Điện ảnh châu Á nhìn vào tương lai

PHAN HÒA BÌNH| 28/02/2014 09:10

Điện ảnh châu Á sẽ bắt đầu có tiếng nói bởi những tài năng thật sự, những phong cách làm phim không giống ai...

Điện ảnh châu Á nhìn vào tương lai

Điện ảnh châu Á sẽ bắt đầu có tiếng nói bởi những tài năng thật sự, những phong cách làm phim không giống ai...

Đọc E-paper

Bức ảnh đã mắt

>Điện ảnh Hoa ngữ: Hoa nở cuối mùa
>Kim Ki Duk chiến thắng tại LHP Venice
>
"Cái gai" Lâu Diệp

Giữa tháng 2/2014, điện ảnh Trung Quốc lại rung lên những tràng vỗ tay tự hào khi đạo diễn Điêu Diệc Nam nhận giải Gấu vàng tại Liên hoan Phim (LHP) Berlin. Một bộ phim Trung Quốc khác cũng được xướng tên là tác phẩm Blind Massage của đạo diễn Lâu Diệp, với một giải dành cho nghệ thuật hình ảnh.

Lần cuối điện ảnh "nói tiếng Hoa" giành được giải thưởng cao quý nhất của Liên hoan Berlin là vào năm 2007 với tác phẩm Tuyas Mariage (Đám cưới của Tuya) của đạo diễn Vương Toàn An. Trước đó nữa, Gấu vàng từng được trao cho bộ phim Cao lương đỏ của Trương Nghệ Mưu và The Wedding Banquet (Tiệc Cưới) của đạo diễn Đài Loan Lý An. Năm nay, với điện ảnh Nhật, nữ diễn viên Haru Kuroki đoạt giải Gấu Bạc nhờ tài nghệ diễn xuất trong bộ phim The Little House của đạo diễn Yoji Yamada.

Báo chí cũng dành nhiều tâm điểm và hào hứng cho sự kiện bộ phim "The Missing Picture" tái hiện thời kỳ người dân Campuchia sống dưới chế độ Khmer đỏ của đạo diễn Rithy Panh, được đề cử ở hạng mục "Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc" của Giải Oscar 2014. Phim kết hợp giữa những đoạn phim tư liệu về chế độ Khmer đỏ từng một thời tồn tại ở Campuchia và hình ảnh được dàn dựng từ những bức tượng đất nung khắc họa cuộc sống khốn khổ trước đây của đạo diễn Panh và các thành viên trong gia đình hồi thập niên 1970. Một sự kết hợp kỳ lạ giữa hiện thực và quá khứ, giữa sự tàn bạo của sự thật và tiếng nói của nghệ thuật dân gian.

Ngoài ra, một sự kiện đáng chú ý khác là tại LHP châu Á Vesoul tháng 2/2014 có chương trình mang chủ đề "20 bộ phim đánh dấu 20 năm ra đời", Ban tổ chức đã ngược dòng thời gian đưa khán khả trở lại với 20 tác phẩm của những nhà làm phim đã có công đưa ánh sáng của nền nghệ thuật thứ 7 châu Á lan tỏa ra thế giới.

Trong số đó, phải kể đến những tên tuổi như Giả Chương Kha của Trung Quốc, Kim Ki Duk của Hàn Quốc, Hầu Hiếu Hiền của Đài Loan, Kitano Takeshi của Nhật Bản, nhà làm phim người Iran Jafar Panahi và đạo diễn nổi tiếng Philippines, Brillante Mendoza.

Một cuộc liên hoan, một cuộc thi với những tiêu chí cụ thể về nghệ thuật và sự đóng góp cho nghệ thuật điện ảnh rút cuộc cũng chỉ là sân chơi, một cái đích để các nhà chuyên môn phấn đấu. Từng thương hiệu riêng của mỗi cuộc LHP sẽ định hướng để các nhà làm phim vươn tới các giải thưởng uy tín, cũng là con đường ngắn để tới trái tim khán giả.

Nếu tham chiếu theo cách này, châu Á sẽ dự báo gì với thế giới về nền điện ảnh của mình trong vài năm đến? Châu Á sẽ bắt đầu có tiếng nói bởi những tài năng thật sự, những phong cách làm phim "không giống ai" mà Kim Ki Duk là đại diện. Nếu ông này lặp lại phong cách làm phim "ở đâu đó”, sẽ không vượt qua rào cản kiểm duyệt, nền tảng đạo đức ngự trị Đông Á mà đạo Khổng ảnh hưởng, để có sự tán thưởng của người xem Âu-Mỹ vốn không có giới hạn nào về bạo lực có thể làm ảnh hưởng quyết định của họ.

Kim Ki Duk cũng là tấm gương noi theo của giới làm phim châu Á, khi ông không cần bắt đầu từ một trường điện ảnh chính quy Âu-Mỹ hoặc Hàn Quốc, làm phim kinh phí thấp và luôn độc lập với chính nền điện ảnh Hàn Quốc. Sự xuất hiện của đạo diễn Campuchia với bộ phim The Missing Picture có vẻ tương đồng với Kim Ki Duk, thu hút cái nhìn thế giới vào xã hội châu Á, tìm hiểu những vấn đề xã hội hoặc lịch sử với sự đồng cảm mãnh liệt. Và trường phái này đem lại thú vị cho khán giả bởi sự tìm tòi tinh tế trong thể hiện ý tưởng, một sự hiện diện khôn ngoan bên cạnh trường phái phim "bom tấn" của Hollywood.

Moebius

Từ những thành công đã qua đến từ châu Á, người ta đoán các nhà làm phim sẽ quan tâm xoáy sâu và cung cấp cho chính người châu Á và thế giới quan tâm đến vấn đề của từng khu vực địa - chính trị và xã hội, khi nhiều khu vực châu Á đã và đang là tâm điểm xung đột chính trị, tư tưởng và tôn giáo.

Đó là mảnh đất màu mỡ để điện ảnh châu Á bật dậy, nếu như các nhà làm phim châu Á không tự trói tay mình vì sợ kiểm duyệt, vì coi thường khán giả (trường hợp một số tác phẩm điện ảnh Việt Nam), hoặc vì lý do kinh phí. Đạo diễn Kim Ki Duk đã vượt qua các khó khăn đó.

"Niềm tự hào đầy nguy hiểm" của điện ảnh Hàn Quốc, đạo diễn Kim Ki Duk với phim Moebius không đạt giải thưởng tại LHP Venice 70 (tháng 8/2013) sau khi từng gặt hái giải thưởng lớn cũng tại LHP lâu đời này với bộ phim Pieta (năm 2012).

Nói thất bại là ông không vượt qua được sự quyết đoán của Ban giám khảo Venice lần thứ 70, bởi những ràng buộc về đạo đức và tinh thần của khán giả chưa sẵn sàng đón nhận một sự mổ xẻ xã hội cận cảnh và khốc liệt đến vậy trên màn ảnh. Ông đi quá nhanh trong thời đại mình, hoặc ông không gặp may (chuyện bình thường ở các cuộc thi), nhưng đạo diễn này chưa bao giờ dừng, vẫn làm mới mốc phát triển của nghệ thuật điện ảnh Hàn Quốc trên đấu trường quốc tế.

Khó có thể dự báo bất cứ tương lai nào đối với điện ảnh châu Á, kể cả Trung Quốc và Hàn Quốc. Một tương lai lúc thịnh vượng, lúc đìu hiu vì nghệ thuật chỉ dựa vào sự hấp dẫn của chất liệu sống phong phú và những tài năng riêng lẻ thiếu hậu thuẫn từ nền tảng công nghiệp điện ảnh!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Điện ảnh châu Á nhìn vào tương lai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO