Điện ảnh Trung - Hàn trỗi dậy, Hollywood có "sốt ruột"?

HOÀNG LINH LAN| 25/09/2015 06:30

Những con số "biết nói" từ doanh thu phòng vé cũng như sự gia tăng số rạp chiếu đã phần nào hé lộ vị thế của thị trường điện ảnh Trung Quốc và Hàn Quốc nói riêng và điện ảnh châu Á nói chung.

Điện ảnh Trung - Hàn trỗi dậy, Hollywood có

Những con số "biết nói" từ doanh thu phòng vé cũng như sự gia tăng số rạp chiếu đã phần nào hé lộ vị thế của thị trường điện ảnh Trung Quốc và Hàn Quốc nói riêng và điện ảnh châu Á nói chung.

Đọc E-paper

Hollywood bắt tay hai "ông lớn"

Đã qua rồi cái thời một vài diễn viên Trung Quốc hoặc Hàn Quốc loáng thoáng xuất hiện làm nền trong "bom tấn" Hollywood. Ba năm trở lại đây, Hollywood thực hiện chiến lược "Trung Quốc hóa", "Hàn Quốc hóa" nhiều phim bom tấn. Một mặt, họ thông qua hợp đồng với các diễn viên như Lý Băng Băng trong Transformers: Age of Extinction, Thư Kỳ trong Transporter 1, Lưu Diệc Phi trong Outcast, Thang Duy, Vương Lực Hoành trong Blackhat, Angela Baby trong Hitman: 47, Kim So Hyun, Claudia Kim trong Avengers 2, Lee Byung Hun trong G.I. Joe: The rise of cobra, TerminatorGenisys, The Magnificent Seven...

Bên cạnh đó, các nhà làm phim xây dựng nội dung, hình ảnh có liên quan đến hai quốc gia này, thậm chí trong thời gian thực hiện, việc chọn bối cảnh tại Trung, Hàn cũng là điều họ cân nhắc. Thời gian tới, Kung Fu Panda 3 - nối tiếp loạt hoạt hình từng "làm mưa làm gió” tại thị trường này cũng sẽ được sản xuất một phần ở Trung Quốc, sử dụng hoạt hình và thiết kế Trung Quốc.

>>Điện ảnh Trung Quốc: Song hành cùng Hollywood

Những cái bắt tay này, dù thành công hay thất bại (về mặt doanh thu) cũng cho thấy sự khôn khéo của các nhà đầu tư Hollywood, bởi đây được xem là hai thị trường phim ảnh béo bở. Một bên đang trên đà phát triển, một bên có tỷ suất người dân ghiền phim thuộc loại đứng đầu thế giới. Theo thống kê, doanh thu phòng vé 6 tháng đầu năm của Trung Quốc đạt 3,3 tỷ USD, tăng gần 50% so với nửa đầu năm 2014, vượt Hollywood thời hoàng kim.

Lý Băng Băng trong Transformers: Age of Extinction doanhnhansaigon
Lý Băng Băng trong Transformers: Age of Extinction

Dự đoán, năm 2018, con số này sẽ tăng lên 5,9 tỷ USD, tức 88,5% khi số lượng rạp chiếu tăng từ 5.660 với 28.000 màn hình lên khoảng 9.600 rạp với 53.000 màn hình. Trong khi đó, người Hàn được xem là khán giả xem phim nhiệt tình nhất trên thế giới. Trung bình, cứ 2 người thì có 1 người mua vé vào rạp! Con số quá lý tưởng và đáng mơ ước.

Việc Hollywood "chiều chuộng" hai "ông lớn" này, ngoài mục đích "câu khán giả”, đây còn là "lá bùa hộ mệnh" nhằm tranh thủ sự ủng hộ của Tập đoàn Điện ảnh Trung Quốc (CFG) - cơ quan độc quyền quản lý việc nhập khẩu và phát hành phim nước ngoài tại Trung Quốc. Nếu như trước đây Trung Quốc chỉ cho phép tối đa 20 phim nước ngoài được phát hành trong một năm, thì hiện nay đã cho phép mỗi năm được nhập thêm 14 phim, miễn là ở định dạng 3D hoặc IMAX.

Những cú hích đáng gờm

Tại Trung Quốc, vào trung tuần tháng 7, Monster Hunt (đạo diễn Hứa Thành Nghị) đã trở thành hiện tượng phòng vé với tổng doanh thu 221 triệu USD chỉ sau 11 ngày công chiếu. Đứng thứ hai là bộ phim hoạt hình 3D Monkey King: Hero is back, với 108 triệu USD doanh thu sau 17 ngày công chiếu, vượt Kungfu Panda 2 trước đó của Hollywood, trở thành phim hoạt hình ăn khách nhất mọi thời đại. Pancake man, bộ phim siêu anh hùng hài châm biếm giới showbiz Trung Quốc, với sự góp mặt của ngôi sao Hollywood Jean - Claude van Damme, xếp thứ 9 trong những bộ phim ăn khách nhất mọi thời đại của Trung Quốc. Tính trung bình, các phòng vé ở Trung Quốc đạt 70,2 triệu USD/ngày, với gần như tất cả các phim nội địa.

Hàn Quốc cũng là thị trường điện ảnh hiếm hoi có phim nội địa luôn đánh bật "bom tấn" Hollywood tại bảng xếp hạng doanh thu. Doanh thu phim nội địa Hàn liên tục tăng trưởng từ năm 1996, đạt mốc ổn định vào năm 2006, chiếm khoảng 65% thị trường. Năm 2013, điện ảnh Hàn cán mốc lịch sử trên 200 triệu USD doanh thu phòng vé.

Mặc dù Ủy ban Điện ảnh Hàn Quốc đang lo ngại phim Hàn hiện phải gồng mình chống chọi trước lượng phim nước ngoài ngày một gia tăng tại nước này (từ 289 phim vào 2011 tăng lên 885 phim vào 2014), nhưng con số thống kê từ koreafilm.org cho thấy một tín hiệu cực kỳ lạc quan.

Assassination - Sứ mệnh truy sát của đạo diễn Choi Dong Hoon thu hút được 12.653.537 lượt xem, đạt doanh thu hơn 83,01 triệu USD (kinh phí khoảng 16 triệu USD), tạm xếp thứ 8 trong những bộ phim ăn khách nhất mọi thời tại Hàn Quốc. Phát hành sau khoảng 2 tuần, Veteran - Chạy đâu cho thoát của biên kịch, đạo diễn Ryu Seung Wan cũng chạm mốc 12.583.440 lượt xem, đạt doanh thu 83,6 triệu USD sau 1 tháng phát hành, tạm xếp thứ 13 trong các bộ phim ăn khách nhất mọi thời tại Hàn Quốc.

Bộ phim điện ảnh Assassination doanhnhansaigon
Một cảnh trong phim Assassination

Theo số liệu từ Hội đồng Phim ảnh Hàn Quốc, tính tới thời điểm này, có 14 bộ phim đạt được cột mốc này và 10 trong số đó là tác phẩm của điện ảnh Hàn Quốc. Dẫn đầu danh sách này là The Admiral: Roaring Currents (Đại thủy chiến) có 17,6 triệu lượt xem, Ode to my father có 14,2 triệu lượt xem. Điều thú vị là những bộ phim này đều lấy đề tài hoặc thân phận con người trong lịch sử, cuộc chiến tranh hai miền Nam - Bắc, hoặc những câu chuyện về công lý, đạo đức, trong khi những "bom tấn" oanh tạc tại Hàn đơn thuần là phim giải trí.

Rõ ràng, những con số trên không chỉ phản ánh sự tăng trưởng số lượng khán giả mà còn cho thấy sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp điện ảnh tại hai quốc gia này. Việc Trung Quốc, Hàn Quốc vượt Bắc Mỹ, trở thành thị trường điện ảnh lớn nhất thế giới chỉ là chuyện sớm muộn.

>Nhượng quyền điện ảnh: Ngành công nghiệp khổng lồ

>Khấp khởi với kinh đô điện ảnh Mỹ

>Hy vọng điện ảnh Hollywood và Việt Nam sẽ hợp tác!

>Phim kinh dị Hàn Quốc “đổ bộ”

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Điện ảnh Trung - Hàn trỗi dậy, Hollywood có "sốt ruột"?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO