Làng văn hóa Việt khó giữ được bản sắc

THIÊN THANH| 21/07/2012 07:19

Làng văn hóa của các dân tộc thiểu số Tây Nguyên đã không còn giữ được nguyên bản những tập tục, những lễ hội thể hiện cái hồn văn hóa của làng, mà đua nhau chạy theo làn sóng hiện đại, tạo ra những nét văn hóa bản địa lai tạp.

Làng văn hóa Việt khó giữ được bản sắc

Làng văn hóa (LVH) của các dân tộc thiểu số Tây Nguyên đã không còn giữ được nguyên bản những tập tục, những lễ hội thể hiện cái hồn văn hóa của làng, mà đua nhau chạy theo làn sóng hiện đại, tạo ra những nét văn hóa bản địa lai tạp.

Đọc E-paper

Đua voi Tây Nguyên - Ảnh: Đức Thiện

Tránh đem sân khấu về làng

Năm nào tôi cũng dành một tuần để sống với Tây Nguyên. Có năm chỉ đi nghe người Gia Rai cầu kinh trong nhà thờ gỗ đầu làng. Có ngày ngồi mãi ở bản Đôn xem người Lào, người Ê Đê kinh doanh voi. Có lúc vượt 120km từ thủ phủ Pleiku vào Kon Sơ Lăng chỉ để ngắm một ngôi làng đã bị chính các chủ nhân cũ từ bỏ trong cuộc định cư ra quốc lộ.

Làng cũ tuyệt đẹp với những ngôi nhà cổ truyền, chạm khắc tỉ mỉ bởi bàn tay nghệ nhân núi rừng, các nhà nghiên cứu bảo xứng đáng là bảo tàng điêu khắc kiến trúc Ba Na.

Kỳ công như thế cũng bởi vào Nam ra Bắc, đến nhiều LVH cấp “Trung ương” như LVH Đồng Mô được ngân sách tài trợ, đến những LVH cấp huyện ở Sa Pa, Bắc Hà, rồi Tây Nguyên, dù đã mời bao chuyên gia tư vấn, hầu hết cũng chỉ dừng lại ở mô hình bởi khó tạo dựng nên một ngôi làng khi các di sản văn hóa vật thể có đầy đủ nhưng làm sao bảo tồn được những di sản phi vật thể vốn đóng góp giữ “hồn” cho chính không gian làng ấy.

Xin kể câu chuyện cụ thể thế này: Một lần nghe những âm thanh cồng chiêng lan rộng dưới thung lũng ở gần ngã ba Cheo Reo, tôi cảm thấy lòng rung động khi người bạn đường nói rằng bất cứ người Ba Na nào cũng hiểu đó là tiếng chiêng đánh lên mời bà con thân thuộc của họ đang sống ở làng bên cạnh đến dự lễ hội Powthi, lễ bỏ mả người thân.

Tôi thắc mắc: “Người Ba Na đã biết sử dụng điện thoại di động trên rẫy cà phê, còn đánh chiêng mời làm gì?”. Nhưng người dẫn đường khẳng định, lễ hội Powthi phải bắt đầu từ tiếng chiêng mời chứ không phải “alô” hay gửi giấy.

Không có tiếng chiêng ấy người già sẽ thấy bị xúc phạm, dân làng sẽ không đến dự. Sự hưng phấn ấy không bao giờ lặp lại khi tham dự các lễ hội cồng chiêng “quốc doanh” được tổ chức liên tục kể từ khi “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” được UNESCO vinh danh và đưa vào danh sách bảo tồn.

Những tập tục tinh tế như vậy làm sao có thể bảo tồn, giữ gìn để giữ được hồn văn hóa cho một ngôi làng. Chính vì vậy cũng dễ hiểu những LVH chưa trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn khi bám víu vào mô hình vật thể và sân khấu hóa lễ hội như cách làm hiện nay.

Khi đến thăm LVH Các dân tộc Việt Nam ở Đồng Mô, một quần thể tái hiện cấu trúc làng, bản các dân tộc Việt Nam với quy hoạch, kiến trúc dân gian, cộng đồng và tín ngưỡng, có thể nhận thấy sự kỳ công trong cách tổ chức để các chủ thể văn hóa tự giới thiệu làm sống dậy các giá trị văn hóa làng.

Tuy nhiên, đây đó không tránh khỏi cảm giác xem biểu diễn khi các nghệ nhân ngày nào cũng “diễn” nên mất cảm xúc và ngày càng chuyên nghiệp. Một vị khách nước ngoài nhận xét: “Khi đi tham quan LVH, du khách muốn nhìn thấy cái đặc sắc nằm trong không gian bình thường, nếu các bạn quá chú trọng sắp đặt, gọt tỉa, mọi thứ sẽ thành sân khấu hết, rất khó cảm nhận bản sắc thật”.

Đi tìm những mẫu hình mới

Thật ra LVH không có gì mới, bởi trên thế giới không thiếu gì các ngôi làng nổi tiếng chuyên phục vụ du khách. Tất cả đều theo mẫu bảo tồn giá trị văn hóa như bảo tàng sống, tại đó chủ thể tự giới thiệu các giá trị truyền thống họ kế thừa và có nhiệm vụ giữ gìn, truyền dạy cho thế hệ sau.

Làng nghề cũng là một di sản quý dành cho các dự án văn hóa, du lịch khai thác tốt. Ngoài văn hóa làng truyền thống, sản phẩm đi kèm thường thu hút du khách trong quá trình sản xuất và mua sắm.

Làng gốm Bát Tràng, Phù Lãng, Thổ Hà hay Làng lụa Vạn Phúc hấp dẫn du khách chính là mua sản phẩm tại chỗ. Chỉ tiếc những dự án văn hóa vào các ngôi làng nổi tiếng này rất nhỏ lẻ, chủ yếu bảo tồn mẫu vật cổ truyền, không đủ sức trở thành một mô hình bảo tàng sống theo tiêu chí quốc tế.

Kiến trúc làng của Bát Tràng gây thất vọng không ít. Các hộ gia đình sản xuất với cửa hàng kiểu phố, chất văn hóa bị tính thương mại đè bẹp. Ngoài việc mua sắm đồ gốm, khách khó tiếp cận chiều sâu văn hóa của một làng gốm cổ truyền.

Vì vậy, Bát Tràng không phát triển được các dịch vụ khác nhằm khai thác tối đa nguồn thu từ du khách. Tại Tây Nguyên cũng đã xuất hiện một số LVH như Bản Đôn, một điểm du lịch nổi tiếng.

Bản Đôn hấp dẫn nhờ voi, các huyền thoại về các Grư săn voi, sản xuất thuốc gia truyền và khu bảo tồn thiên nhiên. Một vài LVH ở Buôn Ma Thuột nhân bản mô hình này nhưng hầu hết không thành công vì tính “diễn” lộ liễu với nhà sàn kiểu mẫu, đội văn nghệ địa phương và tượng nhà mồ sắp đặt hiện đại.

Trong khi đó, nhu cầu của khách về những tour “ăn rừng” mang tính văn hóa rất cao, họ muốn tìm hiểu sâu sắc cuộc sống, tập tục, nghe truyền khẩu sử thi, tham gia lễ hội khởi nguồn từ cuộc sống của các tộc người gắn bó với rừng.

Nếu từng đến bản văn hóa Cát Cát, Dìn Dìn ở gần Sapa thì dễ nhận thấy bản làng này được du khách nước ngoài ưa thích bởi nơi đây giữ được nguyên vẹn tinh thần văn hóa làng của người vùng cao. Buổi sáng người lớn dẫn khách đi nương rẫy xem cách trồng trọt, phụ nữ ngồi thêu may trước cửa nhà và trẻ em mới là người giao dịch, bán hàng cho khách.

Những câu ca dao bất chợt vang lên đây đó, ngẫu hứng. Khách cảm nhận được một không khí yên bình, tự do ngắm cảnh đẹp, ngắm hoa văn thổ cẩm và những đường viền bất tận của ruộng bậc thang. Tạo một nguồn thu từ du khách để cải thiện cuộc sống người dân và giữ gìn không để văn hóa bản địa lai tạp khi những làn sóng du khách kéo đến là quá trình các LVH ở Sa Pa đang hướng đến!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Làng văn hóa Việt khó giữ được bản sắc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO