"Cuộc giải phóng tinh thần" của một người trẻ

PHAN HÒA BÌNH| 12/07/2014 07:06

Chiều ngày 3/7, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, một triển lãm của tác giả trẻ Lê Hữu Hiếu mang cái tên gợi tò mò "Mặc".

Chiều ngày 3/7, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, một triển lãm của tác giả trẻ Lê Hữu Hiếu mang cái tên gợi tò mò "Mặc".

Đọc E-paper

Chính tâm sự của tác giả đã dẫn dắt người xem cảm nhận tác phẩm của anh, đây là một hành trình tập trung năng lượng vào giải phóng tinh thần của chính tác giả.

Quả là ý tưởng gây tò mò khi tập trung vào hội họa có thể tạo ra một cuộc giải phóng tinh thần ra khỏi những rắc rối của cuộc sống. Chỉ mới ý tưởng này thôi đã phải cảm ơn tác giả trẻ này đã khẳng định giá trị của hội họa, và cao hơn là giá trị của sáng tạo có thể giúp con người bước qua một giai đoạn khó khăn như thế nào.

Tuy nhiên, Lê Hữu Hiếu không phải "tay ngang" xông vào hội họa để "vượt thoát". Trước khi cầm cọ, anh đã quen tư duy bằng hình khối, bố cục của nghề kiến trúc sư, nên ngoài mỹ cảm nghệ thuật anh còn tận dụng được thâm niên tư duy về hình, về khối.

Chính vì vậy, nhiều họa sĩ nổi tiếng trong nghề như Lê Thiết Cương, Lương Xuân Đoàn đã khuyến khích tác giả 8X này phải làm ngay một triển lãm đầu tay, và còn làm ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Đó là một hiện tượng rất thú vị ở những người trẻ sáng tác.

Dù động cơ sáng tác đến từ đâu, thì tác phẩm vẫn là quan trọng hơn tất cả. Triển lãm chia làm hai vế, với những tự họa về đời sống tinh thần như Một mình, Phơi, Mưa, Áp lực. Ở vế sau là những tư duy về xã hội với các bức Đoàn kết, Lễ hội cuối cùng, Miền tư duy, Cuộc chiến cuối cùng...

18 bức sơn dầu của Lê Hữu Hiếu sử dụng chất liệu vàng và bạc trên nền acrylic để mô tả đời sống nội tâm, những trạng thái xã hội của người trẻ trước áp lực đưa tới từ thế giới phẳng. Mọi thứ trong cuộc sống đều phải nhanh hơn, hiệu quả hơn, nhưng cũng rất dễ thất vọng đều được biểu hiện qua cảm xúc về màu, hình.

Các nhân vật đều không thoải mái trong hiện trạng, bức bối từ cái nắm tay đoàn kết đến sự sợ hãi, hoang mang soi rọi ở khắp nơi. Nó đại diện cho suy nghĩ của nhiều người trẻ, rằng họ hết sức chủ động, không ai có thể bắt buộc được họ vui hay buồn, chỉ có sự thật hiện diện.

Đó thật sự là đặc điểm riêng, có cảm giác như những đường cọ của tác giả đang làm cái việc chắt lọc, ghi chép cảm xúc một góc của thời hiện tại.

Đỡ lời cho cảm giác ấy từ người xem, Hiếu tâm sự đã vẽ những tác phẩm này khi anh đang rơi tự do trong nỗi buồn mất định hướng, và bây giờ anh hài lòng với cách "rơi" này. Nó không chỉ cho anh một lối đi ra khỏi bế tắc, mà còn để lại những tác phẩm rất đáng chú ý, tạo ra một sự kiện thú vị cho mỹ thuật mùa Hè này.

Với một vài người lớn tuổi, có thể đi khỏi không gian mỹ thuật của Lê Hữu Hiếu họ sẽ mang theo một câu hỏi: Thế hệ trẻ bây giờ sớm tỉnh ngộ trước thực tại? Và những nhà sưu tập cũng sẽ có suy nghĩ riêng, đây là một lối vẽ có "dấu chỉ thời gian".

>Triển lãm tranh mỹ thuật "11+1"
>Triển lãm tranh “Sự sống”
>
Triển lãm tranh chủ đề Việt Nam tại Paris

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
"Cuộc giải phóng tinh thần" của một người trẻ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO