Gameshow: Càng thêm dư luận, càng dày doanh thu

19/06/2012 06:29

Các chương trình truyền hình thực tế, gameshow trên thị trường giải trí Việt Nam, dù khán giả có bình phẩm, chê bai nặng lời, thậm chí phẫn nộ thì lợi nhuận thu được vẫn cứ tăng đều.

Gameshow: Càng thêm dư luận, càng dày doanh thu

Kể từ sau thành công của chương trình Vietnam Idol mùa đầu tiên, hàng loạt chương trình truyền hình thực tế, gameshow nổi tiếng thế giới nhanh chóng bước vào thị trường giải trí Việt Nam. Và dù khán giả có bình phẩm, chê bai nặng lời, thậm chí phẫn nộ thì lợi nhuận thu được vẫn cứ tăng đều.

Hai mặt của một chương trình

"Bước nhảy hoàn vũ" đang có giá quảng cáo đến 160 triệu đồng/30 giây. Ảnh: BTC

Bốn chương trình đang chiếm tỷ lệ rating (người xem) và thu hút quảng cáo cao nhất là Vietnam Idol, Vietnam’s Got Talent, Cặp đôi hoàn hảo và Bước nhảy hoàn vũ do hai “đại gia” BHD và Cát Tiên Sa nắm giữ bản quyền tại thị trường Việt Nam.

Với giá tính bằng triệu đô, nhà sản xuất, bên cạnh việc tạo ra giá trị tinh thần, nghệ thuật và giải trí cho khán giả, họ cũng phải tìm mọi cách, mọi kỹ thuật để đưa số lượng quảng cáo và giá quảng cáo lên cao nhất.

Không thể phủ nhận giá trị giải trí của các chương trình truyền hình kể trên. Không thể phủ nhận nhiều nhân tố mới được phát hiện và có cơ hội toả sáng từ những cuộc thi này. Nhưng cũng còn nguyên những dấu hỏi và những bức xúc của khán giả dành cho chương trình.

Câu chuyện mẹ con Quỳnh Anh – cô bé chưa qua tuổi 18 bị đám đông “ném đá”, dè bỉu; Minh Hằng hát nhép giọng của một ca sĩ khác; giám khảo ABC bị nghi ngờ bênh vực thí sinh XYZ; hoặc thậm chí những nghi án mua giải thưởng – đều là những thắc mắc không bao giờ có lời đáp bởi không ai có thể biết đó là những câu chuyện phát sinh hay là scandal tự dàn dựng.

Tất cả giá trị mơ hồ đó đều không vượt qua những giá trị nhìn thấy được, có thể cân đo đong đếm từ sau mỗi mùa giải. BHD gần đây đã hạn chế làm phim truyền hình vì ít lời, thu hồi vốn lâu. Cát Tiên Sa cũng thừa nhận, lợi nhuận là lý do thứ hai mà họ ngưng phát triển sản xuất phim truyền hình để tập trung vào các sân chơi truyền hình thực tế và gameshow.

180 triệu đồng/30 giây và hơn thế nữa

Chiếm lĩnh các giờ vàng trên sóng của VTV3 và HTV7 đều là những chương trình được mua bản quyền từ nước ngoài: Vietnam Idol, Cuộc đua kỳ thú, Hợp ca tranh tài, Cặp đôi hoàn hảo, Bước nhảy hoàn vũ, The Voice, Ai thông minh hơn học sinh lớp 5 , Đồ Rê Mí… Những kênh truyền hình này đang được xem là đất vàng. Các nhà sản xuất lớn thay nhau nắm giữ giờ phát sóng cố định.

Theo ông Nguyễn Quang Minh, giám đốc công ty Cát Tiên Sa, Bước nhảy hoàn vũ đã qua mùa thứ ba mà lợi nhuận, số lượng quảng cáo, lượng người xem vẫn tăng đều. Có chương trình số spot quảng cáo tăng đến gấp đôi dự kiến. Miếng bánh lợi nhuận này được chia đều cho nhà sản xuất và nhà đài.

Vietnam’s Got Talent vừa kết thúc, với chương trình khoảng một tiếng nhưng hầu hết các vòng thi cuối, chương trình đều vượt 20 phút so với ban đầu.

Đối với Bước nhảy hoàn vũ, số lượng quảng cáo cũng dày đặc giữa các phần thi đến nỗi đây là chương trình được xem dài nhất hiện nay. Bước nhảy hoàn vũ hiện có giá quảng cáo lên đến 160 triệu đồng/spot 30 giây. Ước lượng trung bình, với khoảng 30 phút quảng cáo/chương trình, nhà đài và nhà sản xuất thu về khoảng 9,6 tỉ đồng!

Trước đó, vòng cuối của Vietnam’s Got Talent có giá còn cao hơn: khoảng 180 triệu/spot 30 giây. Và con số nhân lên từ đây giải thích vì sao giá bản quyền lên đến triệu đô thì nhà sản xuất vẫn chấp nhận mua.

Một “giá trị cộng thêm” cho nhà sản xuất là việc nhắn tin trong mỗi cuộc thi. Với 3.000 – 5.000 đồng/tin nhắn, miếng bánh lợi nhuận phình thêm ra một chút, từ vài trăm triệu đến vài tỉ tuỳ quy mô cuộc thi và càng vào vòng trong, càng gia tăng.

Chính vì độ “hot” và lợi nhuận thu được mà ngày càng nhiều chương trình nước ngoài sẽ xuất hiện tại Việt Nam. The Amazing Race (Cuộc đua kỳ thú) đang phát sóng nhưng không ai biết trước sẽ bất ngờ “nóng” lên khi nào bởi BHD luôn là một công ty nhiều chiêu trò.

The Voice (Giọng hát Việt) dự kiến sẽ chiếm lĩnh sự quan tâm trong thời gian tới. Và ít nhất có bốn chương trình sẽ chính thức xuất hiện, bắt đầu từ 1/1/2013 gồm Got to dance, The Voice Kids, X-Factor và một chương trình về DJ.

Và đó chính là lúc các chương trình “made in Vietnam” như Sao Mai, Tiếng hát truyền hình… sẽ đứng trước những thách thức phải thay đổi mình.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Gameshow: Càng thêm dư luận, càng dày doanh thu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO