Lắng nghe ca khúc mới về hầm vượt sông Sài Gòn

T. Thủy| 18/11/2011 00:25

Bài hát với âm điệu trong sáng, thể hiện khí thế và tinh thần làm việc hết mình của đội ngũ công nhân, kỹ sư thi công đường hầm. Đây là sáng tác mới nhất của nữ nhạc sĩ Quỳnh Hợp, phổ thơ của một người trong cuộc, ông Lương Minh Phúc, viết sau những ngày lao động căng thẳng lai dắt và lắp đặt thành công 4 đốt hầm dìm Thủ Thiêm.

Lắng nghe ca khúc mới về hầm vượt sông Sài Gòn

Bài hát với âm điệu trong sáng, thể hiện khí thế và tinh thần làm việc hết mình của đội ngũ công nhân, kỹ sư thi công đường hầm. Đây là sáng tác mới nhất của nữ nhạc sĩ Quỳnh Hợp, phổ thơ của một người trong cuộc, ông Lương Minh Phúc, viết sau những ngày lao động căng thẳng lai dắt và lắp đặt thành công 4 đốt hầm dìm Thủ Thiêm.

 >>Hầm vượt sông Sài Gòn: Giấc mơ nối kết đôi bờ

Nghe ca khúc: “Giấc mơ nối kết đôi bờ” - Nhạc: Quỳnh Hợp - Thơ: Lương Minh Phúc

Cũng như nhiều nhà báo khác, nhà báo - nhạc sĩ Quỳnh Hợp luôn dõi theo hành trình lai dắt và lắp đặt những đốt hầm dìm Thủ Thiêm. Hơn cả một người bạn, chị luôn sẻ chia, động viên bạn của mình, ông Lương Minh Phúc (Trưởng ban quản lý Đầu tư Xây dựng công trình giao thông Đô thị TP.HCM) và nung nấu ý định sẽ viết một ca khúc về công trình đầy ý nghĩa này.

Khi được bạn khoe bài thơ viết về hầm vượt sông Sài Gòn, vừa đọc xong hai khổ thơ đầu, chị đã có cảm hứng và ngồi ngay vào đàn, sáng tác nên ca khúc: “Giấc mơ nối kết đôi bờ” ngay trong đêm.

Bài hát với âm điệu trong sáng, thể hiện khí thế và tinh thần làm việc hết mình của đội ngũ công nhân, kỹ sư thi công đường hầm. Nhịp bài hát vừa phải, không quá chậm cũng không quá nhanh, đúng tinh thần chắc chắn, cẩn thận, kỹ lưỡng của công trình.

Giai điệu bài hát lên xuống trầm bổng, có những nốt cao vút lên như khát vọng của người dân thành phố về một công trình vĩ đại mang tầm khu vực. “Giấc mơ nối kết đôi bờ” vừa có vẻ đẹp mượt mà của một tác phẩm âm nhạc, nhưng cũng mang tinh thần thép của người kỹ sư đứng đầu công trình – một sự kết hợp rất hiếm gặp và có lẽ khó có thể lặp lại.

Không chỉ dừng lại ở việc sáng tác, ngay ngày hôm sau, nhạc sĩ Quỳnh Hợp đã cùng ban nhạc và song ca nam (Dương Quốc Hưng va Y Jang Tuyn) hòa âm, dàn dựng với một tốc độ nhanh đến khó ngờ. Trong vòng chưa đầy 24 tiếng, ca khúc đầy tâm huyết và đam mê đã ra đời hoàn chỉnh, vừa kịp chào mừng sự kiện thông xe toàn tuyến Đại lộ Đông Tây – Võ Văn Kiệt, trong đó có hầm vượt sông Sài Gòn trong vài ngày sắp tới.

Hầm vượt sông Sài Gòn nhìn từ phía Thủ Thiêm - Ảnh: T.T

Kể về hoàn cảnh ra đời của bài thơ, ông Lương Minh Phúc, tâm sự: "Sau 6 năm lao động miệt mài, vượt qua bao thử thách, khó khăn, có những lúc dường như không thể tiếp tục được, nhưng cuối cùng, tập thể kỹ sư, công nhân, tư vấn, giám sát Việt Nam và Nhật Bản cũng đã về đến đích.

Thành công của ngày hôm nay thấm đẫm mồ hôi và cả những giọt nước mắt, những hy sinh thầm lặng cùng hàng ngàn đêm thức trắng của tập thể lao động tại công trường.Trong hành trình 6 năm vất vả ấy, giai đoạn căng thẳng nhất là thời gian đúc các đốt hầm, lai dắt, dìm và kết nối thành công những khối bê tông nặng hàng chục ngàn tấn xuống đáy sông”.

Suốt quá trình ấy, bao vui buồn, bao kỷ niệm không thể nào quên, nhưng hình ảnh mãi khắc sâu trong tâm trí của ông chính là cảnh sau hàng chục tiếng đồng hồ lao động căng thẳng để hoàn thành công đoạn kết nối các đốt hầm dìm, những kỹ sư trẻ ngủ ngồi thật ngon lành trong đường hầm nóng hầm hập, thiếu dưỡng khí trong lúc chờ cửa mở nối vào bờ.

Ông nói: “Họ chính là những đứa con ngoan của thành phố, của đất nước. Chính họ sẽ là những người chắp cánh cho ước mơ của thế hệ chúng tôi hôm nay về một thành phố mới hiện đại, phát triển bền vững”.

Nhạc sĩ Quỳnh Hợp (trái) và tác giả lời ca - Thạc sĩ Lương Minh Phúc - người trực tiếp điều hành công trình hầm Thủ Thiêm Sài Gòn.

Xúc động trước tinh thần lao động miệt mài 24/24 giờ của tập thể, trước sức sống mạnh mẽ của lớp trẻ khát khao được góp sức cho những công trình lớn của đất nước, trước nghĩa cử của những người dân sẵn sàng rời khỏi căn nhà quen thuộc của mình để nhường đất cho công trường... sau khi kết nối thành công 4 đốt hầm dìm, ông đã viết nên bài thơ:

Thơ viết trong hầm vượt sông Sài Gòn

Kính tặng lãnh đạo, nhân dân thành phố, những cán bộ, kỹ sư, công nhân… những người đã cùng nhau làm nên công trình hầm vượt sông Sài Gòn…

(Lương Minh Phúc)

Lên hai mươi bảy mét trên đỉnh sóng,
ta thấy được lòng dân
Xuống hai mươi bảy mét dưới đáy sông,
ta nhận ra tình đồng đội…

Hầm vượt sông Sài Gòn;
cong như cánh võng,
nâng giấc mơ nối kết đôi bờ
căng như cánh cung,
mang sức bật đưa thành phố tiến về phía trước…

Nắng không đến được nơi đây
Mưa không đến được nơi đây
cả nỗi sợ cũng không được quyền có mặt

Ở đó,
chỉ có lòng dũng cảm, những giọt mồ hôi
và ánh lửa hàn không bao giờ tắt
như khát vọng vĩnh hằng của những bạn bè tôi…

Vượt qua một ngàn đêm trắng,
ta thấy bình minh rạng ngời
Vượt qua một ngàn bốn trăm chín mươi mét đường hầm,
ta gặp mùa xuân đến sớm trong nụ cười em! 

Dự án đại lộ Đông Tây có đến 24 cầu các loại và đặc biệt có hạng mục hầm Thủ Thiêm vượt sông Sài Gòn. Toàn bộ hầm Thủ Thiêm dài 1.490m bao gồm 371m hầm dìm, phần còn lại là đường dẫn.

Đại lộ Đông Tây dài gần 22km, nối từ quốc lộ 1A đến xa lộ Hà Nội, đi qua 8 quận huyện là quận 1, 2, 4, 5, 6, 8, Bình Tân và huyện Bình Chánh. Riêng đường mới phía Thủ Thiêm dài 5,625km, rộng 100m đảm bảo 8 làn xe lưu thông với tiêu chuẩn đường cấp 1 thành phố; đường phía Tây và mở rộng đường ven kênh dài 13,375km, rộng 42m - 60m tùy đoạn.

Hầm dìm gồm 4 đốt, mỗi đốt dài 98m, rộng 33,3m, cao 9m, dày 1-1,2m bằng bê tông cốt thép. Lòng sông Sài Gòn được đào sâu từ 13-14m. Liên quan đến hầm dìm còn có hai đường dẫn tại hai đầu hầm dài gần 1km, độ dốc 4%.

Theo tính toán có khoảng 29.000 - 30.000 lượt xe qua hầm/ngày đêm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Lắng nghe ca khúc mới về hầm vượt sông Sài Gòn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO