Khôi phục cải lương còn lắm gian nan

QUÝ THƯ| 13/01/2016 08:40

Thực trạng sân khấu xã hội hóa năm 2016 vẫn còn bộn bề công việc phải chấn chỉnh. Nói như NSND Huỳnh Nga, cải lương không chết và khán giả cũng không quay lưng với cải lương khi sàn diễn được trả về những chuẩn mực của một vở diễn.

Khôi phục cải lương còn lắm gian nan

Thực trạng sân khấu xã hội hóa năm 2016 vẫn còn bộn bề công việc phải chấn chỉnh. Nói như NSND Huỳnh Nga, cải lương không chết và khán giả cũng không quay lưng với cải lương khi sàn diễn được trả về những chuẩn mực của một vở diễn.

Đọc E-paper

Những chuẩn mực bị lãng quên

Sân khấu kịch và cải lương đìu hiu, số lượng các chương trình, vở diễn mới ngày một thưa dần theo thời gian. Tất nhiên, số lượng khán giả cũng tỷ lệ thuận với tình hình không mấy sáng sủa ấy. Trước thực tế này, nhiều nghệ sĩ tâm huyết cho rằng, thành phố thiếu những sàn diễn chất lượng, đúng nghĩa là một thánh đường để diễn viên thỏa sức sáng tạo.

NSƯT Ca Lê Hồng khẳng định: "Quy tụ lực lượng hùng hậu là việc cần thiết để cứu sàn diễn. Rõ ràng khán giả ngày nay không đến rạp vì lực lượng này bị phân tán mỏng". NSND, đạo diễn Huỳnh Nga bộc bạch, sân khấu gặp khó như hiện nay, nghệ sĩ có lỗi rất lớn. Những năm qua, nhiều nghệ sĩ thiếu trình độ học vấn, và thiếu cả tâm huyết với nghề, lười biếng tập tuồng...

Game show, chương trình truyền hình tràn ngập diễn viên, khán giả có quá nhiều lựa chọn, nên họ không đến rạp xem cải lương. Theo phân tích của ông, ngày trước, vở Bên cầu dệt lụa dựng cho Đoàn Thanh Minh, Thanh Nga, tập ròng rã mấy tháng trời. Bà bầu Thơ rất kỹ, nếu như chiều hôm trước nghệ sĩ tập sai, ngày hôm sau họ phải tập lại đến khi bà ưng ý mới thôi. Nghệ sĩ diễn đúng như khi tập, muốn sáng tạo gì thêm thì chờ khi thăng hoa trên sàn diễn. Quá trình tập họ phải chịu khó tìm tòi, rèn luyện câu ca, lời thoại. Còn bây giờ, nghệ sĩ tập bị sai khi lên sàn diễn vẫn thấy cái sai đó. Chưa kể, không ít người mải mê chạy sô, ít chịu học tuồng, khi ra sân khấu thì một tai nghe nhắc tuồng, một tai nghe nhạc..., tất cả những điều này khiến việc ca, diễn không thể hay được.

Theo soạn giả, NSND Viễn Châu, sở dĩ sàn diễn cải lương cứ thụt lùi như hiện nay là do sự chuẩn mực từ hai người thầy của sàn diễn đã không còn được tôn trọng. Đó là thầy tuồng và thầy đờn. Ông nhấn mạnh: "Lâu nay, sàn diễn cải lương dù có rất nhiều ngôi sao sân khấu, những nghệ sĩ tài danh, nhưng khi thầy tuồng viết kịch bản, giao vai diễn, thì nghệ sĩ không dám sửa.

Tiết mục cải lương được dàn dựng kỹ lưỡng đã "lên ngôi" ở cuộc thi gameshow truyền hình

Bây giờ, nghệ sĩ sửa văn phong của thầy tuồng, tự ý viết thêm để ca hơi dài. Và ông thầy đờn cứ bị giảm quân, từ dàn nhạc cổ có 12 nhạc công xuống còn 4, có khi còn xài đĩa thu nhạc sẵn, rồi ca theo, hoặc nhép theo, nhạc công thất nghiệp, vậy thì làm sao gọi là chuẩn mực để ca diễn cho đúng, cho hay và sàn diễn cải lương đi xuống là vì vậy".

Bên cạnh đó, theo NSND Thanh Hải, hiện nay, những nhà quản lý gần như bất lực trước tình trạng chạy sô, không hợp tác của các nghệ sĩ ngôi sao. Rõ ràng, khi làm việc, nếu không thể quản lý được con người - nhân tố sáng tạo chính, thì khó có thể tạo nên những tác phẩm hay, thu hút khán giả.

Giải pháp cho người làm nghề

Thực tế cho thấy, muốn vực dậy cải lương không đơn giản, mà đòi hỏi phải có sự đồng thuận từ nhiều người và cả nhà nước. Tất cả cùng phải trở về cái gốc của cải lương để vực dậy bộ môn nghệ thuật này. Nói như tác giả Lê Duy Hạnh, với cải lương, thầy tuồng, thầy đờn như đôi bờ, còn nghệ sĩ là dòng chảy ở giữa, cho nên rất cần thiết khôi phục lại tôn ti trật tự, tạo dựng lại đôi bờ vững chắc thì nghệ sĩ mới mong được xuôi dòng và ngược lại.

Cũng cần phải nhìn nhận, đã một thời gian dài, những người làm cải lương quên mất việc hoạch định chiến lược đào tạo đội ngũ kế thừa, từ tác giả, đạo diễn cho đến diễn viên, nhạc sĩ - nhạc công. Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang đã được UBND TP.HCM cấp kinh phí hỗ trợ để cùng Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật TP.HCM tổ chức khóa đào tạo, nhưng mới chỉ đào tạo diễn viên, và 27 diễn viên đã ra trường, trong số đó có nhiều diễn viên nổi bật qua những cuộc thi như: Nguyễn Văn Mẹo, Phùng Ngọc Bảy, Nguyễn Thị Luận, Nguyễn Thanh Toàn, Nguyễn Văn Hợp, Hoàng Hải, Diễm Kiều... Tuy nhiên, về tác giả, đạo diễn, nhạc sĩ vẫn còn đó nỗi lo vì chưa đào tạo được. "Việc đào tạo đội ngũ kế thừa phải được làm đồng bộ và thường xuyên, nếu không, mai này cải lương vẫn khó tránh khỏi tình trạng "thừa vẫn thừa, thiếu vẫn thiếu", NSND Thanh Hải nhận định.

Cải lương cần đào tạo thế hệ kế thừa

Đồng thời, việc biểu diễn cải lương phục vụ miễn phí của Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang giờ đây cũng cần phải xem xét có nên tiếp tục hay dừng. Lâu nay, để phục vụ bà con vùng sâu, vùng xa, Thành phố luôn cấp kinh phí mỗi suất vài triệu đồng để Nhà hát đưa nghệ sĩ đi biểu diễn, đây là việc làm ý nghĩa.

Tuy nhiên, với cách làm này, nếu thực hiện tốt - chương trình có chất lượng và luôn đổi mới, chẳng những giúp bà con vùng sâu, vùng xa được thư giãn, giải trí mà qua đó còn quảng bá được nghệ thuật cải lương cũng như "thương hiệu" Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang. Còn bằng không, rất dễ mang lại hiệu ứng ngược. Bởi, tấm lòng của nghệ sĩ dành cho bà con là có thật, nhưng chất lượng cũng như chương trình khó lòng được như mong đợi.

>Đìu hiu cải lương tết

>Câu chuyện về lòng yêu nước của cải lương Nam bộ xưa

>Nghệ sĩ trẻ đi tìm cái mới

>Nghệ thuật độc lập thu hút nghệ sĩ trẻ

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Khôi phục cải lương còn lắm gian nan
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO