quanh quẩn trong ranh giới của sự an toàn thì không thể phát triển được. Hãy để người sáng tạo chịu trách nhiệm về chính tác phẩm của mình, và khán giả sẽ là người thẩm định cuối cùng cho giá trị đích thực của mỗi tác phẩm nghệ thuật”, ông Chức quả quyết.

Lối nào ra lộ?

Đại hội khóa VII đã bầu NSND Lê Tiến Thọ, Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, làm Chủ tịch Hội. Ba phó chủ tịch gồm: nhà viết kịch Lê Duy Hạnh, NSƯT Lê Chức, NSND Lê Hùng. Theo tân Chủ tịch Hội, trong năm 2010 và những năm tới, Hội sẽ tổ chức nhiều trại sáng tác kịch bản chuyên sâu theo từng đề tài, một năm có thể có từ 3 - 5 trại sáng tác. Hội sẽ kết hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cục Nghệ thuật Biểu diễn tổ chức các hội thảo về sân khấu, biên kịch, cải lương, chèo, tuồng, dân ca sau các đợt hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc...

Có rất nhiều đề án sẽ được tập trung xây dựng và triển khai, như: xã hội hóa hoạt động của sân khấu tại Thủ đô Hà Nội; nâng cao chất lượng Tạp chí Sân khấu; trao giải thưởng hằng năm; sân khấu thử nghiệm trong nước và quốc tế; xây dựng Trung tâm Bảo tồn và Phát triển sân khấu; xây dựng kênh thông tin quảng bá sân khấu; tổ chức Liên hoan Sân khấu 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội...

Kịch bản và nghệ sĩ được coi là hai vấn đề then chốt đối với hoạt động sân khấu. Đặc biệt, trong thời điểm hiện nay, khi sân khấu phải đối mặt với nhiều cạnh tranh như truyền hình, điện ảnh..., thì càng đòi hỏi phát huy tính sáng tạo, linh hoạt và tài năng của người nghệ sĩ. Bên cạnh việc đầu tư cho các tác giả để có được kịch bản sân khấu tốt, Hội cũng chú trọng tới việc đào tạo, tạo điều kiện phát triển thông qua các hội diễn, trại sáng tác, hội thi tài năng... nhằm khơi dậy tài năng của lực lượng diễn viên trẻ vả các nhà viết kịch trẻ, góp phần tạo nên đội ngũ kế cận phát triển cả về chất và lượng.

Tuy nhiên, 15 người trong ban chấp hành, nhưng chỉ mình NSƯT Hồng Vân được coi là đại diện cho sân khấu xã hội hóa. Sự tham gia quá ít của khu vực sân khấu này trong ban chấp hành tạo nên sự mất cân đối, khi sân khấu xã hội hóa ngày càng phát triển mạnh mẽ, tạo nên diện mạo sân khấu nước nhà nhiều năm nay. Thêm vào đó, còn thiếu những gương mặt trẻ năng động được bầu vào ban chấp hành và hầu hết vẫn là những người quen thuộc của nhiệm kỳ trước. Kết quả này trên cơ sở phiếu bầu càng phần nào cho thấy cái nhìn không mới và có phần dè dặt đối với những nhân tố mới. Đây là nguyên nhân chính cản trở sự phát triển của sân khấu những năm gần đây.

Hội NSSK Việt Nam có 2.500 hội viên ở cả ba thế hệ tuổi đời, ở nhiều kịch chủng, vùng miền, trong và ngoài lực lượng vũ trang, trong và ngoài công lập, và nhiều nhóm, nghệ sĩ tự do. Trong đó, đông nhất là diễn viên: 196, đạo diễn: 74, nhà quản lý: 83, nghệ sĩ nhân dân: 78 và nghệ sĩ ưu tú: 550. Tám nghệ sĩ được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, 14 nghệ sĩ được tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.


(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Lối nào ra lộ?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO