Làng “Vua Lửa”

VĂN CÔNG HÙNG| 13/05/2009 04:50

Từ trung tâm thành phố Pleiku, vượt qua đèo Chư Sê là sẽ đến một vùng đất cực đẹp, một đồng bằng giữa cao nguyên hùng vĩ với 13.500 ha ruộng lúa nước. Chính giữa thảm lúa, ngọn núi Chư Tao Yang chứa trong lòng một huyền thoại, một sự kiện văn hóa tín ngưỡng: Cây gươm thần của Pơtao Puih (Vua Lửa).

Làng “Vua Lửa”

Từ trung tâm thành phố Pleiku, vượt qua đèo Chư Sê là sẽ đến một vùng đất cực đẹp, một đồng bằng giữa cao nguyên hùng vĩ với 13.500 ha ruộng lúa nước. Chính giữa thảm lúa, ngọn núi Chư Tao Yang chứa trong lòng một huyền thoại, một sự kiện văn hóa tín ngưỡng: Cây gươm thần của Pơtao Puih (Vua Lửa).

Ngọn núi giấu gươm thần

Cửa hang chỉ rộng chừng 70cm. Lách qua cửa hang này sẽ gặp một nhánh hang nữa. Và đây chính là nơi chiếc gươm đang ẩn mình. Người duy nhất có thể vào hang sau khi đã làm lễ cúng là Pơtao Puih Siu Luynh, đời Vua Lửa cuối cùng ở Tây Nguyên. Nhưng ông đã băng hà năm 1999. Bên cạnh núi Chư Tao Yang là Plei Ơi (làng Ơi), quê hương của các Vua Lửa. Plei Ơi thuộc xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện, Gia Lai.

Trong hệ thống các “vua” mang yếu tố thần quyền ở Tây Nguyên gồm “vua” lửa, “vua” nước, “vua” gió... thì “vua” lửa là người có vai trò lớn trong đời sống tinh thần các tộc người Tây Nguyên, đặc biệt là người Gia Rai. Siu Luynh là Pơtao thứ 14 ở Tây Nguyên. Lần đầu tôi gặp ông, Siu Luynh không khác gì người bình thường, cũng đi làm rẫy kiếm ăn, lấy vợ sinh con, và ngài cũng... đòi tiền khi nhà báo đề nghị chụp ảnh.

Quyền hạn thực sự của ông là quyền cúng cầu mưa và mưa nhiều ông lại cúng cho hết mưa. Thanh gươm của “vua” theo huyền thoại là gươm thần được luyện bằng máu người mới nguội. Đây là một thanh gươm chưa ai thấy bao giờ. Tôi sống ở Gia Lai đã gần ba chục năm, nhiều lần ngồi uống rượu với “vua”, nhiều lần lởn vởn quanh cái hang ấy, nhưng chưa bao giờ dám hó hé chuyện gươm.

Vua Lửa Siu Luynh

Theo truyền thuyết, thanh gươm của Pơtao Puih có nguồn gốc như sau: Nó do anh em T’dia và T’diêng rèn từ một hòn đá ở núi Hàm Rồng (là một miệng núi lửa khổng lồ cách trung tâm TP Pleiku về phía Nam khoảng chục cây số), nhưng khi rèn xong, thanh gươm cứ đỏ rực, không chịu nguội, nhúng vào ghè ghè cạn, nhúng xuống suối suối khô, nhúng xuống sông sông hết nước...

Cuối cùng, người ta phải nhúng bằng máu các nô lệ(?) và ai sở hữu thanh gươm này sẽ nói chuyện được với thần linh. Tôi nhiều lần được tiếp xúc với “vua”, chỉ thấy đó là một người đàn ông Gia Rai hiền lành, cũng lam lũ lắm, đến nhà ban ngày bao giờ cũng phải nhờ người lên rẫy tìm, cách nhà hàng năm, bảy cây số. Ông suốt ngày làm việc trên ấy, duy chỉ một việc ranh mãnh là... làm kinh tế từ danh hiệu “vua”: ai muốn chụp ảnh ông đều phải trả tiền.

Làng “vua” lửa ở là Plei Ơi đã được Bộ Văn hóa Thông tin (cũ) công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia từ năm 1993. Khi Siu Luynh mất, cả Plei Ơi và các vùng phụ cận đều đi đưa. Nghi lễ đám ma của ông khác người thường một chút: Thi hài không đặt trên sàn nhà mà đặt dưới đất theo hướng Đông Tây và được liệm trong một cây gỗ to khoét rỗng ruột. Nhà mồ hiện đại lợp ngói và trang trí rất đẹp, nhưng không có tượng mồ như phong tục của người Tây Nguyên, vì tuy ông chết nhưng hồn ông vẫn còn ở với dân làng để giúp những người kế vị làm việc tốt hơn.

Nhà vua Lửa ngày xưa

Chúng tôi vừa trở lại Plei Ơi, ngôi làng cũ bây giờ về cơ bản đã khác hoàn toàn. Ngày xưa, ngôi làng này mang vẻ đẹp đặc trưng Gia Rai với những ngôi nhà sàn liền kề, quây quần quanh ngọn núi Chư Tao Yang. Nhà Vua Lửa vững chãi ở ngay đầu làng. Cầu thang lên nhà nhẵn bóng dấu tay người. Trong nhà chứa nhiều đồ quý như trống, chiêng, ché cổ... Bây giờ nhà xây nhiều hơn nhà sàn, đường làng thẳng tắp, dây điện, cột ăng ten ngất nghểu chẳng khác gì những ngôi làng của người Kinh...

Ngôi nhà sàn cũ của Vua Lửa để không, cũ nát, xiêu vẹo. Bà vợ ông Siu Luynh còn sống, ở cùng với con cháu trong ngôi nhà xây, nền xi măng cách đấy khoảng năm chục mét. Cái trống da voi trắng để sau lưng cái tivi. Bộ chiêng cổ xếp dưới gầm giường, bụi và mạng nhện giăng đầy. Có một điều lạ, có thể là vô tình: Khi tôi xem các tấm ảnh chụp đã lâu, tất cả những tấm chụp bộ chiêng, trống cổ của “vua” và bà vợ “vua” đều bị thừa sáng, mất nét, nhòe nhoẹt, còn những bức khác thì không sao...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Làng “Vua Lửa”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO