Kỳ 3: Đi tìm "công nghệ" tổ chức lễ hội

BÍCH HỒNG| 18/03/2011 05:25

Dư vị của những chuyến hành hương lên đất Phật Yên Tử hay chăm lo chuyện thăng quan tiến chức qua lễ Đền Trần đã lắng xuống. Nhưng tiết tháng Hai Âm lịch là thời điểm rộ lên những lễ hội vui xuân khắp cả nước. Chúng tôi đã chú ý tìm kiếm những lễ hội có sức thu hút hơn 100 nghìn người mà không hề gây mất trật tự và phản văn hóa để công chúng lựa chọn một chuyến du xuân an toàn và nhiều ý nghĩa.

Kỳ 3: Đi tìm

Dư vị của những chuyến hành hương lên đất Phật Yên Tử hay chăm lo chuyện thăng quan tiến chức qua lễ Đền Trần đã lắng xuống. Nhưng tiết tháng Hai Âm lịch là thời điểm rộ lên những lễ hội vui xuân khắp cả nước. Chúng tôi đã chú ý tìm kiếm những lễ hội có sức thu hút hơn 100 nghìn người mà không hề gây mất trật tự và phản văn hóa để công chúng lựa chọn một chuyến du xuân an toàn và nhiều ý nghĩa.

Không tạo đất cho hoạt động dị đoan

Một trong những lễ hội quan trọng với các Phật tử Đà Nẵng, Quảng Nam là Lễ hội Quán Thế Âm, tổ chức ngày 19 tháng Hai Âm lịch hằng năm với hơn một vạn khách trong vùng và thập phương, trong vòng 3 ngày.

Lễ hội Quán Thế Âm

Ngay từ những khi mới xuất hiện lễ hội này vào năm 1960, tính chất tâm linh ở đây đã gạt bỏ những điều kiện cho mê tín dị đoan, trục lợi phát triển.

Hàng vạn người đi theo các đám rước ánh sáng của Phật đến những địa điểm anh linh, tham dự lễ cầu quốc thái dân an hay trai đàn chẩn tế đều có cơ hội được đến gần lễ đài Phật chính để bày tỏ lòng thành theo một qui định nghiêm ngặt.

Không có chen lấn xô bồ, không có lễ vật phàm tục ngang ngửa, nhưng ai cũng được thỏa nguyện vì đã làm xong những điều quan trọng về tâm linh đầu năm, được hưởng ánh sáng Phật pháp, được cầu an cho gia đình và siêu độ cho người thân đã mất trong một bối cảnh sông nước hữu tình, đẹp như chốn bồng lai tiên cảnh.

Hòa thượng Thích Huệ Vinh, trụ trì chùa cho biết, lễ hội đã được nâng cấp thành lễ hội quốc gia cách đây 10 năm, từ đó chúng tôi phối hợp với chính quyền chỉnh trang thêm phong cảnh, tính toán các con đường trẩy hội vừa trang trọng vừa hợp lý để mọi Phật tử đều được “gần Phật”.

Các hoạt động mê tín dị đoan như xem bói, sờ tượng Phật, gài tiền “giọt dầu” đều được chấn chỉnh ngay khi manh nha xuất hiện. Một lễ hội như vậy thu hút hàng nghìn Phật tử từ Bắc vào, từ Nam ra nhưng các tập quán không tốt không có cơ hội để nảy nở nhờ ban tổ chức quản lý chặt chẽ.

Lễ hội xong, du khách có thể đi thăm làng nghề đá Non Nước, thỉnh tượng Phật và vãn cảnh tiên bồng ở nơi tu hành năm xưa của công chùa Ngọc Lan, em vua Minh Mạng.

Ở khu vực miền Trung có những lễ hội cầu may rất nổi tiếng vào ngày 16 tháng Giêng tại các chùa và Hội quán Hội An, lễ hội Bà Thu Bồn ở Quảng Nam; lễ Điện Hòn Chén (sông Hương - Huế) suy tôn Thiên Y A Na Thánh Mẫu (Mẹ xứ sở), vị thần sáng tạo ra đất đai, cây cối và dạy dân cách trồng trọt, rất thu hút giới làm ăn buôn bán.

Hàng trăm nghìn người tụ lại xin lộc, xem hát chầu văn, hầu bóng..., nhưng các ban tổ chức đã rất khéo dựa trên các địa hình thực tế, phân tán người dự lễ ra nhiều địa điểm, và đáp ứng nhu cầu tâm linh đúng với tinh thần từ cội nguồn nhưng không để xảy ra những cảnh phản văn hóa, kinh doanh xô bồ.

Chính quyền các nơi này đã thực sự coi đây là những lễ hội văn hóa tâm linh và đã xây dựng cho lễ hội những tiêu chí lấy văn hóa và an toàn cho khách làm trọng. Chính vì vậy các lễ hội lớn và quan trọng nhất đối với người miền Trung này chưa bao giờ xảy ra sự phàn nàn nào trong du khách.

Hòa thượng Thích Huệ Vinh nhận định, một khung cảnh văn hóa đi kèm với sự tổ chức chặt chẽ, hợp lý sẽ tạo ra những du khách văn hóa. Có lẽ đây chính là đáp số cho lễ hội tâm linh.

Festival phải sử dụng công nghệ tổ chức

Festival văn hóa như Huế tổ chức hai năm một lần, Festival pháo hoa Đà Nẵng tổ chức thường niên, Hành trình di sản của Hội An tổ chức ngay vào tháng 7 là thời điểm du khách nội địa đông nhất. Tất cả các lễ hội đó ngay từ đầu đều áp dụng các công nghệ tổ chức lễ hội của nước ngoài để đạt hiệu quả toàn diện từ văn hóa, an toàn đến kinh tế.

Từ con số không, Festival Huế qua 8 năm tổ chức với sự hỗ trợ của “công nghệ Pháp” đã trở thành một lễ hội quan trọng đối với các công ty lữ hành khắp châu Âu.

Các quỹ hỗ trợ của nước ngoài đã đào tạo cho Huế các chuyên gia về tổ chức, quản lý tại chỗ để có thể chủ động về lâu dài. Festival pháo hoa Đà Nẵng mời một công ty của Singapore chuyên về kinh doanh lễ hội pháo hoa làm tư vấn đảm bảo chất lượng cuộc thi và cách tổ chức thực tiễn dựa trên thực tế địa hình trung tâm thành phố.

Một lễ hội hút hơn 1 triệu lượt khách mà đảm bảo an toàn, công bằng, không đơn giản. Bán vé xem pháo hoa trên trời là chuyện rất kỳ lạ, nhưng thực tế đã chứng minh có thể mang lại hiệu quả tốt. Những khách có nhu cầu ngồi xem đi kèm các dịch vụ giải trí khác được phục vụ chu đáo. Người dân địa phương xem pháo hoa miễn phí nếu không muốn tốn thêm tiền.

Định dạng ra nhiều dịch vụ và cách hưởng thụ văn hóa trong một lễ hội là rất cần thiết để đáp ứng các nhu cầu khác nhau, đồng thời phân tán lượng người quá dày tại một địa điểm.

Các ngành chức năng của địa phương ráo riết ngăn chặn chuyện nâng giá phòng khách sạn, tổ chức các điểm bán thức ăn, giải khát trong khu vực để chống nạn chém chặt du khách.

Ban ngày, các tour gần sẽ hút bớt lượng khách du lịch ra khỏi thành phố đi tham quan, đảm bảo sự trật tự, vệ sinh môi trường cho các khu trung tâm.

Quyết tâm nâng hình ảnh, vị thế của thành phố trở thành một thương hiệu tốt của Đà Nẵng là mục tiêu hàng đầu được xây dựng bằng lộ trình và giải pháp rất hiệu quả.

Lễ hội Hành trình Di sản của Hội An phối hợp với một trường đại học của Nhật Bản xây dựng trên nền tảng thu hút khách du lịch văn hóa nên việc tạo ra sản phẩm và môi trường đậm đặc văn hóa rất được chú trọng.

Việc tổ chức lễ hội, đặc biệt là các địa phương nào cũng xin Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đưa vào danh sách lễ hội cấp quốc gia, cần một tiêu chuẩn về công nghệ tổ chức. Việc chỉ dựa vào tính chất văn hóa tâm linh, về quy mô khách tham dự để nâng chuẩn quốc gia cho một lễ hội là chưa ổn.

Tình trạng tổ chức lễ hội quốc gia, nhưng các địa phương lấy mục tiêu cải thiện đời sống kinh tế cho người dân tại chỗ sẽ xảy ra nhiễu nhương và phản văn hóa, như đã từng thấy ở các lễ hội đầu Xuân Tân Mão.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Kỳ 3: Đi tìm "công nghệ" tổ chức lễ hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO