E-book đi hội

ĐẶNG QUÝ YÊN| 27/03/2012 04:29

Bất chấp sự lan truyền rộng rãi của các bản sách điện tử miễn phí trên mạng, các đơn vị làm sách vẫn tung tiền đầu tư cho sách điện tử. Trong bối cảnh luật bản quyền trên thế giới số vẫn còn ở giai đoạn tranh sáng tranh tối, sự hợp tác giữa công ty công nghệ và đơn vị xuất bản liệu có giúp doanh nghiệp vượt qua thử thách của nạn vi phạm bản quyền?

E-book đi hội

Bất chấp sự lan truyền rộng rãi của các bản sách điện tử miễn phí trên mạng, các đơn vị làm sách vẫn tung tiền đầu tư cho sách điện tử. Trong bối cảnh luật bản quyền trên thế giới số vẫn còn ở giai đoạn tranh sáng tranh tối, sự hợp tác giữa công ty công nghệ và đơn vị xuất bản liệu có giúp doanh nghiệp vượt qua thử thách của nạn vi phạm bản quyền?

Alezaa tại Hội sách TP.HCM lần VII - Ảnh: Quý Hòa

Bắt tay tìm đường đi

Gian hàng NXB Trẻ tại Hội sách TP.HCM lần VII không chỉ có sách. Một khoảng không gian nhỏ giữa những tập sách trưng bày đã được dành riêng cho độc giả xem, trải nghiệm ebook “chính hãng” với đầy đủ tiện ích.

Người đọc có thể đánh dấu trang, viết ghi chú và thưởng thức thêm hình ảnh, âm thanh, video... trên chính những trang sách điện tử, vốn rất đơn điệu chỉ có chữ như trước đây.

“Phải có giá trị cộng thêm, chúng tôi mới tự tin “chiến đấu” với ebook lậu, đang gần như cho không chứ”, ông Nguyễn Minh Nhựt, Giám đốc NXB Trẻ chia sẻ.

Không phải tự nhiên, vị giám đốc này lại tự tin như thế. Đã bắt tay xây dựng Trung tâm sách điện tử Ybook đầu năm 2011 nhưng mãi đến trung tuần tháng 3/2012, dự án sách điện tử của đơn vị này mới hoàn tất giai đoạn chuẩn bị hạ tầng.

Nguyên nhân của sự chậm trễ này là do NXB Trẻ phải đi kiếm đối tác. Ông Nhựt cho biết, từ năm 2011, NXB Trẻ đã ký hợp đồng ngắn hạn với các công ty công nghệ như Tinh Vân, VTM... để khai thác bản quyền truyện tranh trên các thiết bị di động nhưng, thời hạn hợp đồng chỉ gói gọn trong 1 năm.

“Chúng tôi chỉ có sách, không có công nghệ nên phải sàng lọc, kiểm nghiệm để chọn đối tác có công nghệ tốt nhất”, ông Nhựt cho biết.

Hết thời hạn một năm, hợp đồng được tái ký dài hạn với Công ty Công nghệ VTM, nhưng chỉ riêng mảng truyện tranh. Với mảng sách rộng lớn còn lại, đơn vị được chọn là công ty phần mềm PSC.

Ông Trương Bá Hà, Chủ tịch, Giám đốc Điều hành PSC, cho biết, sở dĩ, PSC được chọn là vì đơn vị này đã phát triển được ứng dụng Ebook Reader độc quyền, giúp người đọc có thể xem sách và tận dụng các tiện ích mới trên các thiết bị đọc sách như máy tính bảng, máy đọc sách, điện thoại thông minh, máy tính... và đặc biệt là trên truyền hình yêu cầu, IPTV.

Trên hết, đơn vị này cũng đã phát triển được công nghệ DRM (Digital right management) quản lý bản quyến số, giúp NXB gắn mã bảo vệ bản quyền vào mỗi cuốn ebook bán ra.

Cụ thể, công nghệ này khiến máy chủ sẽ gắn bản quyền vào một ấn phảm được tải xuống, giúp sách tải xuống sẽ không thể đọc được khi sao chép sang các thiết bị không được đăng ký.

“Với tốc độ lan truyền và vấn đề bản quyền còn chưa được tôn trong như hiện nay, nếu không đảm bảo được vấn đề bảo mật, nhà làm sách đầu tư vào ebook chỉ có lỗ”, ông Hà nhận định.

Đầu tư cho tiềm năng

Không chỉ có NXB Trẻ, cuộc đua ebook của các nhà làm sách còn rộn ràng hơn ở mảng doanh nghiệp tư nhân. Sớm nhất có thể kể đến việc Chibooks mạnh dạn giao bản quyền sách điện tử cho nhà sách điện tử đầu tiên tại Việt Nam là alezaa.com khai thác.

Kế đó là Firstnews Trí Việt ký kết với Epsilon Mobile nhằm đưa toàn bộ bản quyền 100 đầu sách thuộc tủ sách Hạt giống tâm hồn lên thiết bị di động.

Ông Võ Hoàng Hải, Giám đốc Điều hành của Epsilon Mobile, cho biết, hợp đồng này có được là nhờ đơn vị của ông sở hữu Papyrus, một dịch vụ xuất bản kỹ thuật số tích hợp đầu tiên giúp người sử dụng tự tạo và phát hành ứng dụng nội dung số tương tác cao trên iPhone và iPad với chi phí hợp lý.

Theo ông Trương Bá Hà, sự hợp tác giữa các công ty công nghệ và đơn vị làm sách đã khai thác được tuyệt đối thế mạnh của từng đơn vị để cho ra đời một sản phẩm chung, đáp ứng được thị hiếu của người dùng.

Đồng quan điểm, ông Đồng Phước Vinh, Phó giám đốc dự án Ybook, cho biết, hiện thế giới đã có 70 triệu máy tính bảng bán ra. Trong năm 2011, Amazon cứ bán được 100 sách giấy thì cũng tiêu thụ được 180 ebook.

Theo khảo sát của GFK, hiện Việt Nam đã tiêu thụ 3 triệu máy tính bảng, điện thoại thông minh... và con số này vẫn ngày một tăng. “Điều này chứng tỏ tiềm năng của thị trường rất lớn và đầu tư ebook trong thời gian này là hoàn toàn thích hợp”, ông Vinh chia sẻ.

Thêm vào đó, để có thể số hóa các bản sách cũ, phải cần đến 7 bước, từ việc scan, chỉnh sửa, định hình... sau đó mới có thể đưa sách số vào hệ thống máy chủ để mã hóa bản quyền. Thời gian, chi phí để thực hiện sách điện tử đúng chất lượng cũng không nhỏ.

Đầu tư nhiều hơn vào ebook nhưng các đơn vị làm sách đều khẳng định, sản phẩm sách số sẽ không “giết chết” sách giấy như nhiều người vẫn nghĩ.

“Thế giới đã phát triển sách điện tử từ 10 năm trước nhưng sách truyền thống vẫn có chỗ đứng. Thị trường Việt Nam cũng sẽ như thế, miễn là các đơn vị làm sách biết khai thác tốt cả hai mảng sản phẩm này”, ông Hà nhận định.

Tuy nhiên, điều lo lắng nhất hiện nay vẫn là khâu thanh toán trong việc giao dịch sách số. Hiện, nhiều các đơn vị kinh doanh đều áp dụng nhiều loại hình thanh toán qua đơn vị thứ ba như thẻ điện thoại, chuyển tiền qua ATM của các ngân hàng nội địa hay thẻ tín dụng...

Các phương thức này vẫn còn nhiều hạn chế. “Chúng tôi rất muốn phát hành thẻ cào của riêng mình nhưng còn phải... đợi”, ông Nguyễn Minh Nhựt chia sẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
E-book đi hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO